Vụ sập nhà do nổ bình gas ở Hà Nội sáng 3-11, một lần nữa là tiếng chuông cảnh báo cho người dân về những nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi họ không biết cách xử trí khi bình gas “dở chứng”.
Khoảng 5 giờ 45 sáng 3-11, tại nhà dân ở ngõ 22 Tạ Quang Bửu, Hai Bà Trưng, Hà Nội đã xảy ra một vụ nổ bình gas cực kỳ nghiêm trọng. Cả gia đình nạn nhân ông Trần Nhật Minh (SN 1968) và vợ là Nguyễn Thu Ngân (SN 1974), đều là công chức nhà nước cùng hai con của họ gặp nạn.
Nguyên nhân vụ việc ban đầu được xác định là do khi thấy có mùi gas, bà Ngân xuống bếp tìm cách khóa bình gas lại thì bị nổ. Theo dự đoán của nhiều người dân sống ở khu vực này, rất có thể khi xuống bếp để khóa bình gas, chị Ngân đã bật đèn hoặc một thiết bị điện nào đó khiến gas phát nổ. Bởi lẽ trong trường hợp bị rò rì gas mà bật đèn điện hay dụng cụ nào khác có thể phát sinh tia lửa là sẽ gây cháy nổ.
Đây là một bài học đắt giá cho gia đình chị Ngân cũng như nhiều gia đình đang dùng bếp gas khác vì chính sự thiếu hiểu biết của họ đã khiến họ gặp nạn.
Sự thiếu hiểu biết khi dùng bếp gas có thể gây nên tai nạn kinh hoàng
Qua vụ việc đau thương này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc một số biện pháp xử trí khi bình gas, bếp gas gặp sự cố.
Gas bốc mùi: Do đường dây dẫn gas bị xì, khoá van bị hỏng hoặc ống gas nối sai khớp. Lúc này cần khóa ngay van bình ga, hãy mở tung cửa để giảm bớt nồng độ của gas. Nếu ngửi thấy mùi gas đậm đặc, bình rò rỉ tạo thành tuyết bám xung quanh, nhiệt độ trong phòng tăng lên phải nhanh chóng mở toang cửa, dùng quạt tay quạt bớt nồng độ gas. Đặc biệt chú ý không bật tắt các thiết bị điện, tốt nhất là ngắt được nguồn điện từ xa, sau đó gọi ngay thợ sửa chữa đến kiểm tra.
Đặc biệt chú ý không bật lửa lên xem; không bật quạt điện, tránh tia đánh lửa của quạt gây cháy. Lấy xà phòng bít vào chỗ khí gas thoát ra, phun nước vào bình, nếu thấy bình phồng lên ngay lập tức chạy thoát ra ngoài, đề phòng bình gas nổ. Tuy nhiên, theo tính toán thì bình gas rất hiếm khi nổ vì được thiết kế với vật liệu đặc biệt. Thường là cháy nổ lượng gas rò rỉ ra bên ngoài, với sức nổ rất mạnh.
Sự cố về nguồn lửa: Khi bếp ga không bắt lửa, ngọn lửa cháy bất thường, có mùi gas thoát ra ngoài. Bạn cần tắt bếp ngay, khoá van bình đồng thời kiểm tra lại mâm chia lửa có bị đặt lệch không, lau khô sứ đánh điện của bếp hoặc kiểm tra có gì bị ảnh hưởng vào mâm lửa không? Nước sạch cũng có thể gây đỏ lửa bất thường, vì thế đáy nồi ướt lửa cũng sẽ bị đỏ.
Bếp gas không bắt lửa: Bạn chỉ cần lặp lại động tác bật lửa liên tục cho đến khi không khí trong ống dẫn gas bị tống hết ra ngoài. Nếu dây dẫn gas bị gãy dập, bạn nên thay mới để đảm bảo an toàn. Kiểm tra bộ đánh lửa nếu bị bẩn, bạn cần tháo kiềng bếp dùng vải khô để lau sạch bộ đánh lửa.
Lửa bị đỏ: Xử lý bằng cách thường xuyên vệ sinh bếp gas. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngọn lửa bị đỏ là do nhà bạn mới sơn hoặc quét vôi mới. Hiện tượng này không cần xử lý, khoảng vài ngày tự nhiên sẽ hết.
Lửa phát tiếng kêu: Hiện tượng này thường do nhân viên lắp đặt bếp gas chưa điều chỉnh chính xác bộ phận không khí, hoa sen (họng lửa) lắp chưa đúng khớp, khe thoát lửa bị nghẹt. Khi bắt gặp sự cố này, bạn có thể tự mình xử lý bằng cách lắp lại cho chính xác bộ phận điều chỉnh không khí, kiểm tra lại vị trí họng lửa, đồng thời làm sạch lại khe thoát lửa.
Ngoài ra, không nên sử dụng bình gas mini cũ vì độ an toàn không như bình mới. Với bình gas mới cũng cần phải xem hạn sử dụng, nhà sản xuất có uy tín không, có được kiểm định chất lượng, an toàn...
Cần định kỳ thay mới hệ thống dây dẫn bình gas theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Với bình thuốc diệt côn trùng, tuyệt đối không để gần ngọn lửa, không được xịt thuốc dưới gầm bếp hoặc gần bếp lửa đang cháy.