(Baonghean) - “Vẫn bên nhau và tràn đầy tình yêu sau gần 70 năm trao đổi những lá thư đầu, họ vẫn có rất nhiều điều để dạy các thế hệ mới về sự tranh đấu và tình yêu vĩnh cửu”.
Tháng 5 năm nay, một may mắn tình cờ khi tôi biết tới buổi ra mắt cuốn sách “Hồi ức tình yêu” tái bản lần 2 và ra mắt lần đầu phiên bản tiếng Anh (tập hợp 250 bức trong số 500 bức thư tình viết quãng thời gian từ 1950 đến năm 1960 ) của cặp vợ chồng nhà văn tôi ngưỡng mộ từ thời thơ ấu: nhà văn Vũ Tú Nam và nhà văn- nhà báo Thanh Hương.
Mãi tới lúc này, tôi mới biết nữ nhà văn Thanh Hương là người xứ Nghệ, bà là con gái của một danh sỹ nổi tiếng- tiến sỹ Nguyễn Huy Nhu (hay còn gọi là cụ nghè Nhu), người làng Vạn Lộc, tổng Thượng Xá, phủ Hưng Nguyên, nay thuộc phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò.
Cô con gái của cụ nghè Nhu đã thừa hưởng ở cha mình tài văn chương, thơ phú lẫn sự can đảm, khảng khái. (Cụ nghè từng viết đôi câu đối được nhiều người còn nhớ ca ngợi cảnh sắc Cửa Lò quê hương"Dạo gót thử trông xem, kìa Lô Thủy, nọ Ngư Sơn, vui thú đâu hơn quê quán cũ/ Cầm tay xin nhắc lại, kẻ lan tôn, người quế tử, vun trồng xin nhớ cội cành xưa"). Và chính tính cách, tài năng ấy đã thu phục chàng trai tài hoa đất Bắc từ cái nhìn đầu tiên.
Nhà văn Vũ Tú Nam đã có lần hồi ức về buổi đầu gặp gỡ để ngay lập tức “cô gái xứ Nghệ đã để lại ấn tượng sâu đậm” trong ông. Cuối năm 1948, khi ấy cả 2 người mới mười tám đôi mươi, ông đang là một người lính công tác tại báo “Chiến sỹ” ở Liên khu IV, một hôm được nghe một cô gái trẻ (làm công tác phụ nữ) đứng lên diễn thuyết động viên những người lính hăng hái ra trận chiến đấu chống quân thù.
Giọng nói đầy thuyết phục, ấm áp của cô, cộng với gương mặt tròn, đôi mắt sáng, mái tóc xõa xuống bờ vai mềm mại đã khiến ông thấy tim mình rung động. Khi đơn vị ông rời dần ra phía Bắc, ông vẫn chưa biết nhiều về cô gái ấy, nhưng trong lòng đã chộn rộn nhớ thương. Ông nghĩ, nếu có duyên, biết đâu sẽ có ngày được gặp lại...
Một đoạn trong bức thư nhà văn Vũ Tú Nam gửi vợ - nhà văn, nhà báo Thanh Hương:“Mỗi năm đi qua, bên cạnh những kiểm điểm về công việc mình đã làm, những điều có ích mình đã thực hiện, mình thường có thói quen tự hỏi: “Mình đã đem lại cho H. được những gì? Mình đã làm H. vui nhiều, hay buồn nhiều?” Trước mắt mình, mình thấy rõ hình ảnh một người con gái tròn trĩnh, xinh xắn, thông minh mười hai tuổi, mười ba tuổi, rồi mười tám tuổi như một con chim nhỏ lạc vào vườn hoa với tất cả mơ ước, nhiệt tình của một tâm hồn trẻ tuổi. Rồi cái buổi nào đó, rất nhiều ánh sáng, và không khí dịu mát, mình đã đến với H. H. đã đến với mình. Chỉ cần gặp H. một lần, thì lịch sử đã chép chung hai cuộc đời làm một rồi…”. |
Và đúng là số phận đã sắp đặt để cho họ được đến với nhau hết sức đặc biệt. Nữ nhà văn Thanh Hương kể rằng, những năm tháng ấy, bà được tổ chức phân công viết thư động viên cho bộ đội. Bà đã viết đi lá thư động viên những người lính trong Tiểu đoàn của ông, và bà đã nhận được bức thư trả lời của ông, thay mặt cho những người lính cùng đơn vị.Khi đơn vị nhà văn Vũ Tú Nam về lại Liên khu IV, gặp cô gái ký tên Phương Thùy dưới mỗi lá thư, ông mới ngỡ ngàng nhận ra, đó là cô gái đã khiến mình rung động từ cái nhìn đầu tiên...
