Đại úy Nguyễn Quang Kiên: Tên là ước vọng
Đại úy Nguyễn Quang Kiên sinh ngày 2/9/1982 ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương; hiện đang công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An. Sinh ra trong những năm tháng khó khăn nhất của thời kỳ bao cấp, và dấu vết khốc liệt của cuộc kháng chiến vệ quốc vẫn còn in hằn trên mỗi nếp nhà, mảnh ruộng. Trong trí nhớ của Đại úy Kiên, tuổi thơ gắn liền với sắn khoai, đồng bãi; nỗi lo tem phiếu hiện diện trong những muộn phiền của bố mẹ… Cả làng, cả xã dường như đều chung hoàn cảnh kinh tế như vậy. “Có một thời gian dài bố tôi đi bộ đội, mẹ ở nhà tần tảo nuôi 6 chị em. ” - anh tâm sự.
Theo thời gian, cùng những bước đổi thay trong kinh tế - xã hội quê hương, đời sống gia đình anh dần được nâng lên. Tháng 12/1986, Đại hội VI của Đảng đã đề ra đường lối đổi mới kinh tế toàn diện cho đất nước trong thời kỳ mới, mỗi địa phương dần có những chuyển biến tích cực. Đại úy Nguyễn Quang Kiên đã lớn lên cùng những trưởng thành vượt bậc của quê hương. Và sau này, như một cơ duyên, anh chọn nghiệp nhà binh để gắn bó suốt đời. Anh chia sẻ: “Tôi học Đại học Chính trị, tốt nghiệp loại Giỏi. Sau đó về nhận công tác tại Trung đoàn 764, rồi Ban Chỉ huy Quân sự huyện Tân Kỳ, và bây giờ là trợ lý cán bộ tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh”.
“Tôi có một niềm hãnh diện, tự hào chung như mọi người con Việt Nam vào ngày Quốc khánh của dân tộc, và bên cạnh đó là niềm vui âm thầm, nhỏ bé với ngày sinh đặc biệt của mình. Tôi nhớ là bố mẹ tôi từng nói, đặt tên Kiên là mong muốn tôi luôn trung kiên với Tổ quốc, luôn kiên cường trong mọi chông gai cuộc sống. Một cái tên gửi gắm bao ước vọng…” - Đại úy Nguyễn Quang Kiên chia sẻ.
Bác sĩ Phạm Văn Chung: Tự hào là người Việt Nam
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Chung quê gốc ở xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, hiện là Phó Trưởng khoa Ngoại lồng ngực tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An. Anh sinh ngày 2/9/1983.
Khá kiệm lời khi nói về bản thân, song qua những lần tiếp xúc, chuyện trò và đánh giá của đồng nghiệp trong ngành, có thể nhận thấy bác sĩ Phạm Văn Chung là người thầy thuốc trách nhiệm, tận tâm. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống về nghề y, từ nhỏ, cậu bé Chung đã thân thuộc với màu áo blouse trắng. Tuổi thơ của một đứa trẻ sinh ra ở làng, ngoài tha thẩn bờ xôi ruộng mật, thì Phạm Văn Chung còn quá đỗi quen với những dãy hành lang bệnh viện, ánh đèn cấp cứu nhấp nháy giục giã… Tốt nghiệp THPT, đứng trước nhiều ngã rẽ cho tương lai, Phạm Văn Chung đã chọn học ngành Y như một điều không thể khác.
11 năm công tác trong ngành Y tế, biết bao kỷ niệm buồn, vui, mà những buồn, vui ấy đều gắn liền với người bệnh. “Kỷ niệm buồn nhất, nhớ nhất là ca phẫu thuật tim cho người bà của một đồng nghiệp trong bệnh viện. Năm đó, bà đã 81 tuổi, bị suy tim cùng nhiều chứng bệnh khác. Lần phẫu thuật đầu tiên đã cứu được tim cho bà, nhưng sau 3 ngày lại tắc tiếp; chưa kịp phẫu thuật lại, bà đã không chống chọi được nữa…” - bác sĩ Phạm Văn Chung tâm sự.
