(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XVII (2011 - 2015) đề ra mục tiêu: giao thông đi trước một bước để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên tinh thần đó, được sự quan tâm của Trung ương, sự chỉ đạo, lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự vào cuộc tích cực của nhân dân, kết cấu hạ tầng giao thông đã phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, với nhiều công trình trọng điểm, ngành Giao thông có nhiều “đột phá”, tạo nền tảng, bệ phóng cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà.
Kết nối vì sự phát triển của miền Tây
Những ngày cuối tháng 8, có mặt trên tuyến đường Tây Nghệ An, con đường trước đây chỉ toàn suối sâu, đèo cao và mây mù, bây giờ hiện hữu với thảm nhựa bằng phẳng, uốn lượn qua từng dãy núi, nối liền một dải miền Tây.
Còn nhớ mấy năm trước, theo chân đoàn cán bộ Sở GTVT đi khảo sát tuyến Tây Nghệ An từ Quế Phong sang Kỳ Sơn, phải đi bộ hàng ngày trời băng qua không biết bao nhiêu đèo cao, suối sâu. Nhưng giờ đây, tuyến Tây Nghệ An hoàn thành đưa vào sử dụng chỉ mất 3h đồng hồ là đến nơi. “Ăn sáng ở Quế Phong qua Tương Dương, về Kỳ Sơn ăn trưa”, Kỹ sư Nguyễn Duy An, Phó trưởng phòng Dự án 1, Ban Quản lý công trình giao thông Nghệ An, người gắn bó với đường Tây Nghệ An từ những ngày đầu khai phá con đường này mô tả khoảng cách không gian được rút ngắn một cách dễ hình dung nhất.
Điều dễ nhận thấy là đường mở đến đâu, cuộc sống đổi thay đến đó, các công trình, nhà cửa mọc lên, giao thương nhộn nhịp hơn. Đường mới hoàn thành đã thấy những chiếc xe khách nối nhau chở những đoàn khách từ Quế Phong băng qua Tương Dương đến Kỳ Sơn. Nhà cửa của người dân các xã Mai Sơn, Nhôn Mai (Tương Dương) đang xích lại gần đường bởi điện lưới đang kéo về, đi lại thuận lợi. Chỉ mấy năm trước, đường vào các xã này chỉ “độc đạo” bằng thuyền trên dòng Nậm Nơn, từ Thị trấn Hòa Bình mất gần ngày trời mới vào trung tâm xã thì giờ đã có 2 tuyến xe khách vào ra mỗi ngày. Đồng chí Lữ Văn Thuyết, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn (Tương Dương) nhớ lại: “Do cách trở về giao thông nên cuộc sống của bà con chủ yếu tự cung, tự cấp, ngô, lúa làm ra, lợn, gà, trâu, bò chăn nuôi nhiều cũng chẳng biết bán cho ai. Nay đường thông, thương lái đến mua tận nhà, giá cao hơn hẳn. Nhờ đó, phong trào trồng trọt, chăn nuôi của địa phương ngày càng được mở rộng. Điều quan trọng hơn nữa, hàng vạn đồng bào dân tộc Khơ mú, Mông, Thái có thể bám đồi, bám rừng, hạn chế tình trạng du canh, du cư trái phép như trước đây”.
Đường Tây Nghệ An được khẳng định là tuyến đường vành đai có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh vùng miền Tây. Tổng chiều dài toàn tuyến 184 km với tổng mức đầu tư cả 2 giai đoạn là 2.127 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 sớm hoàn thành (78 km, 25 cầu) đưa vào sử dụng. Giai đoạn 2 (106 km, 16 cầu) chính thức được thi công từ năm 2010. Gần 10 năm triển khai, qua nhiều khó khăn về nguồn vốn, với sự nỗ lực của chủ đầu tư, đơn vị thi công, đến nay tuyến đường dài 186 km đi qua 3 huyện Quế Phong, Kỳ Sơn và Tương Dương đã hoàn thành.
