(Baonghean) - Đó là hệ thống các loài cây như cây gạo, cây đa, cây trôi, cây phượng vĩ … trầm mặc tỏa bóng xuống nền gạch rêu phong ở chùa Gám. Đã ngót trăm năm nay, những bóng cây in đậm trong lòng khách thập phương như một biểu tượng về cõi tâm linh thanh sơ đầy an yên. Mỗi bóng cây có một số phận riêng, góp phần làm dày dặn thêm lịch sử linh thiêng chốn này…
Đền, chùa Gám là một quần thể cổ kính, có kiến trúc thanh nhã theo kiểu đền, chùa Trung Bộ, với những nét chạm trổ hoa văn tinh xảo, thể hiện khát vọng và lòng tôn kính của nhân dân đối với công đức của các vị thần, của Đức Phật và các bậc tiền nhân. Một chiều, tôi đã đi, đã đến, và đã đắm đuối trong dòng chảy văn hóa – lịch sử nơi đây - nơi mà mỗi tấc đất, mạch cây đều thấm đẫm những huyền tích kỳ vĩ, anh linh.
Đại đức Thích Tuệ Minh dẫn tôi thăm ngôi chùa cổ kính. Bóng áo nâu tĩnh mịch trong buổi chiều im nắng, thoảng hương hoa gạo rụng đầy lối gạch rêu. Cây gạo đã có mặt ở chùa hơn 90 năm nay, sừng sững vươn cành, trổ hoa, bất chấp không gian, thời gian và bao biến thiên lịch sử. Đại đức khẽ cúi người xuống, đón lấy những bông gạo bời bời dẫu đã rụng về cội, vẫn thắm thiết màu rực rỡ dâng đất và người. Thế rồi, vừa xếp những cánh hoa quanh chậu cảnh sân chùa, Đại đức vừa khẽ kể cho tôi nghe, mà cũng như đang tự nói cho chính mình, những chiêm nghiệm nhân sinh từ loài cây dân dã ấy. Rằng, hoa gạo, hay còn gọi là hoa pơ lang, hoa mộc miên, là loài cây đặc trưng của xứ Bắc và Bắc Trung Bộ. Hoa gạo đỏ thường được trồng đầu làng hoặc trong sân đền, chùa, được dân gian ngầm xem là loài cây thiêng bởi quan niệm “hồn cây đa, ma cây gạo”.
Có một truyền thuyết trữ tình về loài cây này, ngày xửa ngày xưa, ở làng nọ, có chàng trai nghèo yêu một cô thôn nữ. Họ chuẩn bị cưới thì trời đổ mưa, cơn lũ lớn cuốn phăng đi nhà cửa và lễ vật thách cưới, khiến ngày hạnh phúc của đôi trẻ bị dở dang. Chàng trai bắc cây nêu lên hỏi ông trời. Trước khi đi, chàng buộc vào tay cô gái dải vải đỏ để làm tin… Ngờ đâu, lên đến thiên đình, Ngọc Hoàng cảm tấm lòng gan dạ của chàng trai nên đã giữ chàng lại làm thần mưa, cai quản việc thời tiết, điều hòa nông vụ cho người dân hạ giới. Vì nghiệp lớn, chàng đành ở lại. Còn cô gái, chờ mãi không thấy người yêu trở về, ngày nào cũng nhìn lên cây nêu trông ngóng. Ngọc Hoàng biết chuyện, bèn ban cho cô gái một điều ước. Và cô ước rằng, xin biến cây nêu thành loài cây có rễ bám sâu vào đất, thân thẳng vươn cao, dải vải đỏ nghĩa tình biến thành những bông hoa rực rỡ, để dẫu cách xa, hai người vẫn có thể nhận ra nhau…
