Vì mẹ mất sớm nên ngay từ nhỏ các anh chị đã sống rất tự lập. Đặc biệt, anh Kỳ là người sống tình cảm, chu đáo nên thường đứng ra gánh vác những việc nặng nhọc trong gia đình để các em được toàn tâm toàn ý cho việc học.
Khi còn thiếu thời, anh Kỳ là một người năng nổ, hoạt bát nên được bầu là cán bộ Đoàn của xã. Sau nhiều năm hoạt động tích cực, anh là một trong số ít người đầu tiên của thanh niên trẻ trong xã Nam Giang được kết nạp Đảng lúc bấy giờ.
Sau chuỗi ngày hoạt động hiệu quả, cùng với tố chất nổi trội của mình, anh được bà con làng xóm tín nhiệm bầu làm Kế toán trưởng của Hợp tác xã Mỹ Phúc (thuộc địa bàn xã Nam Giang ngày nay).
Thời điểm đó, tuổi của anh Kỳ còn trẻ lại đang là cán bộ Hợp tác xã nên chưa có lệnh nhập ngũ. Tuy nhiên, với trái tim tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lòng quyết tâm cống hiến tất cả vì độc lập tự do của đất nước, anh vẫn quyết tâm làm đơn xin tham gia kháng chiến.
Cầm lá thư được anh Kỳ viết vào năm 1966, ông Thanh bùi ngùi: “Tết năm đó bố tôi bị ốm nặng, trong nhà chẳng còn đồng nào để cắt thuốc, cùng với nỗi nhớ con khiến sức khỏe ông ngày càng suy kiệt. Vậy rồi, nhờ nhận được thư con, ông vì mừng mà khỏi ốm”.
“Bà, cha và các em kính mến!
Biết được sức khỏe của gia đình cũng như anh em nội ngoại và bà con hàng xóm đều mạnh khỏe, an tâm, phấn khởi cả con rất lấy làm mừng. Đêm con vội trang thư ghi vài dòng chữ thô sơ gửi về cho gia đình ta.
Lời đầu tiên con xin chân thành chúc bà, cha và các em cũng như anh em nội ngoại, bà con làng xóm trẻ tươi, vui chơi lành mạnh để có nghị lực cao cả hoàn thành tốt công tác sản xuất được tốt góp phần cứu đói tháng 3 trước mắt. Đồng thời góp phần đánh thắng giặc xâm lược…”.
Trong một bức thư cuối cùng gửi cho người anh trai cả, liệt sỹ Trần Hữu Kỳ có viết:
“Anh Thúy kính mến. Tiếp thư anh em không muốn để anh chờ đợi lâu em vội cầm bút biên thư cho anh. Lời đầu thư em xin chân thành chúc anh luôn luôn mạnh khỏe trẻ tươi mãi mãi để phục vụ công tác được tốt em mừng.
Anh kính mến ! Em nhận được thư anh điều mà em phấn khởi nhất là khi em biết được sức khỏe của anh dồi dào mặc dầu công tác vất vả, em được biết anh chuẩn bị đi công tác B - Đi cùng là cái vinh dự, cũng là một điều phải suy nghĩ khi gia đình khó khăn. Bà già, cha yếu, em thơ. Lúc trở trời hơi gió gọi ai cho thấu. Nhưng anh hãy cố làm tròn nhiệm vụ để trở về…”.
Đó cũng là những dòng cuối cùng mà liệt sỹ để lại trước khi hy sinh.
Tiếp lời trong câu chuyện đang dang dở, ông Võ Văn Thiển (sinh năm 1943), người bạn thân thiết gần nhà, lại cùng nhập ngũ cùng ngày, cùng đơn vị chiến đấu với liệt sỹ Trần Hữu Kỳ cho biết: “Tôi cùng ông Kỳ nhập ngũ ngày 10/4/1965, lúc này Kỳ tròn 20 tuổi. Vì là người nhanh nhẹn, lại là đảng viên trẻ nên Kỳ được anh em tin tưởng giao cho chức vụ Tiểu đội phó. Chúng tôi là lính pháo binh thuộc Sư đoàn 367.
Đó là giai đoạn chiến đấu cao điểm, hầu như mỗi ngày chỉ được ngủ khoảng 2, 3 tiếng. Mệt mỏi là thế nhưng mỗi lúc được nghỉ, Kỳ lại kiên nhẫn viết thư về cho gia đình, người thân. Mỗi lúc được đồng đội khuyên nhủ nên nghỉ ngơi thì nó chỉ cười hiền, bảo: Tau sợ không biên thư về cả nhà lại lo lắng. Tội cha, tội bà già rồi mà ngày mô cũng ngóng thư con, thư cháu”.
Sau này, nhờ chiến đấu kiên trường, quả cảm, Kỳ được phong làm Tiểu đội trưởng, rồi Trung đội trưởng - Trung đoàn 270. Trong trận đánh khốc liệt tại sân bay Tà Cơn (Quảng Trị), Kỳ bị trúng bom và vĩnh viễn nằm lại chiến trường vào ngày 17/7/1968. Lúc này Kỳ mới bước sang tuổi 23!”.
Nhận được giấy báo tử của con, ông Trần Hữu Do, bố của liệt sỹ Trần Hữu Kỳ rơi cả bát cơm xuống đất. Ông nín lặng bỏ bữa cơm mà nước mắt lăn dài, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất người ta thấy ông khóc. Kể từ đó, để nguôi nỗi nhớ con, những bức thư của liệt sỹ Trần Hữu Kỳ được ông cất giữ cẩn thận và xem đó là một tài sản quý giá của gia đình mình./.