(Baonghean) - Theo khảo sát của Thanh tra Chính phủ, năm 2012 có 24,7% cán bộ, công chức được hỏi, thừa nhận có hiện tượng nhận tiền hoặc quà biếu để giải quyết công việc có lợi cho người đưa tiền hoặc đưa quà. Có 20,3% cán bộ được hỏi thừa nhận có chuyện được doanh nghiệp mời đi tham quan du lịch, vui chơi, ăn uống, giải trí. Có 50% doanh nghiệp được hỏi nói rằng nhóm các doanh nghiệp có quan hệ với các quan chức có ảnh hưởng ngày càng mạnh trong việc hoạch định chính sách. Có 40% doanh nghiệp thừa nhận họ sử dụng quan hệ với quan chức để vụ lợi. Có 42% doanh nghiệp phải trả hoa hồng (%) cho cán bộ liên quan trong việc đấu thầu để giành được hợp đồng... Báo cáo cũng cho biết, các doanh nghiệp liên quan đến các cơ quan của Chính phủ thường phải chi trả “hoa hồng” cao hơn ở các ngành, nghề và địa phương khác.
Người xưa nói “nén bạc đâm toạc tờ giấy”, nay ta thấy “tờ giấy” của các doanh nghiệp đã có tác dụng gây mê, gây lú, gây alzheimer đến đầu óc của một số cán bộ có chức quyền, kể cả những cán bộ cầm cân nảy mực, hoạch định chính sách. Ông Vũ Quốc Hùng, Phó Ban thường trực Ủy ban KTTƯ nói rằng: “Vấn đề này rất nghiêm trọng, trên thực tế còn nghiêm trọng hơn những gì đã được khảo sát. Nếu không được ngăn chặn, giải quyết, loại tham nhũng này sẽ làm yếu, rồi làm tê liệt bộ máy quản lý nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lãnh đạo của Đảng”.
Chúng ta thử tưởng tượng đến một lúc nào đó, các chính sách của Đảng và Nhà nước được ban ra bởi sự thao túng và bị bẻ cong bẻ quẹo của loại cán bộ tham nhũng này thì còn đâu sự trong sáng “của dân, do dân, vì dân” như ý nguyện của Đảng? Nhiều người lo ngại: “Phải chăng, quá trình thương mại hóa quyền lực vẫn có thể đang âm thầm lặng lẽ diễn ra trong vũng bùn dơ tham nhũng của xã hội ta hôm nay?”.
Điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lo ngại nhất là sự tồn vong của chế độ. Phải chăng, cái hệ lụy ghê gớm đó đang lặng lẽ khởi nguồn từ sự thương mại hóa quyền lực của cán bộ nói chung và của một bộ phận cán bộ có quyền hoạch định chính sách nhưng lại bị “mặt trái của cơ chế thị trường” thao túng trở lại? Đây chính là chỗ để đánh giá tư cách đạo đức, phẩm chất cán bộ và là cơ sở để định nghĩa khái niệm về “suy thoái tư tưởng đạo đức lối sống” do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra, từ Hội nghị Trung ương VI.
Cũng trong khảo sát này, chúng ta thấy việc một số cán bộ “ăn dơ” của cải tiền bạc từ doanh nghiệp là sự đồng thuận quan hệ của cả hai phía, “lợi anh, lợi ả, lợi cả hai bên”, chứ không có chuyện “mua chuộc” hay “bị mua chuộc”, “cài bẫy” hay “không cài bẫy”... Ông Hùng cũng cho rằng, có những quan chức khi mới bước vào quan trường là người tốt, nhưng trước sự quyến rũ của tiền bạc đã dần dần hư hỏng. Và cũng có những quan chức do chính các doanh nghiệp “chống lưng”, dựng lên, bỏ tiền ra tham gia vào việc chạy chức chạy quyền. Những quan chức ấy đã mang bản chất tham lam, vụ lợi, nay lại lợi dụng doanh nghiệp, dựa vào doanh nghiệp để tiến thân. Loại quan đó, tất nhiên là “trung thành” với lợi ích doanh nghiệp, sẵn sàng “lách chính sách”, “lách luật” để phục vụ lợi ích của cả đôi bên. Ông Hùng kết luận: “Dù tình huống nào cũng phải khẳng định, người đáng trách là những người lãnh đạo, người đứng đầu tại không ít cơ quan quản lý nhà nước đã tự… “bán mình”.
Muốn hạn chế đi đến xóa bỏ lợi ích “đôi bên cùng lợi” của liên doanh này, phải có chính sách để tách họ ra, họ càng bám vào nhau để trục lợi thì ít nhất phải có một bên gặp phải sự hoàn toàn bất lợi. Nghĩa là, ít nhất, phải nghiêm trị các quan chức có hành vi câu kết với doanh nghiệp để ban sai hoặc làm sai chính sách. Phạt nặng, cách chức, phạt hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự, đều phải áp dụng cả. Hiện chúng ta đang có đề án “chống tư duy nhiệm kỳ”, “chống hiệu ứng 59” (sắp về hưu), hay “chống các cách thức hạ cánh an toàn của những kẻ tham nhũng”!.
Cuối năm nay, lại có bản khảo sát của Thanh tra Chính phủ 2013. Ở đó, chúng ta lại đọc được những con số biết nói. Nếu năm 2012, trong bối cảnh bộ máy quản lý các cấp chưa thật sự lành mạnh, doanh nghiệp muốn duy trì, phát triển được không chỉ cần tập trung đầu tư cho kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng để cạnh tranh mà thực tế còn buộc họ phải nghĩ đến làm cách nào để “bôi trơn”, để qua được “những cánh cửa đầy cản trở”. Doanh nghiệp muốn làm ăn đúng pháp luật gặp phải bộ máy chỗ này, chỗ khác, cấp này, cấp khác nhiễu nhương, làm việc không tận tình, không trách nhiệm, không công bằng, không công khai, vòi vĩnh đòi hỏi, vụ lợi và tham nhũng. Tất cả những điều đó Ủy ban KTTƯ của Đảng và của Chính phủ đều đã biết và đang tìm mọi biện pháp để khắc phục...
Hy vọng các con số biết nói trong bản khảo sát thanh tra, kiểm tra năm tới của ủy ban sẽ nói với chúng ta nhiều điều tốt đẹp, nhiều niềm vui hơn!
Những con số “biết nói”
Thạch Quỳ (Thành phố Vinh)