Sau đó, cả 2 người đều được điều ra Việt Bắc để công tác. Nhà văn Thanh Hương cũng như bao nhiêu thanh niên trẻ thời ấy, trong tim rực sáng lý tưởng và tình yêu dành cho cách mạng, hòa mình vào với cuộc chiến gian khổ, nhiều hy sinh. Bà đi cùng các chiến dịch Biên giới, Hòa Bình, Thượng Lào... với nhiều vai trò khác nhau.Khi thì làm công tác hậu cần, khi làm chính trị viên quân y...
Trong những tháng năm này, bà cũng đã bắt đầu sáng tác truyện ngắn và tập hợp trong một tập sách được in chung “Nữ dân công”. Cuộc sống, lao động và chiến đấu với tất cả sự dồn dập đã dội vào trái tim bà và một lần nữa bà tái hiện lại nó trong những trang viết. Đây cũng là những tháng ngày đánh dấu mốc son tình yêu của bà với nhà văn Vũ Tú Nam.
Chỉ đôi khi, họ được gặp nhau trong các chiến dịch, rồi lại vội vã chia tay. Từ những bức thư, họ chuyển từ tình bạn sang tình yêu để rồi, sau trận ốm dài của ông vào cuối năm 1953, đến năm 1954 họ làm đám cưới. Lễ cưới đơn sơ tổ chức tại Cục Tuyên huấn Quân đội, không có “màn” trao nhẫn để rồi mãi tận hơn 64 năm sau (tháng 4/2017), trong lần ra mắt cuốn sách kỷ niệm cuộc đời và chuyện tình yêu giữa 2 người, họ đã rưng rưng trao cho nhau đôi nhẫn do con cái mua tặng.
Ở tuổi hơn 80, nữ nhà văn, nhà báo Thanh Hương không còn nhiều sức khỏe để có thể nhớ hết về nhiều quãng cuộc đời mình, duy chỉ có những kỷ niệm về tình yêu với nhà văn Vũ Tú Nam, kỷ niệm về những đứa con... là bà mãi nhớ.
Bà kể rằng những tháng ngày ấy, lấy nhau rồi mà ông bà vẫn thường xuyên xa cách. Họ chỉ gặp nhau thường xuyên qua những cánh thư. Hơn 500 bức thư, đã từng để dưới đáy ba lô theo 2 người những chặng đường kháng chiến. Theo thời gian, khi họ gây dựng được một mái nhà, những bức thư được đựng đầy chặt chiếc va ly da lớn. Những bức thư với nét chữ đã có phần mờ nhòe, những trang giấy đã ố vàng là gia sản quý nhất của họ.
Trong thư, họ không chỉ kể với nhau về nỗi nhớ, không chỉ bày tỏ về tình yêu, trao nhau những lời thề nguyện, niềm tin tưởng mà còn giúp nhau cùng vượt qua gian khó, hoàn thành nhiệm vụ, kể những câu chuyện đời thường, nói với nhau về cuộc sống xung quanh, về những người bạn chung, về sự lớn lên của những đứa con và còn là nơi để họ chia sẻ với nhau những sáng tác mới. Có thể nói, nhà văn Vũ Tú Nam chính là bạn đọc khắt khe đầu tiên của nhà văn Thanh Hương và ngược lại...
Cuộc đời, sự nghiệp và cả chuyện tình yêu của 2 nhà văn Thanh Hương- Vũ Tú Nam khiến nhiều người ngưỡng mộ. Họ không chỉ là những tài năng trong nghiệp viết, mà còn trở thành những người thành đạt trong công tác. Nhà văn Vũ Tú Nam sau này là Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Thanh Hương trở thành Tổng Biên tập báo Phụ nữ Việt Nam.
Từ căn nhà nhỏ bé mà họ ở nhờ tại cơ quan nhà văn Thanh Hương khi họ rời Việt Bắc về thủ đô, đến căn phòng gần 30 m2 thuê được trên gác 2 của một tòa biệt thự ở đường Nguyễn Thái Học (Hà Nội), họ đã sống và vun đắp tình yêu cùng những người con. Sau này, khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, gia đình nhỏ bé ấy lại thêm những lần sơ tán, chia tay… Những bức thư lại nối dài tình yêu của họ.
