(Baonghean) - Thị xã Hoàng Mai là địa bàn rộng, có núi, có biển, có vùng đồng bằng rộng lớn. Nhờ kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất và quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hiện nay nhiều “đặc sản” mang đậm vị biển của Hoàng Mai đã có mặt ở nhiều thị trường lớn trong cả nước.

images1492848_v1.jpgCốt nước mắm cá cơm đặc sản của làng nghề chế biến Phú Lợi được rút sau 18 tháng phơi nắng.

Hàng trăm năm nay, người dân làng Phú Lợi, thuộc Quỳnh Dỵ, thị xã Hoàng Mai luôn tự hào mỗi khi nhắc đến sản phẩm nước mắm nổi tiếng mà bao thế hệ nơi đây đã dày công xây dựng. Những người làm nghề lâu năm ở Phú Lợi cho biết, con cá cơm, nguyên liệu chính để làm nên những giọt nước mắm thơm ngon, đậm đà vị mặn mòi của biển được ngư dân vùng Quỳnh Lưu, Hoàng Mai đánh bắt quanh năm ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ.

Thời điểm cho ra loại nước mắm ngon nhất là vào tháng Chạp, tháng Giêng và tháng 4, tháng 5 âm lịch hàng năm. Cá được ướp với muối gọi là chượp, cho vào các thùng, chum, vại phơi nắng từ 12 đến 18 tháng là có thể rút được nước mắm thành phẩm.

Ông Nguyễn Đức Xân - Chủ nhiệm làng nghề chế biến hải sản Phú Lợi cho biết: “Cả làng nghề hiện nay có 150 hộ dân tham gia làm nghề, mỗi năm cung cấp ra thị trường từ 2 đến 2,5 triệu lít nước mắm. Do được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công, theo phương thức cổ truyền nên giá thành nước mắm Phú Lợi hiện nay tương đối cao so với các sản phẩm nước mắm công nghiệp. Loại thượng hạng có giá từ 100.000 – 120.000 đồng/ lít, loại II có giá 70.000 đồng/lít, loại thường là 30.000 đồng/lít.”

Thị xã Hoàng Mai nổi tiếng với nhiều mặt hàng thủy hải sản .

Thị xã Hoàng Mai còn là quê hương của nhiều mặt hàng hải sản qua chế biến gồm đồ khô, đông lạnh và đồ nướng. Hiện nay, toàn  thị xã hiện có 37 kho đông lạnh chuyên bảo quản sản phẩm từ biển, 12 cơ sở hấp sấy cá cơm, 1 làng nghề chế biến hải sản, làng nghề nước mắm Phương Cần với hàng trăm hộ dân tham gia làm nước mắm, ruốc, hàng chục cơ cở nướng cá cung cấp cho thị trường nội địa và Lào…

Mỗi năm có hàng vạn tấn cá cơm khô, nướng, cá, mực, tôm đông lạnh được tung ra thị trường khắp cả nước. Điều đáng nói là nghề chế biến hải sản đã góp phần nâng cao giá trị mặt hàng này tại khu vực vùng biển tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động nữ.

Chị Nguyễn Thị Bình - chủ cơ sở chế biến cá khô Việt Thuần (Quỳnh Dị, Hoàng Mai) cho biết, đã làm nghề chế biến cá được 5 năm. Kho bảo quản lạnh và hệ thống phơi cá được gia đình chị đầu tư gần 400 triệu đồng. Năm qua, chị đã thu mua 30 tấn cá tươi các loại, cho ra thành phẩm được gần 10 tấn.

Thời gian qua, thị xã Hoàng Mai cũng đã có nhiều chính sách, tạo điều kiện cho các mô hình này phát triển, thông qua hỗ trợ vốn vay, tập huấn khoa học kỹ thuật cho người dân. Đồng thời liên kết, hỗ trợ các địa phương trong tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm đến với thị trường. 

Bên cạnh đó, các chủ cơ sở còn thực hiện sản xuất các mặt hàng này theo đúng quy trình, có lộ trình cụ thể, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thế mạnh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo sự phát triển ổn định kinh tế, xã hội của địa phương.

Nguyễn Vân

Đài Hoàng Mai

TIN LIÊN QUAN