Bước vào năm học 2019-2020, những đứa trẻ Mông ở xã Tri Lễ (huyện Quế Phong) ríu rít rời núi, đến trường. Những bước chân xuống núi sẽ tạo đà để các em đi xa hơn và bước cao hơn.

bna_144137_2082019.jpgGià Y Xia, 11 tuổi, ở bản Pà Khốm, xã Tri Lễ (Quế Phong) cùng mẹ kiểm tra lại lần cuối hành trang của mình. Hành trang của cô bé bao gồm sách vở, áo quần và nhiều kim, chỉ lặt vặt khác.
Mẹ của Y Xia nhìn con âu yếm những cũng có những lo lắng cho chuyến xa nhà của con khi xuống núi, ở nội trú để theo con chữ. Còn mẹ, lại bước vào vòng quay của mùa rẫy bận rộn.
Rời điểm trường ở bản, bước vào lớp 6, năm đầu tiên của cấp 2, Y Xia sẽ xuống trường xã cách bản 15 km đường rừng để tiếp tục theo học. Ngày tựu trường, Y Xia háo hức mong chờ...
Để các em xuống xã học là cả một sự cố gắng thay đổi nhận thức lớn của gia đình. Ảnh: Thành Cường
Theo Trưởng bản Pà Khốm Và Bá Rê: Ở Pà Khốm, thu nhập chính của người dân phụ thuộc vào rừng và làm rẫy. Người lớn thường xuyên ở trên nương nên những đứa trẻ 11, 12 tuổi như Y Xia trở thành trụ cột trong nhà… Việc để các em xuống xã học là cả một sự cố gắng, thay đổi nhận thức lớn của gia đình.
Những cô bé người Mông rời bậc cửa nhà, xuống núi. Trong bước chân đi có sự bịn rịn, nhưng bước chân em mạnh mẽ vươn tới để thu nhận kiến thức.
Chuyến rời nhà này, Y Xia không cô đơn. Cùng đi với cô bé còn có 8 bạn khác cùng bản Pà Khốm. Cả 9 đứa trẻ này đều sinh năm 2008, cùng vào lớp 6 đợt này.
Chào đón năm học mới nay, Trường THCS Bán trú Tri Lễ tiếp nhận 220 học sinh vào lớp 6 ở 11 thôn bản, nâng tổng số học sinh của toàn trường từ 725 thành 772 em. “Dù còn nhiều khó khăn, nhưng nhà trường sẽ cố gắng hết mức để giúp đỡ, chăm sóc, dạy dỗ các em. Thầy cô nào cũng vậy, ai cũng yêu thương các em cho con cháu của mình, chăm lo chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc học tập” - Thầy Hồ Đức Huy, Hiệu phó Trường PTDTBT THCS Tri Lễ cho biết