(Baonghean) - Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, do yêu cầu phát triển của lực lượng sáng tác văn nghệ các huyện, thành, các chi hội văn nghệ huyện ở Nghệ An lần lượt ra đời. Khởi đầu là Chi hội Quỳnh Lưu, tiếp đó là các Chi hội Diễn Châu, Yên Thành, Thanh Chương, sau đó là Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp. Riêng Thành phố Vinh và Thị xã Thái Hòa thì thành lập Hội Văn nghệ, bỏ qua giai đoạn chi hội.
images930883_06_nhom_tho_tre_gioi_thieu_c_c_tac_pham_tho_tre.jpgNhóm các tác giả trẻ giới thiệu tác phẩm thơ trong đêm thơ Nguyên tiêu
 
Dưới sự lãnh đạo và quản lý của cấp ủy, chính quyền huyện, sự chỉ đạo chuyên môn của Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật tỉnh, các hội và chi hội văn nghệ các địa phương đã tổ chức nhiều hoạt động để đoàn kết tập hợp đội ngũ văn nghệ sỹ ở các huyện, động viên các hội viên sáng tác văn, thơ, nhạc, ảnh nghệ thuật phục vụ đời sống văn hóa, văn nghệ địa phương, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương. Hàng năm, các hội tổ chức cho anh em hội viên đi thực tế các mô hình điển hình trong và ngoài tỉnh, tổ chức các Hội thơ Xuân, các trại sáng tác. Hội nào cũng có tập sáng tác văn nghệ xuất bản mỗi năm 1 đến 3 số: Quỳnh Lưu có “Tùng Lĩnh”, Diễn Châu có “Văn nghệ Diễn Châu”, Yên Thành có “Sông Dinh”, Vinh có “Văn nghệ Thành Vinh”, Thái Hòa có “Văn nghệ Thái Hòa”.... nhiều số văn nghệ cấp huyện, thành có chất lượng cao, chẳng những phục vụ đông đảo bạn đọc địa phương mà còn giới thiệu hình ảnh quê hương Nghệ An đang từng ngày đổi mới với cả nước.
Các hội viên Hội văn nghệ Yên Thành đi thực tế ở cơ sở -Ảnh: Hồ Các
 
Nhiều hội viên sáng tác, xuất bản các tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, ảnh nghệ thuật đạt giải cao trong các cuộc thi của Trung ương và của tỉnh. Trưởng thành từ trong thực tế sôi động của công cuộc đổi mới cũng như được sự cổ vũ động viên của các Hội Văn nghệ địa phương, nhiều tác giả đã trở thành những cây bút, những tên tuổi đại diện cho lực lượng sáng tác của các vùng quê. Quỳnh Lưu có Nguyễn Ngọc Lợi, Tú Tâm, Trần Ngưỡng, Lam Kiều, Xuân Chuẩn, Trương Quang Thứ, Trần Tố...; Diễn Châu có Cao Xuân Thưởng, Đặng Quang Liễu, Mạc Thực, Thanh Hải...; Yên Thành có Phan Văn Từ, Huy Huyền, Ngô Đức Tiến, Phan Thế Phiệt, Phan Bá Hàm, Lăng Hồng Quang, Hoàng Văn Hân, Hồ Các, Phan Đăng Hải, Trần Ngọc Khánh... Họ là những người vừa viết văn, làm thơ, sáng tác nhạc, ảnh nghệ thuật, vừa là những cộng tác viên tích cực của các báo Trung ương và địa phương. Nhờ bám sát thực tế, lăn lộn trong cuộc sống của nhân dân nên những tác phẩm văn chương, báo chí của các hội viên ở cơ sở mang hơi thở của cuộc sống. Thực sự, hoạt động của các hội, chi hội văn nghệ ở các huyện, thành trong các năm qua đã đạt được những hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về văn hóa văn nghệ. Đó là những tín hiệu vui từ cơ sở.
 
Tuy nhiên, hoạt động của các hội, chi hội văn nghệ vẫn gặp muôn vàn khó khăn. Trong đó, khó khăn nhất vẫn là cơ chế phân cấp, phân quyền, chưa rõ ràng; khó khăn về kinh phí hoạt động. Cách nhìn nhận, đánh giá về hội, chi hội văn nghệ ở cấp huyện còn bất cập so với thực tế. 
Các hội viên Hội văn nghệ Yên Thành đi thực tế ở cơ sở nhận Giải thưởng VHNT Hồ Xuân Hương -Ảnh: Hồ Các
Thiết nghĩ, các cấp, ngành liên quan nên có cuộc khảo sát, đánh giá lại hoạt động của các hội, chi hội văn nghệ ở các huyện, thành, thị để có chính sách, cơ chế phù hợp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để các hội, chi hội hoạt động, sáng tạo nhiều tác phẩm hay, phục vụ công cuộc đổi mới. Để các văn nghệ sỹ tỉnh nhà thực hiện ngày càng tốt hơn Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương (khoá VIII) của Đảng ta đã nêu lên mục tiêu và những nhiệm vụ “xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, văn học - nghệ thuật là một bộ phận rất quan trọng”. 
 
Ngô Đức Tiến