(Baonghean) - “Ví, dặm là một biểu tượng văn hóa xứ Nghệ, là nơi thể hiện một cách sâu sắc và sống động hồn vía của người Nghệ Tĩnh, là một thế giới nghệ thuật đặc sắc...”, đó là những nhận định của các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Dân ca ví, dặm xứ Nghệ. Cũng từ đó, đặt ra nhiều vấn đề trong công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của ví, dặm xứ Nghệ trong cuộc sống ngày nay...
 
images983967_5a.jpgMột buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Dân ca xóm 4, xã Ngọc Sơn (Thanh Chương).
 
Đã bao lần về Thanh Chương, một trong những cái nôi của dân ca ví, dặm xứ Nghệ vậy mà hôm cùng đoàn các nhà nghiên cứu đến tham dự một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ dân ca ví, dặm ở xóm 4, xã Ngọc Sơn vẫn cảm thấy thích thú. Cảm giác đầu tiên giống như trở lại không gian sinh hoạt của ngày xưa, thời mà ông, bà ta vẫn vừa kéo sợi, ươm tơ, vừa hát hò. Riêng những đoàn khách nước ngoài, mới lần đầu chứng kiến thì họ thực sự ngạc nhiên bởi những bài hát hò, hát ví vừa nhiều nhịp bằng trắc, vừa ngôn từ phong phú lại phải vừa hát, vừa đối thế mà chẳng những cụ bà bảy mươi, tám mươi mà những cô bé, cậu bé mới lên chín, lên mười vẫn có thể đối đáp được. 
 
Câu lạc bộ được thành lập từ năm 2009, trên tinh thần tự nguyện của các thành viên. Một trong những gia đình tham gia tích cực nhất là gia đình chị Nguyễn Thị Vân, chủ nhiệm câu lạc bộ, một gia đình cả 3 thế hệ đều tham gia. Gia đình chị cũng đã nhiều lần đi tham dự các hội diễn lớn và nhiều lần đoạt được các giải Vàng, giải Bạc. Chị Nguyễn Thị Vân tâm sự: “Chúng tôi đến với câu lạc bộ là hoàn toàn bằng sự say mê, bằng sự thôi thúc mong muốn giữ lại những làn điệu dân ca ví, dặm cho quê nhà… Do đó, với tôi, thành công lớn nhất khi đưa câu lạc bộ vào hoạt động đó là ngày càng tập hợp được nhiều người yêu và say mê với khúc hát dân ca, truyền dạy lại dân ca cho những người trẻ tuổi để họ có ý thức giữ gìn”.
 
Cùng với Câu lạc bộ Dân ca xóm 4, xã Ngọc Sơn, 60  câu lạc bộ khác với hơn 2000 thành viên cũng đã được thành lập ở huyện Nam Đàn, Anh Sơn, Tân Kỳ, Diễn Châu, Quỳnh Lưu… Đây là kết quả có được sau gần 5 năm nỗ lực của tỉnh nhà với mong muốn đưa dân ca ví, dặm trở về đúng với không gian ban đầu, đúng với chủ thể là những người nông dân, những người lao động. Cũng nhờ đó, số người biết và hát dân ca ví, dặm ngày một nhiều hơn và ý thức của mỗi người về dân ca ví, dặm ngày càng được nâng cao, nhất là với lớp trẻ. Tại các câu lạc bộ mới thành lập, do không nắm vững những bài cổ, việc cải biên hoặc “sáng tác” đã và đang có nguy cơ “sân khấu hóa” ví, dặm truyền thống, thiếu sức lan tỏa bản chất vốn có của dân ca ví, dặm trong cộng đồng. 
 
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, những năm qua, bằng nhiều nỗ lực dân ca ví, dặm xứ Nghệ đang ngày càng trở về gần hơn với cuộc sống của người dân. Tuy vậy, trong công tác bảo tồn vẫn đang còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi  hiện nay không gian sinh hoạt dành cho ví, dặm đã thay đổi: các làng nghề thủ công hầu hết bị xóa sổ, vắng dần những cây đa, bến nước, sân đình...; môi trường lao động, quan hệ lao động đã không còn như trước. Các trò chơi dân gian gắn với các bài dặm đã biến mất; các điển tích, điển cố Hán Việt trong các bài hát ví dần mất mát do thế hệ sau ít am hiểu về chữ Hán. Số lượng nghệ nhân nắm giữ các bài gốc có phần giảm do tuổi già sức yếu. Sự nở rộ của các loại hình giải trí hiện đại ngày càng hấp dẫn giới trẻ. Môi trường sống, sở thích, thị hiếu văn hóa của người dân ngày càng hiện đại hóa, toàn cầu hóa, nên vị trí của dân ca ví, dặm trong đời sống cộng đồng ngày càng thay đổi theo xu hướng giảm về mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng.  Nguồn kinh phí đầu tư cho ví, dặm không nhiều, chưa huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa cho các sinh hoạt ví, dặm; năng lực cán bộ quản lý văn hóa ở địa phương, cơ sở còn hạn chế. Hầu hết đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở đều mới trưởng thành, không am hiểu về dân ca ví, dặm. 
 
