bna_21779439_1372020.jpg

 

Những gương sáng trong phát triển kinh tế

Năm 2005, cựu TNXP Tưởng Đăng Minh (tham gia TNXP ở Đại đội 2893, Đội 289-P27 nhiệm kỳ 1971-1973) rời công việc ở Cục công trình giao thông 1, về quê ở xã Tam Quang (Tương Dương) nghỉ hưu theo chế độ. Về quê, cuộc sống gia đình ông gặp nhiều túng quẫn khi con đông lại trong tuổi ăn học. Với suy nghĩ “Là cựu TNXP thì không thể cam chịu đói nghèo”, ông Minh đã tìm hướng phát triển, mạnh dạn vay mượn bạn bè, ngân hàng mua xe ô tô chạy hàng vật liệu và kinh doanh ăn uống giải khát trên địa bàn.

Dám nghĩ, dám làm, siêng năng, chịu khó, uy tín được khách hàng tin tưởng, ông Minh không những có thể nuôi con cái ăn học tốt mà còn tích lũy được vốn sản xuất, kinh doanh. Đến năm 2010, cựu TNXP Tưởng Đăng Minh đã thành lập được công ty vận tải và xây dựng với 7 xe ô tô cùng 8 công nhân làm việc. Cả 4 người con sau khi học trung cấp, đại học đều được đưa vào công ty... Với sự quản lý điều hành tốt, công ty không ngừng phát triển với doanh thu hàng năm khoảng 1,5 tỷ đồng, nộp ngân sách 150-200 triệu đồng. Thu nhập của công nhân đạt xấp xỉ 7 triệu đồng.

Cũng giống như cựu TNXP Tưởng Đăng Minh, vợ chồng cựu TNXP Bùi Hoàng Ngân (tham gia TNXP 1972, đơn vị 333, Tổng đội Cù Chính Lan) – Hoàng Thị Ngân (tham gia TNXP 1972, đơn vị 2713N271P37) ở xã Hương Sơn (Tân Kỳ) cũng đã từng trải qua những khó khăn nhất định. Nhưng với quyết tâm vượt khó, họ cũng đã thành công. 
Trao bê giống cho cựu TNXP gặp khó khăn ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh Minh Thái

Năm 2004, khi Đảng và Nhà nước có chủ trương phát triển kinh tế trang trại, vợ chồng cựu TNXP Bùi Hoàng Ngân đã làm đơn gia nhập hội viên Hội Trang trại của xã và huyện. Từ đây, gia đình đã được huyện, xã cho đi tham quan các mô hình, trải nghiệm thực tế...

Hướng mới được mở ra. Trên 30 ha đất rừng sản xuất có mặt nước ao, hồ, vợ chồng cựu TNXP mạnh dạn vay vốn làm trang trại nông, lâm, ngư kết hợp, với việc chăn nuôi lợn rừng, trâu, bò, dê, gà vịt, cá kết hợp trồng rừng nguyên liệu. Không ngừng học tập kỹ thuật, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm, trang trại của vợ chồng cựu TNXP đã cho thu nhập tốt với khoảng 650 triệu đồng/năm. Trong năm 2019-2020, trang trại xây dựng thêm mô hình nuôi cá lồng bè với 15 lồng với chi phí đầu tư 450 triệu đồng.

“Phát triển kinh tế trang trại, gia đình có điều kiện để giúp đỡ các con em cựu TNXP, cựu TNXP gặp khó khăn bằng cách bố trí công việc thường xuyên, thời vụ ở trang trại và cũng như giúp đỡ họ bằng hiện vật, tiền mặt”.

Cựu TNXP Bùi Hoàng Ngân ở xã Hương Sơn, huyện Tân Kỳ

"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, vợ chồng cựu TNXP Trần Huy Giăng – Lê Thị Vân, ở xóm 3, xã Thanh Đức (Thanh Chương) quyết tâm phát triển kinh tế gia đình trên phần đất được giao. Hai ông bà việc gì cũng làm, nuôi con gì, trồng cây gì hiệu quả là đưa vào từ trồng chè, quần quật suốt ngày từ chuyện trồng keo, trồng bưởi đến nuôi gà, vịt, đào ao thả cả, nuôi dê, trâu, bò… Cây cối, vật nuôi có tay người chăm nên ngày càng sinh sôi, đời sống gia đình ngày càng phát triển. Từ năm 2005-2006 đến nay, mỗi năm gia đình ông bà thu được khoảng 600 triệu đồng từ đất rừng, vườn, ao chuồng.
Với nhiều cựu TNXP, hạnh phúc của họ không giản thuần là sự phát triển riêng của bản thân mà còn là niềm vui được giúp đỡ đồng đội, cộng đồng – Đây cũng là suy nghĩ của cựu TNXP Trần Thị Quý (sinh năm 1954, tham gia TNXP 1972-1974 tại đơn vị 3094N309P27) ở phường Trung Đô (TPVinh). Năm 1990, nghỉ làm ở HTX may mặc, cựu TNXP Trần Thị Quý đã không cam chịu đói nghèo, đi tìm việc phù hợp với khả năng của mình. Bà quyết định mở cửa hàng dịch vụ nấu ăn phục vụ lễ hội, lễ cưới. 
Với cái tâm đáng quý của người làm nghề, cửa hàng nhanh chóng được nhiều người biết đến, tin tưởng, ngày nào cũng có người đặt cỗ. Thu nhập của cựu TNXP Trần Thị Quý những năm 2000-2010 có lúc lên đến 100 triệu đồng/tháng sau khi trừ các khoản  chi phí và thuế. Đến năm 2013, cửa hàng tiếp tục mở rộng kinh doanh, tuyển thêm nhân sự, đầu tư, quảng cáo tiếp thị trên môi trường Internet nên doanh thu tăng đều hàng năm. Đến nay, tổng số lao động của cửa hàng là 30 người, thu nhập bình quân mỗi lao động 6,5-7 triệu đồng/tháng... Không dừng lại đó, nữ Cựu TNXP này còn liên kết, đầu tư thành lập công ty xe khách vận chuyển khách từ TP. Vinh đi Hà Nội.
Điều đáng nói ½ trong tổng số người lao động tại cửa hàng, công ty của bà đều là con cái của các cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn. Kinh tế hộ gia đình phát triển, cựu TNXP Trần Thị Quý không giữ riêng cho mình mà thường xuyên thực hiện giúp đỡ, tặng quà cho các cựu TNXP khó khăn; nhận chăm sóc vợ, mẹ liệt sĩ, phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng; tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam; thực hiện nấu cháo cấp phát cho bệnh nhân nghèo; tặng sách vở, quần, áo cho trẻ em vùng cao...Tính riêng từ năm 2015-2019, số tiền mà cựu TNXP Trần Thị Quý giúp đỡ, hỗ trợ đồng đội mình là khoảng 435 triệu đồng.

