(Baonghean) - Hiến pháp 2013 có nhiều điểm mới hiến định về quân đội, mới cả về cách tiếp cận, nội dung, yêu cầu, nhiệm vụ; mới cả về hình thức trình bày, phương pháp diễn đạt. Nhìn chung, các điểm mới hiến định về quân đội đều toát lên tính ưu việt của chế độ xã hội ta và phản ánh sâu sắc quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong thực hiện quyền và nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc, khẳng định rõ hơn vai trò ngày càng tăng lên của quân đội ta trong bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới: toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức. 
 
Một trong những nội dung trọng điểm, rất mới được hiến định, mang tính thời sự nóng bỏng, có tính hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm theo dõi, bàn luận của nhiều người cả ở trong nước và bạn bè quốc tế, thậm chí cả các thế lực thù địch cũng quan tâm vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh, sự sống còn của quốc gia dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phức tạp hiện nay. Đó là nội dung Chương 4 về Bảo vệ Tổ quốc và một số điều khoản khác trong bản Hiến pháp 2013 có quan hệ mật thiết với Chương 4 về bảo vệ Tổ quốc, về xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
 
Để giữ vững môi trường hòa bình, sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, nhân dân, bảo vệ được Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong Chương 4, tại các Điều 64, 65 và 66 của bản Hiến pháp đã nhấn mạnh việc củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; trong đó 3 lần nhấn mạnh vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân nói chung, của Quân đội ta nói riêng. Điều 64 viết: “Tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực lượng vũ trang nhân dân”; Điều 66 viết: “Nhà nước xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có lực lượng thường trực hợp lý, lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân”. 
 
Ngoài 5 điều nêu trong Chương 4 về bảo vệ Tổ quốc, có nhiều nội dung mới được hiến định liên quan trực tiếp đến xây dựng Quân đội, trong Hiến pháp 2013 còn có một số điều, khoản có nội dung mới liên quan đến tổ chức quân đội; quyền và nghĩa vụ công dân khi tham gia quân đội được trình bày ở các chương khác. Chẳng hạn: Điều 15, Khoản 1 viết: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân. Điều 45 khẳng định: 1. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân. 2. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. 
 
Hiến pháp năm 2013 còn có điểm mới được hiến định liên quan trực tiếp đến quân đội là: Tại khoản 5, Điều 88 khẳng định: Chủ tịch nước có những nhiệm vụ và quyền hạn: “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh, quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. 
 
Về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam và yêu cầu, nội dung nhiệm vụ xây dựng quân đội, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. 
 
Tuy không có điều, khoản nào trong Chương 4 của Hiến pháp bàn riêng về bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam, song ở từng nội dung, từng luận điểm của cả 5 Điều: 64, 65, 66, 67, 68 trong Chương 4 đều hàm chứa và toát lên nội dung bản chất, chức năng, nhiệm vụ của quân đội ta. Về bản chất, Chương 4 của Hiến pháp đã thể hiện rõ: Quân đội ta mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng. Về chức năng, nhiệm vụ, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định rõ: Quân đội ta là một đội quân chiến đấu, một đội quân công tác và là một đội quân sản xuất. 
 
Điều 64 khẳng định: Cùng với Công an nhân dân, Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt để củng cố và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới. 
 
Điều 65 khẳng định rõ nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam là “tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân, với Đảng và Nhà nước, có nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc..., bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. 
 
Điều 66, Hiến pháp 2013 khẳng định lại và nhấn mạnh vai trò “làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, phát triển nền công nghiệp quốc phòng trong thời kỳ mới của Quân đội ta. Để tạo điều kiện cho Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Điều 68 của Hiến pháp 2013 hiến định vai trò của Nhà nước trong giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng toàn dân; xây dựng công nghiệp quốc phòng; bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang có đủ sức mạnh bảo vệ Tổ quốc... 
 
Tóm lại, Hiến pháp năm 2013 không chỉ khẳng định bản chất, chức năng, nhiệm vụ của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn chỉ rõ từng bước xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, của tổ chức, biên chế, lịch sử truyền thống của quân đội ta, nhân dân ta. Vai trò của Hiến pháp năm 2013 trong đấu tranh vạch trần những luận điệu xuyên tạc, phản động, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, thực hiện “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, quân đội nói chung; mỗi cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi và bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, xung kích, đi đầu trong tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp, pháp luật trong nhân dân, cùng nhân dân, người thân, gia đình nghiêm túc thực thi Hiến pháp, pháp luật; trước hết là Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua. 
 
T.H