Tuyến Tây Nghệ An kết nối QL7, QL48 và đường Hồ Chí Minh, sẽ trở thành trục giao thông huyết mạch thứ ba của Nghệ An, kết nối Cửa khẩu Na Mèo của Thanh Hóa, với các cửa khẩu như Thông Thụ (Quế Phong), Nậm Cắn (Kỳ Sơn), Tam Hợp (Tương Dương) của Nghệ An với các tỉnh phía Đông của nước bạn Lào. Không chỉ trở thành mạng lưới giao thông đồng bộ, giữ vững thế trận QPAN mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho miền Tây, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi. Tuyến đường đưa vào sử dụng vào thời điểm Quyết định số 2355/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phê duyệt đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tạo điều kiện cho miền Tây phát triển. Đồng chí Lữ Đình Thi, Bí thư Huyện ủy Quế Phong cho biết: “Tuyến đường Tây Nghệ An hoàn thành, góp phần lớn trong việc tăng trưởng của các huyện. Rút ngắn quãng đường và chi phí vận chuyển cho các huyện miền núi.”
Cùng với “đường lớn đã mở” là những cây cầu treo bắc qua sông, suối ở các bản vùng sâu, vùng xa được hoàn thành đưa vào sử dụng. Những cầu treo không chỉ đảm bảo an toàn cho người dân vào mùa mưa lũ, mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Bản Khe Ngậu (xã Xá Lượng, Tương Dương) là một ví dụ. Cơn lũ lịch sử năm 2010 đã cuốn trôi nhiều cây cầu treo bắc qua sông. Để đi lại người dân dùng phương tiện là chiếc đò ngang, bắc cầu tạm, sống chung với những cơn mưa, trận lũ của dòng Nậm Mộ. Những ngày mưa lũ các em nhỏ đành phải nghỉ học. Từ tháng 6/2015, cây cầu mới được xây dựng kiên cố hơn, cao hơn, niềm mong mỏi của bà con Khe Ngậu bấy lâu nay đã trở thành hiện thực.
Đồng chí Lữ Văn Phan, Chủ tịch UBND xã Xá Lượng (Tương Dương), vui vẻ cho biết: “Ngày trước, nông dân trồng cây bí, khoai sọ, cà ngọt được mùa nhưng chẳng vui đâu vì đi lại khó khăn, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Nhưng giờ thì không lo nữa, bao nhiêu bí, khoai cũng bán được hết. Đối với địa phương đây là cơ hội để phát triển kinh tế hơn nữa. Vui nhất là từ nay đám trẻ đến trường sẽ không phải băng qua con nước dữ mỗi khi mùa lũ về”.
Còn với người dân bản Xằng, xã Lục Dạ huyện Con Cuông, những năm trước khi chưa có cầu bắc qua sông, vào mùa mưa lũ cả bản như một ốc đảo, bị cô lập với các vùng xung quanh. Để đi lại, bà con bắc cây cầu tre tạm bợ qua sông, các em nhỏ đi học trong nỗi sợ hãi. Hình ảnh này giờ đây chỉ còn trong quá khứ khi Bộ GTVT chủ trương xây dựng cầu treo cho bản đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2014. Bản Xằng giờ đây không còn tách biệt nữa mà kết nối với các bản Tân Hợp, Yên Hòa, Lục Sơn và bản Mọi của xã Lục Dạ. Trưởng bản Xằng, ông Lô Văn Phúc cho biết: “Bà con vui lắm. Giao thông đi lại thuận lợi, hàng hóa phục vụ đến tận nơi, cuộc sống của bản đang thay đổi từng ngày. Con em trong bản đến trường đi trên chiếc cầu treo bền vững, an toàn, không còn cảnh phải nghỉ học khi mưa lũ…".
