Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910, trong một gia đình nông dân ở làng Cổ Đan, tổng Đặng Xá (nay là xóm 12, xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 17 tuổi, Nguyễn Duy Trinh tham gia phong trào học sinh, sinh viên tại thành phố Vinh, sau đó được phái vào hoạt động tại Sài Gòn - Gia Định, bị thực dân Pháp bắt và kết án 18 tháng tù. Sau đó bị chúng trục xuất về quê. Năm 1930, Nguyễn Duy Trinh tham gia Đảng Cộng sản Đông Dương. Làm Bí thư Huyện ủy Nghi Lộc những năm 1930 - 1931, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, đồng chí lại bị địch bắt kết án 13 năm tù khổ sai và bị đày ra Côn Đảo. Sau đó chúng đưa đồng chí về giam tại Nhà tù Kon Tum.
Năm 1945 ra tù, đồng chí tham gia tổ chức cuộc khởi nghĩa ở Vinh và ở Huế. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Đảng phân công giữ chức Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Liên khu ủy Khu V, kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được Bộ Chính trị phân công lần lượt đảm đương những trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước như Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Tháng 4/1965, trước yêu cầu mới của cách mạng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị yêu cầu thôi kiêm chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước để kiêm chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị giao trách nhiệm cùng với các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ đặc trách chỉ đạo cuộc đàm phán với Mỹ tại Paris. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đối ngoại độc lập, tự chủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cương vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh phụ trách toàn bộ mặt trận ngoại giao gồm ngoại giao Nhà nước, ngoại giao của Đảng và ngoại giao nhân dân.
Với phong thái bình tĩnh, luôn vững vàng, đồng chí kịp thời đề ra chính sách đối ngoại cho mỗi thời kỳ, động thái cho mỗi sự kiện và xây dựng ngành ngoại giao đáp ứng yêu cầu của tình hình mới. Đồng chí đã thực hiện thành công phương châm của Chủ tịch Hồ Chí Minh "dĩ bất biến ứng vạn biến", gỡ rối từng việc, từng tình huống, gạt bỏ trở ngại, khắc phục khó khăn và hoàn thành nhiệm vụ. Ở những bước ngoặt của lịch sử, đồng chí tỏ ra là một nhà ngoại giao xuất sắc, tư duy và hành động theo tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã lãnh đạo ngành đối ngoại hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ chính trị - đối ngoại, giữ vững được đoàn kết và sự ủng hộ to lớn của bạn bè, cộng đồng quốc tế cho sự nghiệp cách mạng của Việt Nam.
Cuộc đàm phán Pari về Việt Nam từ tháng 5/1967 đến tháng 1/1973 là cuộc đàm phán dài nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX. Sau gần 5 năm đấu trí, với 200 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, cuộc đàm phán đã kết thúc. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Thắng lợi vẻ vang của đàm phán Paris và Hiệp định Paris đã buộc Mỹ phải rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng miền Nam Việt Nam, mở đường cho đại thắng Mùa Xuân 1975, thống nhất đất nước.
Quá trình đàm phán ở Pari và Hiệp định Pari là chiến thắng của một nền ngoại giao còn non trẻ, nhưng đầy chính nghĩa và mưu lược của cách mạng Việt Nam, ghi đậm dấu ấn của các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước nhà, trong đó có đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Lê Đức Thọ, Nguyễn Thị Bình...
Trong những năm chiến tranh, cùng với cuộc chỉ đạo đàm phán ở Paris, đồng chí đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan, nhất là các tổ chức quần chúng của cả hai miền, vận động nhân dân thế giới, kể cả nhân dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến đấu chính nghĩa của nhân dân ta, hình thành một mặt trận rộng rãi nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, mà trong lịch sử chiến tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước chưa hề có một phong trào đoàn kết quốc tế rộng lớn và tích cực như vậy.
Nắm vững đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ gắn với đoàn kết quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã góp phần trực tiếp quan trọng duy trì và củng cố tình đoàn kết với Liên Xô cũng như với Trung Quốc, tranh thủ sự giúp đỡ to lớn của cả hai nước đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Duy Trinh, ngoại giao của hai miền đất nước lại tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống các hành động của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định, đặc biệt là các hoạt động lấn chiếm vùng giải phóng, đồng thời tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho cuộc Tổng tiến quân mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thực hiện thống nhất đất nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành ngoại giao tham gia tích cực phục vụ nhiệm vụ khôi phục kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng ở giai đoạn mới, đồng chí Nguyễn Duy Trinh chỉ đạo cán bộ thực hiện tốt những nhiệm vụ trước mắt mà còn chuẩn bị cho đội ngũ đáp ứng những yêu cầu đặt ra trong tương lai.
Tháng 7/1976, sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, đồng chí Nguyễn Duy Trinh cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề xuất với Bộ Chính trị chủ trương sớm thiết lập và tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực với chính sách 4 điểm nổi tiếng: Tôn trọng độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không để lãnh thổ của mình cho bất cứ nước nào dùng làm căn cứ xâm lược nước khác trong khu vực; thiết lập quan hệ hữu nghị, láng giềng tốt; phát triển hợp tác vì sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh, vì độc lập dân tộc, hòa bình, trung lập ở Đông Nam Á. Trên cơ sở chính sách 4 điểm đó, chúng ta đã thiết lập quan hệ với các nước còn lại trong khu vực, gia nhập tổ chức Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Trong thời kỳ khó khăn sau chiến trang, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc, đánh dấu việc toàn bộ cộng đồng thế giới công nhận tính pháp lý và tư cách đại diện của Nhà nước ta tại tổ chức đa phương lớn nhất toàn cầu này. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh lại thay mặt Đảng và Nhà nước ta tham gia Lễ kéo cờ tại Trụ sở Liên hợp quốc tháng 7/1977.
Trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Nguyễn Duy Trinh chú trọng công tác xây dựng ngành một cách toàn diện, coi công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ ngoại giao, mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, đề cao kỷ luật... Với tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng dạn dày, đồng chí Nguyễn Duy Trinh tỏ rõ là một nhà ngoại giao xuất sắc của Đảng và Nhà nước, góp phần xây dựng một nền ngoại giao Việt Nam hiện đại trên nền tảng tư tưởng và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Đồng chí thực sự là tấm gương sáng về đạo đức cách mạng và trí tuệ đối ngoại cho các thế hệ cán bộ đối ngoại của Đảng hôm nay và mai sau./.