(Baonghean)Nhận 2,8 ha đất rừng và cây chỉ toàn lau lách, ông Nguyễn Văn Lộc (ở xóm Đồng Thuận, Đồng Hợp, Quỳ Hợp) vẫn quyết tâm bám rừng làm giàu. Sau xuất ngũ và đã lăn lộn với nhiều nghề, không đủ ăn, ông đã xác định rõ trên mảnh đất Đồng Hợp này, muốn có cuộc sống ổn định thì phù hợp nhất đối với ông là nhận đất rừng trồng cây nguyên liệu.

Được Lâm trường Đồng Hợp tạo điều kiện, ông Lộc nhận đất rừng. Năm 2000, ông và lâm trường đã đầu tư trồng cây keo. Quyết tâm gắn bó với rừng, ông Lộc đã dựng lán trong rừng để ở và thuận tiện cho công việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc rừng. Ban đầu, ông được lâm trường cử cán bộ kỹ thuật xuống tận nơi hướng dẫn đào hố, bón phân, trồng cây, cách chăm sóc. Cùng với sự kiên trì, chịu khó đầu tư tiền của, công sức cho rừng, cây keo đã phát triển tốt và trở thành một trong những khoảnh rừng nguyên liệu điển hình của Lâm trường Đồng Hợp. Trong giai đoạn thực hiện chu kỳ 1, rừng của ông Lộc bán cây keo cho lâm trường được tổng giá trị 290 triệu đồng. Trừ các khoản, nộp cho lâm trường là 57 triệu đồng, ông Lộc có trong tay 233 triệu đồng và từ khoản thu nhập lớn này, ông dành một phần mua sắm tiện nghi trong gia đình, phần cho con cái làm nhà ra ở riêng, rồi tiếp tục đầu tư vào rừng.

786796_small_87465.jpg

                      Vườn cây keo lai phát triển tốt của ông Nguyễn Văn Lộc.

Tạo điều kiện cho các gia đình nhận đất rừng yên tâm, gắn bó và mạnh dạn đầu tư vào nghề rừng, Lâm trường Quỳ Hợp đã mạnh dạn chuyển đổi hình thức giao khoán, đó là liên doanh với người dân theo tỷ lệ 49 và 51. Theo đó, tỷ lệ 49% của người dân được tính vào công đào hố, trồng cây, hom gốc, chăm sóc… và tỷ lệ 51% là vốn đầu tư của lâm trường gồm: giống cây, hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, vốn… Sau khi thu hoạch, được hưởng theo tỷ lệ góp vốn. Để  tạo động lực cho người dân, lâm trường đã đưa định mức khoán rất hấp dẫn là sản lượng thu hoạch 100 tấn/ha (hưởng theo tỷ  lệ đầu tư 49 và 51%) và phần vượt sản lượng khoán (100 tấn/ha) thì người trồng rừng được hưởng. Với cách liên doanh đó, trong chu kỳ 2 này, ông Lộc rất phấn khởi và mạnh dạn đầu tư gắn bó với rừng.

Theo hướng dẫn kỹ thuật của lâm trường, một ha ông Lộc trồng 1.660 cây keo và được bón phân, chăm sóc đúng cách, nên cây mới trồng từ năm 2011 đã phát triển nhanh. Ông Lộc cho biết: “Điều lo ngại nhất của người trồng cây keo là mùa bão, lũ, bởi cây dễ đổ gãy, nhất là keo từ 3 – 5 tuổi. Thời gian qua, thời tiết vùng này tương đối thuận lợi, nên ít bị thiệt hại. Thời gian tới, nếu không bị ảnh hưởng của bão, lũ thì năng suất cây keo của gia đình trồng sẽ đạt khoảng 200 tấn/ha”. Với cách liên doanh theo tỷ lệ như đã nêu trên, khi thu hoạch, trừ các khoản nộp cho lâm trường (51 tấn), ông Lộc sẽ thu về 149 tấn/ha.

Cùng với trồng rừng, ông Lộc còn đắp đập ngăn nước tưới cho cây trồng, kết hợp nuôi cá, nuôi vịt và trong rừng còn chăn nuôi thêm o­ng, gà, lợn… Trừ mọi chi phí, các khoản chăn nuôi này hàng năm giúp thêm nguồn thu nhập cho ông Lộc hơn 40 triệu đồng. Đây là cách “ lấy ngắn nuôi dài” giúp ông Lộc yên tâm gắn bó và làm giàu từ rừng!


Hoàng Vĩnh