Đầu năm 2015, bà con ở bản Xát và bản Diềm thuộc xã biên giới Châu Khê (Con Cuông) cũng đã có 2 cây cầu treo mới kiên cố, đem lại niềm vui cho người dân và học sinh nơi đây. Đây là 2 trong số 6 cây cầu treo dân sinh được xây dựng trên địa bàn huyện Con Cuông do Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư. Nhờ có cầu treo, con đường đến trường của các em cũng thênh thang hơn, con chữ vì thế mà cũng không còn xa vời như trước đây nữa. Không những vậy, những cầu treo này đã giúp người dân lưu thông hàng hóa, không bị tư thương ép giá như trước. Giao thông thuận tiện đây là điều kiện để chính quyền địa phương khai thác và phát huy hết tiềm năng đất đai ở 2 bên bờ sông.
Để kết nối giao thông, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã xây dựng mới và sửa chữa 52 cầu treo; năm 2015 đang thi công 8 cầu treo và lập dự án xây dựng 7 cầu treo mới. Sở GTVT lập đề án trình Bộ GTVT cho chủ trương đầu tư xây dựng 419 cầu dân sinh, trong đó ưu tiên giai đoạn 1 là 210 cầu, giai đoạn 2 là 209 cầu để phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân.
Sự đổi thay, khởi sắc trên những cung đường, cây cầu mới nơi miền Tây xứ Nghệ đã xóa bỏ được khoảng cách địa lý, kéo dần lại khoảng cách giàu nghèo. Những con đường, cây cầu mới là nền tảng vững chắc thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của các huyện miền núi vùng cao.
Tạo “bệ phóng” phát triển
Cùng với những con đường, cây cầu mới được hoàn thành, đưa vào sử dụng, ở miền Tây của tỉnh, nhiều công trình hạ tầng giao thông mang dáng vóc hiện đại được hình thành, tạo diện mạo mới cho Nghệ An phát triển.
Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra những nhiệm vụ nặng nề đối với ngành GTVT. Xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được Đảng và Nhà nước xác định là lĩnh vực hàng đầu trong 4 lĩnh vực ưu tiên về phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Đặc biệt, Nghệ An được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26 - NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển đến năm 2020. Trong đó mục tiêu xác định đưa Nghệ An trở thành trung tâm kinh tế - xã hội của vùng Bắc Trung bộ và có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Yêu cầu đó đối với tỉnh nhà mang tính cấp bách khi tỉnh còn nghèo, nguồn thu chưa đảm bảo cho chi thường xuyên, nội lực đầu tư cho xây dựng hạ tầng giao thông vận tải hết sức hạn chế.
Trước đó, Sở GTVT đã tham mưu xây dựng Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2015, và được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 606/QĐ-UBND ngày 7/3/2012. Đề án đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải đã đề ra tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Mặt khác, sở đã tham mưu cho tỉnh tranh thủ sự giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương, các thành phần kinh tế, thu hút được nhiều nguồn vốn, dự án, tập trung phát triển mạng lưới GTVT. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng giao thông tỉnh nhà có sự phát triển vượt bậc.
Cùng đó, ngành GTVT tham gia tích cực nâng cấp Quốc lộ 1A, quy mô 4 làn xe qua địa bàn Nghệ An, dài gần 73,8 km. Trên tuyến, có rất nhiều hộ dân dọc hai bên quốc lộ (Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP. Vinh) thuộc diện phải giải tỏa, ngành đã phối hợp với chính quyền các cấp, sớm giải phóng mặt bằng, giúp nhanh chóng hoàn thành, đưa vào sử dụng, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc, đặc biệt kết nối giao thông nội vùng tam giác Nghi Sơn - TP. Vinh, Vũng Áng (Hà Tĩnh); kết nối nội tỉnh là tam giác Hoàng Mai, Đông Hồi, Khu kinh tế Đông Nam, Vinh, Cửa Lò - miền Tây Nghệ An.
Đến Thành phố Vinh hôm nay, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng về những cây cầu vượt bề thế vươn dài làm đổi thay diện mạo đô thị loại I ở cửa ngõ phía Bắc, phía Tây, phía Nam thành phố, góp phần cải thiện hạ tầng giao thông, giảm thiểu ùn tắc, giảm tai nạn giao thông trên tuyến đường bộ giao với đường sắt.