Cũng như những đồng nghiệp của mình, mỗi ngày với bác sĩ Chung luôn là một khởi đầu mới trên con đường trau dồi kiến thức, kỹ năng, vì càng ngày kỹ thuật y khoa càng phát triển, nhiều chứng bệnh mới được phát hiện. “Mình dừng lại nghĩa là mình lạc hậu!” - bác sĩ Phạm Văn Chung tâm niệm.
Sinh ngày 2/9, cũng như những người có ngày tháng sinh này, niềm vui thường bất ngờ đến với anh mỗi khi nhận được câu cảm thán của người đối thoại: “Sinh ngày 2/9, trùng ngày Quốc khánh. Thật đặc biệt!”. Anh cho biết, không lúc nào nguôi niềm tự hào vì là người Việt Nam, được sinh ra và lớn lên trên quê hương, đất nước giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng. Làm tốt công việc mỗi ngày, sống tử tế, thiện lương, trách nhiệm với gia đình và xã hội, với anh, đó là cách thiết thực nhất để tri ân thế hệ cha anh đã có công bảo vệ Tổ quốc, góp một phần công sức dựng xây đất nước thanh bình, giàu đẹp.
Hoàng Ngọc Khánh: Yêu những trang sử quê hương
Năm nay vừa tròn 18 tuổi và là tân sinh viên Khoa Truyền thông Đa phương tiện, Trường Đại học FPT, Hoàng Ngọc Khánh (phường Trường Thi, TP. Vinh) nói rằng, em yêu thích lịch sử, thích tìm tòi, nghiên cứu về lịch sử. Dường như một trong những nguyên nhân dẫn đến sự yêu thích ấy đến từ ngày sinh đặc biệt của em: 2/9/2001.
Khánh được bố mẹ kể lại rằng, em sinh ra vào lúc 8h20’ sáng 2/9 nên gia đình đã chọn đặt tên là Quốc Khánh. Tuy vậy, cái tên cuối cùng ghi trong giấy khai sinh lại có chút thay đổi, khi buổi trưa hôm ấy, bố em trở về nhà, thấy cô con gái đầu lòng đang ngồi chơi trước sân. “Bố em hỏi chị em: Con chơi gì thế? Chị em nói: Con đang tìm viên ngọc, bố ạ! Thấy có duyên, chữ Ngọc cũng rất ý nghĩa, vậy là tên em cuối cùng được ghép thành Ngọc Khánh.” - chàng trai 18 tuổi chia sẻ.
So với các bạn cùng trang lứa, Ngọc Khánh tỏ ra khá chững chạc, có chính kiến rõ ràng. Khi được hỏi về lịch sử, chàng trai trẻ không ngần ngại chia sẻ rằng, nhiều bạn hiện nay không mấy yêu thích lịch sử, cho rằng đó là môn học khô khan, thậm chí có phần nhàm chán; nhưng nếu mọi người tiếp cận lịch sử dưới góc nhìn khác, phương thức khác - không chỉ là những bài giảng theo giáo trình ở nhà trường - thì có thể sẽ có được những cảm xúc trọn vẹn hơn với lịch sử quê hương.
Hoàng Ngọc Khánh sinh năm 2001, bấy giờ, đất nước đã 15 năm đổi mới. Cũng như những người bạn của mình, em chỉ biết đến những khốc liệt của các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và bao khó khăn thời kỳ bao cấp qua sách vở, báo chí, phim ảnh… Biết đến chưa chắc đã hiểu hết, song không phải vì vậy mà thờ ơ, quên lãng. Ngọc Khánh nói, em ý thức được rằng mỗi người trẻ hôm nay sẽ chính là những người sẽ viết tiếp trang sử hào hùng của quê hương, đất nước ngày mai, chuyên chở khát vọng hòa bình và tinh thần bất diệt của Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 trong từng nhịp tiến tương lai./.