bna_1383a6121594533_2072020.jpgNhà tưởng niệm và trưng bày di vật liệt sỹ ở Bảo tàng Quân khu 4 nhiều năm nay là nơi lưu giữ, tưởng nhớ, khắc ghi công lao của những người con đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Ảnh: Đức Anh
Một phần của nhà tưởng niệm là những di vật nằm cùng phần mộ được các đội quy tập mộ liệt sỹ tìm kiếm trong hơn nửa thập kỷ qua. Trong số này có những bia mộ có tên nhưng không có quê, có những bia mộ chỉ có ký hiệu như K6, B10. Ảnh: Đức Anh
Giữa các cuộc chiến đấu oanh liệt, để lưu lại thông tin của các liệt sỹ đã hy sinh là điều rất khó khăn. Vì vậy, có rất nhiều vật liệu được dùng để khắc tên của liệt sỹ như đá núi, vỏ của thùng lương khô, mảnh xác máy bay để đánh dấu nơi yên nghỉ. Ảnh: Đức Anh
Có những bia mộ làm bằng xác máy bay nhưng không có tên, chỉ có ký hiệu. Trong những năm qua, đã có hàng nghìn cuộc tìm kiếm di hài cốt liệt sỹ nhưng việc xác minh lý lịch rất khó khăn. Ảnh: Đức Anh
Đến thời điểm này, trong số những liệt sỹ đã được quy tập còn hơn 300.000 hài cốt chưa được biết tên. Tại kho lưu trữ của Bảo tàng Quân khu 4 có nhiều tấm bia đang còn lưu giữ một số thông tin nhưng chưa tìm được địa chỉ của các liệt sỹ. Ảnh: Đức Anh
Trong ảnh tấm bia (bằng vung nồi) có ghi: Liệt sỹ Phạm Ngọc Chiến (sinh năm 1948), quê ở Cẩm Đối - Thống Nhất, Gia Lộc (Hải Dương). Liệt sỹ hy sinh ngày 5/3/1968 và được đoàn 337 tìm được tại núi Tà Phăng - Hướng Lộc - Hướng Hóa (Quảng Trị). Tấm bia ở góc trái có tên Liệt sỹ Trần Xuân Điện (1948), hy sinh ngày 16/5/1970 tại Gia Thụy, Gia Viên - Thái Bình. Tấm bia được Đội quy tập 192 - Thừa Thiên Huế tìm thấy ở Khu vực 34 - đường 559 Việt - Lào vào tháng 7/2017. Một tấm bia khác ghi tên Nguyễn Hữu Cước (sinh ngày 12/10/1947), quê ở Lâm Hạ - Xuân Liên - Nghi Xuân (Hà Tĩnh), hy sinh ngày 17/5/1970. Ảnh: Đức Anh
 
Trong những năm qua đã có hàng nghìn lá thư của gia đình các liệt sỹ gửi về Bảo tàng Quân khu 4 với mong muốn tìm kiếm, xác minh lý lịch của người thân đã hy sinh. Thế nhưng, vẫn còn hàng nghìn những câu hỏi chưa có câu trả lời. Ảnh: Đức Anh
Việc lưu giữ các di vật là một cách để tri ân những liệt sỹ đã ngã xuống cho đất nước. Ảnh: Đức Anh

Trong số những di vật đang lưu giữ ở đây, có những di vật được những người lính ở bên kia chiến tuyến gửi lại. Việc trả lại di vật cũng là một cách để họ giải thoát khỏi sự day dứt, ám ảnh về một cuộc chiến phi nghĩa. Ảnh: Đức Anh
Tìm kiếm và sưu tầm được các di vật của các liệt sỹ là một công việc đặc biệt khó khăn. Ảnh: Đức Anh
 
Nhiều kỷ vật sưu tầm được là do các thương binh và các gia đình liệt sỹ gửi lại với mong muốn gửi gắm và đây để lưu giữ mãi mãi về những ký ức hào hùng của cuộc chiến đấu anh dũng, giành độc lập tự do. Ảnh: Đức Anh

Đây là những di vật được tìm thấy tại Thành cổ Quảng Trị trong những nấm mồ không tên. Tuy nhiên, may mắn có 2 liệt sỹ đã được tìm thấy với đầy đủ các thông tin, hình ảnh. Trong đó, có liệt sỹ Lê Binh Chủng - một người con của xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu. Chuyện tình của liệt sỹ Lê Binh Chủng và người con gái Quảng Bình trong cuộc chiến đấu thành cổ cũng đã trở thành một thiên tình bất hủ vừa nồng nàn, tha thiết nhưng cũng rất bi thương. Ảnh: Đức Anh
   
Hàng trăm di vật khác cũng được tìm thấy chung với những nấm mồ của các liệt sỹ. Đây là những kỷ vật gắn liền với cuộc sống hàng ngày và đi theo họ cho đến khi ngã xuống. Ảnh: Đức Anh
Một phần lớn các di vật đang được lưu lại hiện nay là những bức thư của các liệt sỹ. Những bức thư này từng là cầu nối của họ với gia đình, người thương và quê nhà. Ảnh: Đức Anh
Những bức thư cũng là động lực to lớn và là những kỷ niệm đẹp đẽ để những người ở lại lưu giữ hình ảnh về người thân yêu của mình. Trong một lá thư của một liệt sỹ gửi người con gái quê nhà tên Hảo đã khiến bất cứ ai đọc nó đều rơi nước mắt: "Hảo em /Giờ phút tạm biệt rồi/ Chia tay nhau nhé hỡi em/ Ngồi bên giáp mặt lời không nói/ Ta chỉ nhìn nhau hé miệng cười". Sau bức thư này liệt sỹ còn gửi cho người yêu nhiều lá thư nữa, thể hiện nỗi nhớ mong khắc khoải, nhưng luôn toát lên tinh thần lạc quan, tự hào vì tiểu đoàn anh vừa thắng lớn. Sau lá thư ngày 6/4/1972 mà anh ghi là "Lá thư cuối cùng", không biết người yêu anh có nhận được lá thư nào của anh không, nhưng những dòng chữ này mãi mãi đi vào bất tử như dòng tên anh khắc vào đá núi, như câu chuyện tình yêu của anh và người con gái quê nhà. Ảnh: Đức Anh
 
Việc lưu giữ những kỷ vật cũng để những người hôm nay có cái nhìn đầy đủ về cuộc chiến đấu trường kỳ của dân tộc. Cũng là nhắc nhớ thế hệ hôm nay và mai sau luôn nặng nghĩa tri ân về những đóng góp, hy sinh to lớn mà các thế hệ cha ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do. Ảnh: Đức Anh