Thực tế này cũng đặt ra nhiều băn khoăn cho những người làm công tác nghệ thuật, cũng như làm công tác quản lý văn hóa. Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Hồng Lựu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cho rằng: “Chủ trương sân khấu hóa là đường đi đúng đắn nhưng theo tôi chưa đủ. Bởi vì, từ khi thành lập đến nay, với tư cách là một đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Nhà nước. Chúng ta đã xem nhẹ ví, dặm ở trong dân. Chúng ta đã lãng quên chủ nhân của ví, dặm là ai, nên các sinh hoạt ví, dặm ở trong dân dần dần lụi tắt. Chính vì lẽ đó mà trong các tuyển tập ví, dặm thiếu vắng hoặc nếu có thì cũng rất ít những câu hát phản ánh xã hội thời bấy giờ”. Nhà báo Trần Hồng Cơ phân tích: Câu lạc bộ dân ca là một hình thức bảo tồn dân ca ví, dặm với xu hướng trở về cội nguồn. Tuy nhiên, hình thức bảo tồn này vẫn còn những hạn chế. Hầu hết các nghệ nhân hát dân ca đều là diễn viên văn nghệ quần chúng còn trẻ, có người chưa thuộc hết các làn điệu dân ca. Nhiều tiết mục tham gia Liên hoan dân ca ví, dặm do các nghệ sỹ chuyên nghiệp dàn dựng cho các câu lạc bộ dân ca. Ngày xưa các nghệ sỹ biết hát dân ca là nhờ các nghệ nhân truyền dạy. Ngày nay các nghệ nhân được các nghệ sỹ hướng dẫn cách hát dân ca. Với cách bảo tồn “ngược” như thế liệu có trở về đúng giá trị nguyên gốc của dân ca ví, dặm? 
 
Theo nhạc sỹ Đặng Thanh Lưu, nguyên Giám đốc Nhà hát dân ca Việt Nam, trong thực tế hiện nay để bảo tồn hình thái văn hóa dân gian này, một mặt cần tìm cách duy trì hình thức diễn xướng cổ xưa, mặt khác, phát triển các câu lạc bộ dân ca cơ sở trong toàn tỉnh, phục dựng lại nguyên dạng các hình thức diễn xướng dân gian trên sông nước, trên ruộng đồng, trên núi non, trong thôn xóm và trong nhà. Chẳng hạn như: tổ khúc hò lao động (hò đắp đê, hò bơi thuyền trên sông, hò xeo gỗ, hò đi đường…), cảnh hát ví giao duyên, cảnh hát dặm xẩm, hát dặm ru (Mẹ giòng than thở cùng con), hát dặm kể (Phụ tử tình thâm), đặc biệt là hát phường vải, một hình thức diễn xướng có lề lối bài bản rất đặc sắc. 
 
Về lâu dài, theo Tiến sỹ Vũ Anh Tú, Viện Văn hóa - Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phải có một cơ chế, chính sách đối với việc bảo tồn và phát huy dân ca ví, dặm trong đời sống đương đại, để làm sao tốt nhất là “bảo tồn một cách chủ động, mang ý nghĩa “bảo tồn” để “phát huy”- bảo tồn trong sự phát triển và vận động chung của xã hội”. Muốn vậy, cần phải “phục hồi không gian diễn xướng cho dân ca ví, dặm” bằng những  chính sách phù hợp nhằm khôi phục các làng nghề, các ngành nghề truyền thống để việc hát dân ca được gắn với không gian sinh hoạt và môi trường lao động của cộng đồng. Xây dựng các tổ, đội, nhóm, các câu lạc bộ hát dân ca ở các, làng, thường xuyên sinh hoạt ca hát, gắn với những sinh hoạt văn hóa làng, sinh hoạt văn hóa cộng đồng để dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh có môi trường tự thân phát triển.  Đồng thời, phải gắn kết dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh với hoạt động du lịch, xây dựng những chương trình du lịch nhằm giới thiệu cho du khách những giá trị tích cực cũng như sự độc đáo, sinh động của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Cuối cùng cần nâng cao vai trò của cộng đồng cư dân trong việc bảo tồn; cần có chính sách tôn vinh di sản để làm cho người dân trong cả nước, đặc biệt là cư dân của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ý thức được giá trị và vai trò của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh, khiến họ cảm thấy tự hào, từ đó yêu quý và có mong muốn lưu giữ để dân ca ví, dặm mãi mãi trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác.
 
Mỹ Hà