(Baonghean) - Năm 2015 dù SLNA không đoạt thêm chiếc Cúp nào để thêm vào bộ sưu tập trong phòng truyền thống, nhưng những cầu thủ, HLV người Nghệ có mặt ở SLNA lẫn các đội bóng khác ở V.League vẫn là tâm điểm, “gây bão” trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Công Phượng-tâm điểm của truyền thông
Trưởng thành từ Giải Cúp Báo Nghệ An, thăng hoa trong màu áo U19 HAGL và U19 Việt Nam, Công Phượng và đồng đội được bầu Đức đưa thẳng lên đá V.League. Ngày đầu tham dự giải bóng đá cao nhất Việt Nam, Công Phượng và đồng đội sống như trong mơ, đi đến đâu anh cũng làm “cháy vé”, “vỡ sân”, được giới truyền thông ví như “làn gió lạ”, “sức sống mới” ở V.League… Nhưng rồi “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, Công Phượng và đồng đội nhanh chóng bị các đội bóng khác “đá cho bõ ghét”, anh không có nhiều đất để phô diễn tài năng mà luôn bị “chặt chém” mỗi khi ra sân. Hậu quả là đội bóng của Công Phượng suýt bị xuống hạng. Trước đó, Công Phượng cũng bị một số báo đài xoi mói về đời tư với mục đích “giật gân, câu khách”. Với chiêu “Đi tìm tuổi thật của Công Phượng”, có những ngày, số phóng viên có mặt ở đất Mỹ Sơn (Đô Lương) còn nhiều hơn cả cán bộ xã. Bố mẹ Công Phượng, hàng xóm cũng quá mệt mỏi vì tiếp khách đến… hỏi tuổi Công Phượng. Vụ việc chỉ kết thúc khi Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành quyết định xử phạt hành chính cơ quan đã thông tin sai sự thật về độ tuổi của Công Phượng.
Sau khi cùng HAGL “thoát hiểm” ở V.League và sự xoi mói của dư luận, Công Phượng đã tỏa sáng ở Giải U21 Quốc tế báo Thanh Niên 2015. Trong trận chung kết gặp U21 Hàn Quốc, tiền đạo xứ Nghệ đã có bàn thắng tuyệt đẹp để kết thúc giải đấu với 5 bàn thắng và giành cú đúp danh hiệu cá nhân: Cầu thủ xuất sắc nhất giải đấu và Vua phá lưới. Năm 2015 kết thúc với Công Phượng bằng một sự kiện “như trong mơ”, anh đã được CLB bóng đá Mito Hollyhock của xứ sở Mặt trời mọc-cường quốc bóng đá ở Châu Á mời sang ký hợp đồng thi đấu. Việc Công Phượng, cầu thủ trẻ tuổi của Việt Nam chuyển tới Nhật Bản thi đấu là một sự kiện đáng nhớ với bóng đá nước nhà. Những ngày cuối năm tin tức về việc Công Phượng đến Nhật lại trở thành chủ đề chính của các trang báo, chương trình thể thao thu hút nhiều sự chú ý của các CĐV.
Ngọc Hải – người hùng bất đắc dĩ
Từng là đồng đội ở U23 Việt Nam với Công Phượng, Quế Ngọc Hải là “học trò cưng”, được HLV trưởng Miura tin tưởng trao băng đội trưởng làm thủ lĩnh U23 Việt Nam đi “đánh đông dẹp bắc” tại các giải đấu lớn trong năm 2015. Ngọc Hải là “lá chắn thép” góp phần giúp U23 Việt Nam lần đầu tiên có mặt tham dự Vòng chung kết U23 Châu Á. Khi mùa giải 2015 sắp khép lại, trong một trận đấu “vô thưởng vô phạt” giữa SLNA và Đà Nẵng, Quế Ngọc Hải đã có pha vào bóng thô bạo không đáng có, làm gãy chân hậu vệ Anh Khoa. Anh trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận, mọi người suy diễn rằng “lối đá chém đinh chặt sắt” đang hiện hình trở lại ở SLNA và cần phải trừng phạt nặng để răn đe các cầu thủ khác. Ngọc Hải trở thành “án điểm”, anh bị VFF treo giò và buộc phải đền bù gần 1 tỷ đồng tiền chữa trị cho cầu thủ Anh Khoa.
Bế tắc trước án phạt quá nặng này, Quế Ngọc Hải có lúc đã từng nghĩ đến chuyện giải nghệ. Án phạt quá nặng cho Quế Ngọc Hải trở thành tâm điểm bàn tán của dư luận về sự thiếu chuyên nghiệp của nền bóng đá Việt Nam. Cuối cùng, trước sức ép của dư luận Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã phải sửa luật, mua tiền bảo hiểm cho tất cả các cầu thủ tham dự các giải bóng đá chuyên nghiệp. Nhiều người ví rằng: Quế Ngọc Hải là “người hùng” đã làm thay đổi luật chơi của bóng đá Việt. Nhưng “bút sa gà chết”, anh vẫn phải nạp đủ tiền cho Anh Khoa. May nhờ bầu Đức ra tay, CĐV SLNA góp sức và nhà tài trợ đồng ý “giải ngân”, Ngọc Hải mới có đủ tiền “nộp phạt”. Vụ việc kết thúc bằng hình ảnh đáng buồn nhất trong năm 2015 của bóng đá Việt khi HLV Đức Thắng của SLNA và Ngọc Hải vác một ba lô tiền đến nhà Anh Khoa để bên phía SHB Đà Nẵng đếm.
