(Baonghean.vn) – Trên các bản làng của người Mông Nghệ An, đến đâu cũng dễ dàng bắt gặp những biểu tượng “lạ” trong các ngôi nhà. Những biểu tượng ấy là nét truyền thống văn hóa truyền từ đời này sang đời khác trong cộng đồng người Mông nhằm thể hiện sự kiêng kỵ trong gia đình và sự kính trọng đối với đấng sinh thành cũng như thần linh, núi rừng...

images1707849_nh__m_ng_1.jpgNgười Mông ở Nghệ An sinh sống trên các ngọn núi cao với nhiều nét văn hóa phong phú được truyền từ đời này sang đời khác. Trong đó, ngôi nhà ở cũng có nhiều điểm khác biệt so với các dân tộc khác.
Mỗi khi năm mới đến hay làm lễ cúng người Mông thường lấy một loại cây gỗ có tên "Hua xi" làm thành biểu tượng con dao treo trước cửa để ngăn điều xấu vào nhà.
Nhiều gia đình khi cúng còn làm cây cắm trước cửa để cảnh báo người lạ không được tự tiện vào nhà khi gia chủ chưa cho phép.
Nhiều hộ còn dựng biểu tượng này phía ngoài hàng rào để ngăn điều xấu từ xa.
Những bàn thờ của người Mông được phủ đầy loại giấy tự làm từ cây giang non. Theo họ, chỉ có loại giấy này khi cúng mới linh thiêng.
Năm mới đến, loại giấy này được dán khắp nơi trong nhà để cầu sự may mắn.
Ngoài giấy tự làm, người Mông còn có một biểu tượng rất linh thiêng không ai được phép chạm vào, ấy là chiếc "xử ca". Nhà nào cũng có "xử ca" đặt bên bàn thờ có dán 3 nhúm lông gà để nói về vị thần linh thiêng có thể nhìn xuyên 3 cõi theo dõi đời sống người Mông.
Nếu đặt chân tới nhà người Mông, chúng ta có thể thấy 1 chiếc cột nhỏ dựng giữa nhà. Đây là chiếc cột cái linh thiêng của cộng đồng này để thờ tổ tiên, chỉ người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình mới được phép chạm vào.
Ngoài ra, một số dòng họ còn có chiếc cầu thang, đây là biểu tượng báo hiệu con dâu trong nhà không được phép leo lên khu vực gác xép. Có thể nói, với những tập tục, những điều kiêng kỵ trong cuộc sống, sinh hoạt của người Mông đã góp phần tạo nên bản sắc riêng có trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam vốn phong phú, đa dạng về bản sắc.

 Đào Thọ

TIN LIÊN QUAN