Chiến lược kết nối giao thông nội tỉnh và tăng sức hấp dẫn cho các khu vực trọng điểm phát triển kinh tế không thể không kể đến các dự án gắn kết giữa đô thị trung tâm Vinh với đô thị Cửa Lò, với Khu Kinh tế Đông Nam, khu công nghiệp Hoàng Mai - Đông Hồi với miền Tây Nghệ An cũng như các dự án phát triển hạ tầng giao thông của từng khu vực. Để gắn kết Vinh - Cửa Lò - Cửa Hội, Sở GTVT đang làm chủ đầu tư xây dựng Đại lộ Vinh - Cửa Lò dài 11 km, với tổng mức đầu tư 2.715 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang xây dựng tuyến Quốc lộ 46 đến đường ven sông Lam thuộc Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ với tổng mức đầu tư được duyệt trên 152,9 triệu USD. Cùng với Quốc lộ 46 hiện có, tỉnh lộ 535 Vinh - Cửa Hội đã được nâng cấp, tỉnh đang chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Cửa Hội bắc qua sông Lam. Như vậy, việc kết nối giao thông 2 đô thị lớn nhất tỉnh từng bước hoàn thiện. Chuỗi đô thị Vinh - Cửa Lò, Cửa Hội phát triển, tạo nên trục nối lý tưởng cho một thành phố loại I mang tầm vóc khu vực của cả nước.
Dấu ấn về phát triển hạ tầng GTVT Nghệ An còn được ghi nhận bằng việc công bố quy hoạch nâng cấp Sân bay Vinh thành sân bay quốc tế. Sự kiện này không chỉ góp phần tạo thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Nghệ An, mà còn kết nối, phát triển mạnh mẽ ngành Du lịch. Đồng thời là điểm nhấn quan trọng để Nghệ An “cất cánh”, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực Bắc Trung bộ. Cùng với hàng không, hệ thống Cảng biển nước sâu Cửa Lò và Cảng Đông Hồi được đưa vào Quy hoạch cảng biển Việt Nam, nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, phục vụ công cuộc phát triển.
Trong nhiệm kỳ qua, việc đầu tư cho hạ tầng giao thông được tỉnh chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành đặc biệt quan tâm, hỗ trợ. Giai đoạn 2010 - 2014, giá trị sản lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đạt 16.075 tỷ đồng. Trong đó các công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư là 5.620 tỷ đồng. Năm 2015 giá trị sản lượng thực hiện đầu tư xây dựng các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh dự kiến là 3.500 tỷ đồng, trong đó các công trình do Sở GTVT làm chủ đầu tư là 1.000 tỷ đồng. Những con số ấn tượng đó đã cho thấy những thành tựu bước ngoặt trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ qua của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT cho biết: “Trong thời gian tới, phát huy truyền thống tiên phong đi trước, mở đường, ngành sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải. Tập trung triển khai quyết liệt một số dự án giao thông đối nội, đối ngoại để kết nối các trục đường giao thông từ TP. Vinh - Cửa Lò và các vùng phụ cận, tạo thành hệ thống giao thông khoa học, hợp lý, hiện đại. Đồng thời phát triển các trục giao thông để phát huy lợi thế về đất đai rộng lớn và tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền Tây nói riêng và cả tỉnh theo hướng bền vững”.
Với chiến lược kết nối hạ tầng giao thông giữa các vùng, miền, tạo “bệ phóng” để phát triển kinh tế - xã hội là tiền đề, cơ sở để Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà bước vào Đại hội Đảng bộ lần thứ XVIII, vươn lên trở thành tỉnh khá của cả nước, trung tâm của vùng Bắc Trung bộ; thực hiện thành công Nghị quyết 26 -NQ/TW của Bộ Chính trị, xây dựng Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, là trung tâm của khu vực Bắc Trung bộ. Những công trình hạ tầng giao thông đã và đang xây dựng dù ở vùng sâu, vùng xa hay ở đô thị đang tiếp tục xây dựng, mở ra những cung đường, những tuyến vận tải, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, làm giàu cho quê hương, đất nước.
Thanh Lê