Hữu Thắng –“HLV của tin đồn”
Chuẩn bị cho mùa giải 2015, không hài lòng với kiểu “sống lay lắt” của đội bóng SLNA bởi nhà tài trợ chính chỉ đầu tư nhỏ giọt và chỉ giải ngân theo đúng trách nhiệm. Với tâm trạng làm HLV trưởng nhưng không được quyết về nhân sự, kết thúc mùa giải năm nào cũng bất lực nhìn những tài năng của đội nhà dứt áo ra đi. Đội bóng thì chỉ tồn tại cho có mà không có chiến lược, mục tiêu nhất định. Nhà tài trợ thì nhăm nhe xin rút cho “rảnh nợ”.
Mối duyên giữa HLV Hữu Thắng và sân Vinh kết thúc. Đã có nhiều lời đồn đại HLV Hữu Thắng sẽ nối gót theo các học trò đến những đội bóng có tiềm lực kinh tế mạnh hơn. Có lúc, tưởng chừng như Hữu Thắng sẽ cập bến Bình Dương, khi nhiều tin, bài của một số tờ báo đã khẳng định “như đinh đóng cột” rằng Hữu Thắng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo đội bóng Đất Thủ để chốt hợp đồng. Có bài báo còn cho rằng, để Hữu Thắng đỡ nhớ SLNA, ngoài chiến lược hút các tài năng trẻ xứ Nghệ như Công Vinh, Trọng Hoàng, Văn Hoàn, Văn Bình… Bình Dương còn cho sơn cả khán đài B sân Gò Đậu thành màu vàng như màu áo của SLNA, để Hữu Thắng có cảm hứng cầm quân ở đội bóng được mệnh danh là Chelsea của Việt Nam.
Đến cuối mùa giải 2015, lại rộ lên tin đồn: Hữu Thắng sắp trở thành thuyền trưởng của FLC Thanh Hóa, bởi đội bóng láng giềng xứ Nghệ đã mời các trụ cột của SLNA là Hoàng Thịnh, Đình Đồng…về đầu quân, và trong danh sách các HLV được đội bóng xứ Thanh để ý, chuẩn bị cho tham vọng chinh phục V.league, chỉ có Hữu Thắng mới xứng đáng.
Nhưng rốt cuộc, tất cả cũng chỉ là tin đồn bởi Hữu Thắng vẫn chưa dẫn dắt đội bóng nào sau khi chia tay SLNA. Nhưng có lẽ, sâu xa hơn, HLV được xem là biểu tượng của bóng đá xứ Nghệ chưa thể dứt tình được với đội bóng quê nhà, để cầm quân một đội bóng khác chống lại SLNA. Và những ngày đầu năm 2016 này, Hữu Thắng đang trở thành ứng cử viên sáng giá nhất đang được trong số những HLV nội được VFF lựa chọn làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia.
Đi “nhuộm vàng” để rồi cười nhạt
Sau khi Hữu Thắng nghỉ cầm quân, hàng loạt trụ cột ra đi, SLNA như “rắn mất đầu”, trong bối cảnh đó, Quang Trường “lĩnh ấn tiên phong” làm HLV trưởng SLNA ở mùa giải 2015. Lần đầu tiên cầm quân ở V.League, với một dàn cầu thủ trẻ, còn non kinh nghiệm, nhưng dưới bàn tay nhào nặn của “Trường trâu”, SLNA đã gây ấn tượng bằng những trận thắng dòn giã trên sân khách để ẵm luôn cả 3 danh hiệu bầu chọn xuất sắc nhất tháng. Phấn khích trước màn thể hiện của đội bóng quê nhà, mỗi lúc có SLNA thi đấu ở đâu thì khán đài các sân ở đó đều được “nhuộm vàng”, thậm chí CĐV xứ Nghệ các miền còn tổ chức diễu hành hoành tráng chào mừng như thể SLNA đã vô địch V.League.
Nhưng khi đang có những trận “thắng như chẻ tre” thì SLNA cũng kịp chèn vào đó những trận thua “đáng ngờ” trước các đối thủ đang khát điểm và được đánh giá thấp hơn về chuyên môn. Đỉnh điểm là trận thua trước HAGL cuối mùa giải đã trở thành “giọt nước tràn ly”, khiến cho hàng vạn CĐV xứ Nghệ "chết lặng" khi chứng kiến những gì thầy trò HLV Ngô Quang Trường thể hiện. Trên diễn đàn CĐV SLNA đã xuất hiện những khẩu hiệu đòi tẩy chay đội bóng, người khác điềm đạm hơn thì nói rằng: "Không hiểu chuyện gì xảy ra trên sân nữa. Chúng tôi lặn lội hàng trăm km lên đây tiếp lửa đội bóng, nhưng đến nước này thì chỉ còn biết cười nhạt...”.
“Giận thì giận, thương thì thương”, vượt qua mọi dư luận và tâm bão của truyền thông trong năm 2015, cầu thủ, HLV, CĐV xứ Nghệ vẫn luôn hướng về đội bóng quê nhà và luôn có niềm tin “ngày mai trời lại sáng”, bởi tiềm năng bóng đá xứ Nghệ được ví như “nước sông Lam biết khi mô cho cạn”.
Bài, ảnh: Đức Chuyên