Những vụ việc đau lòng
Đã nhiều ngày trôi qua, nhưng người thân của anh Hà Văn Xiến (37 tuổi, trú bản Na, xã Nậm Nhoóng, huyện Quế Phong) vẫn chưa biết ai là người nổ súng khiến anh Xiến trúng đạn và tử vong.
Trước đó, khoảng 16 giờ ngày 5/12, anh Xiến đang đi vào rừng hái rau thì bất ngờ bị trúng đạn súng kíp, bị thương rất nặng. Anh Xiến chỉ kịp gọi điện về cho người thân báo tin rồi bất tỉnh. Anh Xiến sau đó được đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi do bị đạn xuyên phổi.
Ông Ngân Văn Chín - Chủ tịch UBND xã Nậm Nhoóng (Quế Phong) nhận định, nhiều khả năng khi anh Xiến đang hái quả trong rừng thì bị một người nào đó đi săn tưởng nhầm là thú rừng nên đã nổ súng.
Chỉ 3 ngày sau, ông Vi Văn L. (56 tuổi), trú tại xã Hạnh Dịch (Quế Phong) cũng bị trúng đạn vào bụng khi đang vào rừng để đặt bẫy sóc. Sau khi bị bắn, ông L. nén đau gọi điện báo cho người thân biết. Sau khi sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Quế Phong, do vết thương rất nặng, gây thủng bụng, nên nạn nhân được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An cấp cứu.
Không chỉ ở địa bàn miền núi, tại TP. Vinh và các huyện đồng bằng, việc nhiều đối tượng sử dụng súng, vũ khí nóng để giải quyết mâu thuẫn không phải là hiếm. Đêm 3/12/2018, Lê Anh Tuấn (SN 1986), trú tại TP. Vinh, tổ chức bữa tiệc tại nhà hàng ở phường Hưng Dũng.
Trong bữa tiệc, Nguyễn Anh Tú và Phạm Trung Hiếu là 2 khách mời xảy ra mâu thuẫn cá nhân dẫn tới xô xát. Tú liền rút một khẩu súng ngắn dọa bắn Hiếu thì Hồ Viết Công ngồi cùng mâm xông vào can ngăn giằng được khẩu súng và bắn 5 phát lên trần nhà khiến nhiều người có mặt tại quán chạy tán loạn.
Sau khi đến quán cà phê, nhóm này tiếp tục mâu thuẫn và dùng kéo đâm nhau. Bất ngờ, có 2 người cầm súng bắn nhiều phát vào đám đông khiến 2 người đứng xem bị thương. Công an TP. Vinh sau đó đã bắt giữ và khởi tố bị can đối với Nguyễn Anh Tú (SN 1986) về tội "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; Hồ Viết Công (SN 1993) về tội "Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng".
Đáng chú ý, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng mua bán linh kiện, hướng dẫn lắp ráp các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, nhất là súng hơi trên mạng xã hội.
Tháng 3/2019, Công an huyện Thanh Chương đã bắt quả tang Lưu Văn Thắng (SN 1967), trú tại xóm 8, xã Thanh Hương, huyện Thanh Chương với hành vi chế tạo súng kíp bán cho những người có nhu cầu nhằm thu lợi bất chính. Trong quá trình bắt giữ, cảnh sát đã thu giữ 1 khẩu súng kíp, 1 khẩu súng quân dụng AK47 và 15 viên đạn.
Cần xử lý hình sự
Hiện nay, số lượng vũ khí nóng, đặc biệt là súng tự chế trong dân vẫn còn rất lớn. Một bộ phận người dân ở các xã vùng biên, vùng sâu, vùng xa còn sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ săn bắn động vật hoang dã, đánh bắt thủy, hải sản, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ANTT.
Theo lãnh đạo Công an tỉnh Nghệ An, mặc dù số lượng vũ khí, vật liệu nổ được nhân dân giao nộp cũng như lực lượng chức năng thu giữ trong thời gian qua là rất lớn. Trong năm 2019, ngành Công an đã vận động thu hồi được 516 khẩu súng các loại, 13.262 viên đạn, 9 quả bom, mìn… góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm. Song, để ngăn chặn triệt để hành vi tàng trữ, mua bán, sử dụng súng tự chế còn rất nhiều khó khăn.
Thực tế cho thấy, mặc dù các loại súng tự chế có sức công phá rất mạnh và được đưa vào danh mục các loại vũ khí cấm cá nhân sở hữu, tàng trữ, song còn nhiều người, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn lén lút tàng trữ, sử dụng loại vũ khí này để săn bắn chim, thú và coi là vật phòng thân khi đi rừng.
Bên cạnh đó, trong nhiều vụ thanh trừng nhau, nhiều vụ án mạng trên địa bàn tỉnh các đối tượng đều sử dụng súng tự chế. Bản chất của những vụ án trên cho thấy hành vi gây án của các đối tượng ngày càng manh động, côn đồ, hung hãn và việc tàng trữ, sử dụng vũ khí trái phép đang thực sự báo động. Nhưng hiện đang có nhiều bất cập trong việc xử lý hình sự đối với hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng.
Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, trước tình hình tội phạm sử dụng các loại vũ khí tự chế có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để gây án ngày càng phức tạp, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh cho rằng, từ thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy, đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng.
"Các loại vũ khí đối tượng phạm tội thường hay sử dụng có thể kể đến như súng bắn đạn hoa cải, súng ổ xoáy, súng bút, súng tự chế... có tính sát thương rất cao. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các loại tội phạm thường gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm tính mạng, sức khỏe của người khác", Thiếu tướng Cầu nói và cho rằng, việc xử lý hình sự về các hành vi chế tạo, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng, chiếm đoạt trái phép các loại vũ khí có tính năng tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng là hết sức cần thiết, thể hiện chính sách hình sự nhất quán ở Việt Nam.