Chung tay xây dựng quê hương
 Ở Nghệ An hiện đang có hàng trăm cựu TNXP làm kinh tế giỏi. Điều đáng quý là các cựu TNXP này đều đi lên bằng nghị lực, nhiều  mô hình bền vững. Toàn tỉnh có 250 cựu TNXP xây dựng được mô hình kinh tế trang trại, với hình thức VAC, tổ chức chăn nuôi, trồng rừng bảo vệ rừng, phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ khác, hàng năm cho thu nhập từ 50-100 triệu đồng; có doanh nghiệp do cựu TNXP làm chủ sản xuất phân bón ở 2 cơ sở Tp. Vinh và tỉnh Bình Dương thu hút hàng trăm lao động là con em cựu TNXP, thu nhập của doanh nghiệp 100 tỷ đồng/năm; hay như tổ hợp mây tre đan tiêu thụ nội địa và xuất khẩu của Hội Cựu TNXP xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) đã thu hút nhiều con em cựu TNXP tham gia và giúp 15 cựu TNXP thoát nghèo.
 Các Hội Cựu TNXP xã Quỳnh Trang (Quỳnh Lưu), Kim Thành (Yên Thành), Nghĩa Hưng (Nghĩa Đàn), Yên Hợp (Quỳ Hợp), Thanh Đức (Thanh Chương), Long Sơn (Anh Sơn), Diễn Đoài (Diễn Châu)... đã gắn với hoạt động tổ chức hội vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho nhiều hộ gia đình và hội viên cựu TNXP.
Tiêu biểu, Hội Cựu TNXP xã Diễn Đoài đã vận động hội viên tham gia tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ nghĩa tình đồng đội bằng cách nuôi gà, nuôi cá, trồng cây ăn quả, thu hái cây đót ở vườn đồi phơi khô bán, nuôi lợn  nhựa.
Ngoài ra, hội đã đăng ký với Đảng ủy, UBND xã tổ chức cho hội viên sản xuất cày cấy trên 1,3 mẫu ruộng từ năm 2015-2019, mỗi năm thu nhập từ 23-25 triệu đồng. Bằng nhiều hình thức, Quỹ nghĩa tình đồng đội của hội tăng dần qua các năm. Đến năm 2019, quỹ này có 560 triệu đồng, cho 15 hội viên vay phát triển kinh tế. Qua đó 15 hộ gia đình được vay đã thoát nghèo trở thành hộ trung bình, khá.
Trao bê giống cho cựu TNXP gặp khó khăn ở xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn. Ảnh Minh Thái

Hưởng ứng cuộc vận động  do Trung ương Hội Cựu TNXP và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh phát động, các cấp Hội TNXP Nghệ An đã và đang triển khai bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú thực hiện cuộc vận động Cựu TNXP nguyện nêu gương sáng học tập và làm theo  tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Qua đó, hội đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn với công tác củng cố, xây dựng tổ chức hội. Đơn cử, với phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều cơ sở hội đã hiến tặng hàng nghìn mét vuông đất, đóng góp hàng trăm triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, hàng trăm cựu TNXP đã tham gia đại biểu HĐND, cán bộ cốt cán các đoàn thể, cán bộ chính quyền từ xóm đến xã.

Từ khi thành lập (2007) đến nay, Hội Cựu TNXP huyện đã thường xuyên phối hợp cùng Huyện đoàn thanh niên làm tốt công tác giáo dục truyền thống anh hùng lực lượng TNXP cho thế hệ trẻ.

Ông Nguyễn Tâm Cớn, Chủ tịch Hội Cựu TNXP huyện Yên Thành

Cựu TNXP thăm viếng phần mộ các liệt sĩ TNXP Truông Bồn. Ảnh: Thành Chung

Trong cuộc sống hôm nay, người cựu TNXP vẫn luôn quyết tâm gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua yêu nước.

Ông Mai Ất   -Chủ tịch Hội Cựu TNXP Nghệ An cho biết: Thời gian tới, các cấp Hội Cựu TNXP tỉnh Nghệ An sẽ tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động nêu gương sáng học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phong trào “Cựu TNXP làm kinh tế giỏi – vì nghĩa tình đồng đội”;  phối hợp với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng của lực lượng TNXP đối với thế hệ trẻ; tích cực tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động kinh tế, xã hội, góp phần bảo vệ Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, địa phương./.