Truyền thuyết ấy cũng kỳ bí như bao truyền thuyết khác trên thế giới này. Chỉ có điều duy nhất được xác tín, rằng cây gạo ngót trăm năm tuổi trong sân chùa Gám, tự bao giờ đã trở thành biểu tượng tâm linh – nơi người dân trong và ngoài tỉnh đến gửi gắm niềm tin, hy vọng và những điều tốt lành trong cuộc sống. Ngót trăm năm, cây đã bám rễ sâu vào lòng đất thẳm, tạc một dáng hình cổ thụ làm duyên cho nét chùa thiêng. Mà đâu chỉ có cây hoa gạo, sân đền, chùa Gám còn sừng sững hai cây phượng vĩ, và cả cây đa, cây trôi nữa, dễ đến trăm tuổi đời tận hiến cho đất và người chốn này. Đại đức Thích Tuệ Minh dẫn tôi đến “mục sở thị” cây đa và cây trôi sừng sững in bóng lên khoảng tường rêu phong thời gian. Thoáng nhìn, chẳng thể nhận ra đâu là cây đa, đâu là cây trôi, bởi hai loài cây này đã quấn quýt vào nhau, cành ôm cành, cội tựa cội, che chở bảo bọc nhau qua nắng, qua mưa. Đại đức Thích Tuệ Minh chỉ tay vào gốc cây xù xì, ẩn sâu sau những cành to, rễ lớn, đoạn bảo: “Đây là gốc cây trôi. Gọi là cây trôi, vì bản thân nó ẩn chứa một câu chuyện kỳ lạ…”.
Chuyện là, vào thời Tiền Lê, cả vùng đất này chịu cơn đại hồng thủy, nước dâng đến cả rú Gám, cuốn phăng đi nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân. Khi rút đi, cơn lũ lớn để lại 3 cây non, dân gian thường gọi là cây muỗm (họ cây xoài). Những cây này tự bám đất mà lớn, phát triển rất nhanh, chẳng mấy chốc mà thành đại thụ. Người dân cũng lấy sự kiện lũ lớn ấy mà đặt tên là cây trôi. Ba cây trôi đại thụ nằm ở ba vùng của huyện Yên: một cây ở cạnh sông Dinh, thuộc xã Tràng Thành; cây thứ hai ở đình làng Xuân Tiêu, xã Hợp Thành; và cây thứ ba, cũng là cây lớn nhất, chính là cây trôi ở sân chùa Gám hiện nay. Tương truyền, cây cao 30, 40 m, vòng thân lớn 6,7 người lớn ôm không xuể, cành lá xum xuê phủ tán có khi đến vài trăm m2. Điều kỳ lạ nhất, là những vùng đất có 3 cây trôi ngự tọa, về sau đều trở thành những vùng chí linh, văn vật, giàu truyền thống hiếu học và đỗ đạt, công danh trọng vọng.
Cây trôi chùa Gám, về sau, chẳng hiểu tại sao bỗng nhiên lụi dần, chỉ còn trơ gốc. Mãi độ mấy mươi năm lại đây, có một nhà nọ hiếm muộn con cái, một hôm, xin sư thầy trong chùa được làm công đức, trồng một cây đa vào cạnh bên gốc cây trôi cũ. Cây đã phát triển xanh tốt, càng lớn, càng vươn rễ tỏa cành, ôm lấy gốc cây trôi năm nào, tạo thành thế cây sừng sững, uy nghiêm, bền bỉ. Nhà hiếm muộn ấy, sau khi trồng cây đa ít lâu cũng hạ sinh được quý tử. Dân xã trong, xã ngoài, từ đó xem cây đa, cây trôi chùa Gám như là nơi cầu tự linh thiêng, thường xuyên đến sóc vọng, thăm nom.
Đại đức Thích Tuệ Minh bảo, những loài cây cổ thụ trong sân đền, chùa đã tụ linh khí đất trời mà sinh sôi, bung nở. Chúng trở thành những “di sản xanh” cần phải được bảo tồn, gìn giữ. Thế cây đã gắn với bóng đền, chùa, như biểu tượng của cội nguồn, để con cháu mai sau, ngoái về mà nhớ lấy…
Phước Anh