Xóa “trắng” chi bộ
377 hộ dân với 1.817 nhân khẩu của xã Đoọc Mạy đều là người dân tộc Mông, sinh sống ở 6 bản. Trong số 6 bản thì đã có 5 bản được công nhận là bản văn hóa. Trong số 9 chi bộ đảng của Đoọc Mạy thì năm 2018 trở về trước có 1 chi bộ Huồi Khơ thuộc diện Đề án 01 của Tỉnh ủy về “xây dựng chi bộ, phát triển đảng viên ở các khối, xóm, bản chưa có chi bộ, chưa có đảng viên và khối xóm bản có nguy cơ không còn chi bộ giai đoạn 2016 - 2020”. Huồi Khơ là bản có số hộ dân ít nhất (25 hộ), xa nhất và khó khăn của xã Đoọc Mạy.
Cho đến bây giờ, người dân Huồi Khơ muốn đi xe máy đến trung tâm xã vẫn đang phải đi vòng qua xã Huồi Tụ, còn đi bộ thì phải trèo qua các lối tắt xuyên qua rừng và các ngọn núi cheo leo, nguy hiểm. Năm 2016, chi bộ Huồi Khơ chỉ có 3 đảng viên, trong đó 2 đảng viên tại chỗ và 1 đảng viên là phó chủ tịch xã về sinh hoạt cùng.
Trước nguy cơ không còn chi bộ ở Huồi Khơ, Ban Thường vụ Đảng ủy xã Đoọc Mạy đã họp bàn kế hoạch và triển khai các biện pháp phát triển đảng viên nơi đây. Ông Già Gà Rê - Bí thư Chi bộ Huồi Khơ cho biết, thời điểm năm 2016, là người ở bản Noọng Hán, ông được cấp trên điều động đến chi bộ Huồi Khơ đảm nhận vai trò bí thư. Ngoài ông Già Gà Rê, Đồn Biên phòng Na Loi cũng phân công 1 đảng viên của đồn xuống sinh hoạt tại Chi bộ Huồi Khơ.
Sau 2 năm vừa giúp định hướng cho người dân Huồi Khơ phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng bản văn hóa, đến đầu năm 2018, chi bộ Huồi Khơ đã kết nạp thêm được 3 đảng viên. Đến nay, chi bộ Huồi Khơ có 7 đảng viên, trong đó 1 đảng viên dự bị. “Nhờ vậy mà Huồi Khơ nay đã vui tươi hơn xưa, chi bộ thoát khỏi nguy cơ “trắng” đảng viên; bà con xây dựng được mô hình kinh tế có hiệu quả về trồng chanh leo và nuôi trâu bò cho thu nhập cao” - ông Già Chồng Nênh vui vẻ cho hay.
“Hộ ông Già Nỏ Bì nghèo lắm, năm 2018 may mắn được các chú bộ đội biên phòng Đồn Biên phòng Na Loi cho 1 cặp lợn giống, gia đình đã khấm khá lên nhiều”, trưởng bản Huồi Viêng Già Chống Lầu cho biết. Vừa chỉ tay về đôi lợn đen bản địa đã khá to béo trong chiếc chuồng chắc chắn, ông Già Nỏ Bì ở bản Huồi Viêng vui mừng cho biết: “Nay lợn đã lớn lắm rồi, nhờ nó mà gia đình sắp có thêm con giống để nuôi, để thoát nghèo, vui lắm”.
Dấu ấn giúp xã biên giới Đoọc Mạy của các đảng viên Đồn BP Na Loi không chỉ ở việc phát triển kinh tế, mà còn “phủ sóng” hầu hết các lĩnh vực, đặc biệt là giữ gìn an ninh trật tự, đối ngoại và củng cố tổ chức cơ sở đảng; làm đường giao thông thôn bản và nắm bắt tình hình an ninh trật tự, tuần tra, bảo vệ đường biên cột mốc, giữ bình yên một vùng biên giới Đoọc Mạy, nơi có 4 km đường biên giới với nước bạn Lào.
Đúng ngày 19/8, giữa cái nắng vàng ươm của ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, cùng tham gia một cuộc sinh hoạt Câu lạc bộ Phụ nữ tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Hội Phụ nữ xã Đoọc Mạy phối hợp cùng Đồn BP Na Loi, chúng tôi mới cảm nhận được sự gắn kết và cần thiết về vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và các chiến sỹ bộ đội quân hàm xanh nơi bản làng vùng biên viễn.
Câu lạc bộ có gần 40 thành viên, các hội viên “cắm” khắp các bản làng. Họ được các chiến sỹ biên phòng hỗ trợ, phổ biến kiến thức pháp luật để trở thành những “kênh” thông tin giúp các lực lượng chức năng phát hiện, trình báo những dấu hiệu của tội phạm, những bất ổn liên quan hai bên biên giới. “Nhờ vậy đã 3 năm nay, Đoọc Mạy được cấp trên đánh giá cao về an ninh trật tự, là xã điểm về mô hình “Xã không ma túy”, giữ yên biên giới của Kỳ Sơn” - Bí thư Già Chồng Nênh tự hào cho biết.
Tạm biệt Đoọc Mạy, chúng tôi trở về xuôi mang theo những nụ cười rạng rỡ, những sắc màu vui tươi nơi xã biên giới tuy còn nhiều hộ nghèo nhưng lại giàu về tinh thần cách mạng, sự đoàn kết giữa chính quyền và các tầng lớp nhân dân. Đó cũng chính là những sắc màu cần được tô điểm đậm thêm ở các xã biên giới không chỉ của Kỳ Sơn, để biên cương Tổ quốc luôn bình yên, như lời của Bí thư Già Chồng Nênh: “Để mỗi năm đến dịp vui Tết Độc lập, người dân Đoọc Mạy lại thêm vững tin theo Đảng, xây dựng bản làng ấm no”.