Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Văn Đoàn - Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng và Truyền thông ngoại giao - Bộ Ngoại Giao; Lê Minh Thông - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo huyện Nghi Lộc; đại diện các sở, ban, ngành cấp tỉnh và hội đồng hương, con cháu dòng họ Nguyễn cùng đông đảo nhân dân.
Các đại biểu cùng đông đảo nhân dân về dự Lễ khánh thành. Ảnh: Thu Hương Đồng chí Nguyễn Duy Trinh sinh ngày 15/7/1910 tại xã Nghi Thọ (nay là xã Phúc Thọ), huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Đồng chí đã sớm đi theo con đường đấu tranh cách mạng, chống thực dân, giải phóng dân tộc. Từ năm 17 tuổi, đồng chí đã tham gia phong trào học sinh chống áp bức của thực dân, phong kiến tại thành phố Vinh; tham gia nhiều hoạt động cách mạng và sau đó bị địch bắt, tù đày nhiều lần.
Trong gần 15 năm bị thực dân Pháp và tay sai cầm tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã trải qua các nhà lao Vinh, nhà đày Buôn Ma Thuột, các trại tập trung Đák Tô, Kon Tum, Côn Đảo; bị liệt vào một trong những phần tử cộng sản nguy hiểm, bị địch tra tấn dã man.
Trong nhà tù, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đã cùng các đồng chí cách mạng tiền bối biến nhà tù của thực dân thành trường học cách mạng của những người cộng sản yêu nước và là một trong những người tích cực biên soạn, tổ chức những lớp học về chủ nghĩa Mác - Lê Nin, về đường lối chiến tranh du kích của Mặt trận Việt Minh.
Các đại biểu cắt băng khánh thành Khu lưu niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thu Hương Sau Cách mạng Tháng Tám, đồng chí Nguyễn Duy Trinh đảm nhiệm nhiều cương vị, trọng trách của cách mạng như: Thường vụ Xứ ủy Trung Bộ, Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính Trung Bộ, Bí thư Khu ủy Liên khu V kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính miền Nam Trung Bộ, Ủy viên Trung ương Đảng khóa II năm 1951, Bí thư Trung ương Đảng năm 1955, Ủy viên Bộ Chính trị năm 1956. Năm 1958, đồng chí được cử làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước. Tại Đại hội Đảng lần thứ III, năm 1960, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị, được cử làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước....
Các đại biểu gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 550 năm thành lập huyện Nghi Lộc và 125 năm Danh xưng Nghi Lộc. Ảnh: Thu Hương Nhà lưu niệm của đồng chí Nguyễn Duy Trinh có kiến trúc kiểu nhà truyền thống khu vực Bắc Trung Bộ, 5 gian; bố trí gian giữa làm gian thờ, 4 gian 2 bên làm không gian trưng bày đồ lưu niệm. Mái nhà lợp cỏ tranh săng. Nhà khách kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống 4 mái, 2 gian giữa tiếp dán mái ngói gồm mũi hài, cột ngoài hành lang tròn. Trần bằng gỗ giật cấp....Tổng mức đầu tư của dự án là trên 9 tỷ đồng.
Con cháu dòng họ Nguyễn cùng đông đảo nhân dân tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Nguyễn Duy Trinh. Ảnh: Thu Hương Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Lê Minh Thông đề nghị các cấp ủy, chính quyền và các ban ngành đoàn thể huyện Nghi Lộc, xã Phúc Thọ quan tâm thực hiện một số nội dung: Đẩy mạnh truyền thông bằng nhiều hình thức phong phú đa dạng thông qua hệ thống thông tin đại chúng, các cuộc thi tìm hiểu, hoạt động ngoại khóa, về thân thể, sự nghiệp đồng chí Nguyễn Duy Trinh; tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là các nguồn lực xã hội hóa để xây dựng Khu tưởng niệm ngày càng khang trang hơn; thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát huy giá trị Khu lưu niệm; nghiên cứu lập hồ sơ, trình cấp thẩm quyền công nhận Khu lưu niệm Nguyễn Duy Trinh là di tích lịch sử, ghi nhớ công lao to lớn của đồng chí, và đây cũng là nơi giáo dục truyền thống yêu nước thương dân cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.