(Baonghean) - Thực tế cho thấy, ở đâu làm tốt công tác hòa giải thì ở đó an ninh trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố và phát huy. Phía sau những thành quả đó là cống hiến thầm lặng của mỗi hòa giải viên. Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XVI vừa qua ban hành Nghị quyết về mức chi hỗ trợ cho Tổ hòa giải, hòa giải viên đã nhận được sự đồng tình cao của dư luận xã hội, nhất là những hòa giải viên ở cơ sở.
Thầm lặng đóng góp
Có dịp tiếp xúc với những người làm công tác hòa giải viên ở cơ sở mới thấu hết những vất vả của công việc được xem là “vác tù và hàng tổng” này. Không nề hà giờ giấc, sự vụ nào, hễ cứ có người dân trong khối, xóm, thôn, bản cậy nhờ là họ lại có mặt tại “điểm nóng” để xử lý vụ việc. Xóm Đồng Nại, xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, nơi cư trú của 150 hộ dân với khoảng 500 nhân khẩu. Khác với những thôn xóm khác trong xã, Đồng Nại là xóm buôn bán sầm uất, quy tụ người dân ở nhiều nơi đến sinh sống nên ẩn chứa nhiều yếu tố phức tạp. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của tổ hòa giải, nhiều vụ việc liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, hôn nhân gia đình đều được giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Ông Võ Mạnh Hậu, xóm trưởng, tổ phó Tổ hòa giải xóm Đồng Nại cho biết: “Để làm tốt công tác hòa giải, chúng tôi cũng phải dành thời gian tìm hiểu thêm về pháp luật, nhất là những bộ luật liên quan đến các sự vụ thường gặp như Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Đất đai để có thể tuyên truyền, giải thích cho những người liên quan đến vụ việc hiểu rõ. Bên cạnh đó, mời cán bộ tư pháp xã về xóm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trong các cuộc họp xóm. Từ đó nâng cao nhân thức pháp luật cho nhân dân nhằm hạn chế các tranh chấp dân sự ở địa phương”.
Xã Châu Quang có 26 tổ hòa giải, theo bà Nguyễn Thị Thơ, cán bộ tư pháp xã cho biết: “Nhờ làm tốt công tác hòa giải ngay từ cơ sở nên trên địa bàn xã, số đơn vụ vượt cấp gửi ngày càng giảm. Theo đó, trong các năm 2012, 2013, xã nhận mỗi năm 15 -16 đơn thư nhưng năm 2014 chỉ còn 2 đơn và đầu năm 2015 đến nay nhận 3 đơn thư”.
Tại thị xã Hoàng Mai, trước nhiều vấn đề đặt ra trong xây dựng thị xã trẻ, công tác hòa giải cơ sở được đặc biệt chú trọng. Ông Nguyễn Bá Hào, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Thị xã cho biết: “Năm 2014 vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) đoạn QL1A, nhiều hộ dân nằm trong khu vực giải phóng bị xáo trộn nhất định trong cuộc sống; mới đây nhất là việc GPMB cho Dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen... Trước những sự việc có tác động không nhỏ đến đời sống, tâm lý của nhiều người dân như vậy, Đảng bộ, chính quyền thị xã đã đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời giúp ổn định tình hình, xử lý thành công các vụ việc. Và trong thành công chung ấy phải ghi nhận vai trò xung kích, hiệu quả của đội ngũ hòa giải viên cơ sở”.
Như vậy có thể thấy, đội ngũ hòa giải viên cơ sở không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa, giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn, va chạm trong cuộc sống thường nhật của nhân dân, mà cả trong những sự việc “nóng”, cao điểm liên quan đến tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở địa phương, họ cũng là lực lượng xung kích để tháo gỡ bế tắc.
Thêm động lực từ chính sách hợp lý
Vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở đã được khẳng định trong thực tế hoạt động. Vì vậy, việc triển khai các hỗ trợ kinh phí cho người làm công tác hòa giải và hoạt động hòa giải ở cơ sở là cần thiết. Theo đó, năm 2014, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 130 về nội dung chi, mức chi có tính chất đặc thù đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, trong đó có quy định về nội dung chi, mức chi cho công tác hòa giải ở cơ sở. Tuy nhiên, ngày 30/7/2014, liên bộ Tài chính - Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động hòa giải ở cơ sở, trong đó có bổ sung thêm một số nội dung chi và thay đổi mức chi phục vụ công tác hòa giải ở cơ sở. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 14, khóa XVI vừa qua, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 173 về mức chi hỗ trợ cho Tổ hòa giải, hòa giải viên và tổ chức bầu hòa giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Theo Nghị quyết 173, thù lao cho hòa giải viên được chi theo mức 200 ngàn đồng/vụ, việc/tổ hòa giải. Mỗi tổ hòa giải được chi 100 ngàn đồng/tổ/tháng để hỗ trợ hoạt động. Ngoài ra, Nghị quyết 173 cũng quy định cụ thể mức chi cụ thể bồi dưỡng thành viên ban tổ chức bầu hòa giải viên tham gia họp chuẩn bị cho việc bầu hòa giải viên, chi tiền uống nước cho người tham gia họp bầu hòa giải viên. Đặc biệt, điểm mới của Nghị quyết là quy định cụ thể mức hỗ trợ chi phí mai táng cho người tổ chức mai táng hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở với mức chi bằng 5 tháng lương cơ sở. Theo Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh về dự thảo Nghị quyết 173 trước kỳ họp, các mức chi trên đều ở mức tối đa cho phép của Thông tư liên tịch của bộ Tài chính và Tư pháp. Để cụ thể hóa Nghị quyết vào cuộc sống, UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định quy định về nội dung, mức chi và quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Mặc dù các khoản chi hỗ trợ là chưa lớn so với công việc, đóng góp của các hòa giải viên nhưng có thể thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Ông Lương Thanh Phúc, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Quỳ Hợp cho biết: “Hiện nay, huyện có 287 tổ hòa giải ở 287 xóm, bản. Cán bộ hòa giải đều là những người có uy tín, tâm huyết với công việc. Những đóng góp của cán bộ hòa giải là rất lớn nhưng chưa có phụ cấp nào. Vì vậy, thực hiện các khoản chi theo Nghị quyết 173 của HĐND tỉnh sẽ có tác dụng động viên rất lớn cho hoạt động của các hòa giải viên ở cơ sở”.
Với ý nghĩa đó, khi phân khai nguồn kinh phí cho địa phương cần có hướng dẫn cụ thể và yêu cầu cấp huyện, xã hướng dẫn để cơ sở triển khai Nghị quyết 173 có hiệu quả. Từ đó, tạo góp phần hỗ trợ thêm cho hoạt động của các hòa giải viên ở cơ sở.
Bài, ảnh: Nhật Lệ