(Baonghean) - Giao thông là một trong những bước “đột phá” để Quế Phong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, bởi vậy thời gian qua, huyện tập trung mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực này. Cùng với sự phát huy nội lực của người dân, Quế Phong vận động, thu hút các nguồn vốn đầu tư của nhà nước, các tổ chức quốc tế, đồng thời lồng ghép các chương trình dự án, nên hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện đạt kết quả khả quan.
Gần lại Tri Lễ
Trước đây, từ thị trấn Kim Sơn lên xã Tri Lễ đi mất gần ngày đường và nếu trời mưa, kể cả những chiếc xe 2 cầu cũng phải nằm đường, nhưng hiện nay nhờ hoàn thành tuyến đường Tây Nghệ An, nên quãng đường dài hơn 30 km chỉ mất hơn 1giờ đi xe ô tô. Ông Vi Văn Cường – Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho hay: “Người dân xã Tri Lễ được hưởng lợi rất nhiều vào tuyến đường Tây Nghệ An này. Bà con có việc ở thị trấn chạy xe máy đi và về ngay trong buổi sáng. Đường nhựa êm thuận, xe khách, xe tải vào tận bản giúp việc đi lại, trao đổi hàng hóa dễ dàng, cuộc sống của bà con nơi đây đã thay đổi hẳn. Tuyến đường Tây Nghệ An là động lực quan trọng để phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng vùng rẻo cao này”.
Từ tuyến đường huyết mạch Tây Nghệ An, xã Tri Lễ quy hoạch, xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn liên bản lồng ghép với Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình 30 a, 135 - CP, Trái phiếu Chính phủ, đường giao thông Tây Nghệ An…Ông Nguyễn Bá Hiền – Phó trưởng Ban phụ trách Ban PTNT miền núi Quế Phong cho biết: “ Tại xã Tri Lễ đang triển khai dự án di dân khẩn cấp vùng thiên tai và đặc biệt khó khăn biên giới xã, trong đó hạng mục ưu tiên là làm đường giao thông. Năm 2015, dự án được bố trí 5 tỷ đồng, làm 2km đường giao thông từ trung tâm xã Tri Lễ lên bản Huổi Mới. Năm 2016, được bố trí 5 tỷ đồng tiếp tục thi công thêm 2 km đường giao thông”. Thực hiện Chương trình nông thôn mới, xã Tri Lễ được hỗ trợ xi măng và vận động bà con phát huy nội lực quyết tâm làm 2.000m đường bê tông vào bản Cắm, bản Hủa Na…
Là vùng đặc biệt khó khăn, địa hình rừng núi hiểm trở nên việc đầu tư làm đường giao thông gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp và cần nguồn vốn đầu tư rất lớn. Thời gian qua, mặc dù đã lồng ghép nhiều chương trình dự án đầu tư vào lĩnh vực này, nhưng hệ thống đường giao thông ở Tri Lễ vẫn chưa đồng bộ, vẫn còn nhiều tuyến đường đất vào mùa mưa lũ đi lại rất khó khăn. Để từng bước khắc phục tình trạng này, Quế Phong đã có cách làm hay, là giao trách nhiệm cho huyện đoàn phối hợp với lực lượng đoàn viên, thanh niên tại xã Tri Lễ ra quân làm đường giao thông.
Cách làm này được các cấp, ngành ủng hộ và trong những ngày đầu tháng 8 này, gần 800 đoàn viên của các bản, làng xã Tri Lễ tập trung dựng lán trong rừng để thuận lợi cho việc san lấp, sửa sang lại 7 km đường rừng hiểm trở. Công trình này hoàn thành không chỉ giúp cho bà con người Mông đi lại thuận lợi hơn, mà còn tạo điều kiện cho học sinh ở vùng heo hút này đến trường học (Trường Tiểu học Tri Lễ 4). Được biết, trong thời gian tới, huyện Quế Phong tiếp tục triển khai dự án làm đường giao thông dài 14 km (tổng vốn đầu tư hơn 74,6 tỷ đồng) để kết nối trung tâm xã Tri lễ với các bản người Mông là Huồi Mới 1,2, Huồi Xái 1, 2, Nậm Tột, Mường Lống…
Nối dài thêm những huyết mạch...