Với nhà văn Vũ Tú Nam, ông vẫn còn nguyên, thậm chí còn yêu thương và trân trọng hơn người bạn đời của mình so với cái buổi ban đầu “xao xuyến vì giọng nói, gương mặt, bờ vai của cô gái xứ Nghệ”. Ông nói rằng, bà đã đi cùng ông suốt một chiều dài cuộc đời với tất cả yêu thương, tận tụy, hy sinh. Là vợ nhưng cũng là bạn, là người tri âm của mình.
Bà đảm đang, lo toan, vun vén gia đình và bà cũng là người giúp ông xóa đi những lo lắng, muộn phiền bằng những câu chuyện nhỏ nhẹ, hài hước … Bà nói, bây giờ thì họ lại càng “có chung nhau nhiều thứ quá: không chỉ có nhà, có tài sản, có thư từ mà quý giá nhất là con, cháu và niềm vui, niềm lo về chúng”
Nói về tập sách “Hồi ức tình yêu” cũng là tập hợp chọn lọc từ những lá thư 2 người gửi cho nhau một thời, nhà văn Thanh Hương chia sẻ, bà và ông cũng đã rất ngần ngại khi công bố những cái gì thuộc về sự riêng tư. Song họ đã được sự động viên của rất nhiều người, đặc biệt là nhà văn Mỹ Lady Borton - hiện là giám đốc của Tổ chức Quaker ở Hà Nội.
Trong một lần tới thăm vợ chồng nhà văn Thanh Hương, nhà văn Mỹ đã vô cùng ngạc nhiên trước tình yêu của họ qua 500 bức thư. Lady Borton thấy rằng “Đó là lịch sử, lịch sử đích thực, thứ lịch sử mà tôi yêu quý - những câu chuyện thật của con người, đầy ắp những sự việc thường ngày được thuật lại một cách trung thực, không hề có trong văn chương báo chí và văn chương học trò.” Nhiều người cũng có chung nhận xét rằng, đây là những bức thư riêng nhưng lại trở thành “chung” khi nó mang hơi thở của lịch sử của một thế hệ.
Theo Michael Arnold - người biên tập bản dịch “Hồi ức tình yêu” ra tiếng Anh thì: “Vũ Tú Nam và Thanh Hương đã sống qua những thời kỳ quan trọng và thú vị của lịch sử. Vẫn bên nhau và tràn đầy tình yêu sau gần 70 năm trao đổi những lá thư đầu, họ vẫn có rất nhiều điều để dạy các thế hệ mới về bản chất của chiến tranh, sự tranh đấu và tình yêu vĩnh cửu”.
Bây giờ, mỗi ngày, nữ nhà văn Thanh Hương lại lặng lẽ tìm niềm vui trong sự chăm chút cho nhà văn Vũ Tú Nam, trong những cái nắm tay đầy ân cần của bà và trong câu chuyện giữa 2 người về một thời tuổi trẻ đầy gian khó và sôi động…
Thư nhà văn Thanh Hương viết cho chồng vào ngày 27/5/1957: “Muốn nói với N. rất nhiều. Chính những lúc N. ốm này, H. mới thật thấy ít giúp gì được N., quan hệ giữa hai đứa chưa thực là quan hệ vợ chồng. Chỉ chung những ngày vui, những lúc đi chơi, mà chưa chung chịu những ngày đau yếu, những lúc N. cần đến H. nhất. N. có nghĩ gì, có trách gì H. không? H. thấy bứt rứt vì ý nghĩ đó. N. đừng suy nghĩ gì, đừng buồn, H. mong rằng tình yêu của chúng ta, của H. đối với N., hình ảnh của các con có thể là một sức mạnh đối với N. Trong những ngày đau yếu. Hôm qua, đọc nhật ký N., H. lạ là sao hay nghĩ đến những kỷ niệm buồn. Riêng H, H. không nghĩ thế, H nghĩ đến những kỷ niệm tươi đẹp, êm ái giữa chúng ta. H. ân hận vì những lúc đã làm N. giận, bực mình hoặc buồn. H. nhớ những chiều thứ bảy N. đến. Những lúc gần nhau, những lúc chúng ta thỏa thuận với nhau rằng: hai đứa sẽ cùng chết một lần! Những lúc rất trẻ con, mà cũng rất người lớn. Bởi vì tình yêu của chúng ta không những chỉ có âu yếm, yêu đương, giận dỗi, buồn vui, trách móc... Tình yêu của chúng ta còn có những thông hiểu giữa hai người đồng chí, giữa hai người cán bộ, giữa hai người bạn cùng nghề nghiệp”. |
T.V