Cùng với những tuyến Quốc lộ (Quốc lộ 48 và mới đây làm một số tuyến đường tỉnh nâng cấp thành Quốc lộ như đường 543, 544…) là huyết mạch giao thông quan trọng tại Quế Phong, thì tại trung tâm thị trấn Kim Sơn được kết nối với hệ thống đường giao thông gồm 9 tuyến đường (do huyện quản lý) đến tận trung tâm của 14 xã, thị trấn trong huyện. Cùng với đó, là 17 tuyến đường xã với tổng chiều dài 117,6 km nối trung tâm xã đến các thôn, bản và 84 tuyến đường giao thông nội thôn, bản dài 182,5 km. Đây là những con số ấn tượng, thể hiện sự quan tâm của các cấp, ngành và nỗ lực của chính quyền địa phương, của người dân trong việc tập trung đầu tư phát triển lĩnh vực giao thông.
Tuy hệ thống đường giao thông phát triển, nhưng một thực tế bất cập tại Quế Phong là đầu tư chưa đồng bộ, nhất là đối với tuyến đường huyện, xã. Theo thống kê, tại tuyến đường huyện quản lý (9 tuyến) có tổng chiều dài 207,4 km, thì trong đó chỉ có 55,4 km đường nhựa, còn lại 152 km là đường đất. Ông Sầm Bá Tuấn – Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Quế Phong cho biết: “Thời gian qua, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giao thông luôn bị cắt giảm, nên Quế Phong tích cực lồng ghép các nguồn vốn của những chương trình, dự án như: Chương trình 30 a; 135 - CP; Trái phiếu Chính phủ; Đường giao thông Tây Nghệ An; Quỹ bảo trì đường bộ, Đường cứu hộ cứu nạn; Nông thôn mới… đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, bảo trì các tuyến đường nối từ trung tâm huyện đến các xã.
Năm 2015, Quế Phong được cấp vốn ngân sách đầu tư làm mới gần 16 km đường giao thông liên xã và Quỹ bảo trì đường bộ hỗ trợ kinh phí duy tu, sửa chữa đường giao thông vào trung tâm xã Nậm Nhóong, đường Châu Kim – Nậm Giải. Chương trình xây dựng nông thôn mới hỗ trợ làm hơn 52 km đường bê tông… Từ đầu năm 2016 đến nay, các công trình giao thông đều khó khăn về nguồn vốn, chỉ mới khởi công làm dự án đường giao thông dài 2,8 km vào làng nghề bản Đan xã Tiền Phong và bản Cỏ Nong, xã Mường Nọc, còn lại là một số công trình chuyển tiếp từ năm trước. Tại 4 xã là Quế Sơn, Cắm Muộn, Tiền Phong, Mường Nọc được hỗ trợ hơn 1.024 tấn xi măng làm gần 7 km đường bê tông”.
Trên cơ sở quy hoạch giao thông huyện Quế Phong đến năm 2020 và nguồn vốn đầu tư, hàng năm huyện xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển giao thông một cách phù hợp, bởi vậy một số dự án giao thông hoàn thành đúng tiến độ. Một trong những dự án giao thông quan trọng ở Quế Phong đang thu hút được sự quan tâm của các cấp, ngành và người dân là dự án đường giao thông kết nối Châu Kim – Mường Nọc – Tiền Phong.
Dự án có tổng nguồn vốn đầu tư hơn 28,4 tỷ đồng (gồm thi công 9 tuyến dài hơn 7,5 km). Dự án triển khai từ năm 2012 và đã thực hiện xong gói thi công số 1 dài hơn 2,8 km với nguồn vốn 8,9 tỷ đồng. Hiện nay, đang triển khai gói 2 với chiều dài hơn 2,1 km. Đây là một trong những dự án trọng điểm về giao thông ở Quế Phong, nên được ưu tiên nguồn vốn đầu tư và dự án này sau khi hoàn thành không những tạo thành vành đai phát triển giao thông của thị trấn Kim Sơn, mà còn là động lực phát triển kinh tế của cả vùng trung tâm Quế Phong.
Mặc dù đạt được kết quả nổi bật trong phát triển giao thông, nhưng đối với huyện thuộc vùng đặc biệt khó khăn, lĩnh vực này cần ưu tiên tập trung đầu tư hơn nữa để tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng, phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn, đảm bảo các tiêu chí về giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quế Phong.
Hoàng Vĩnh