(Baonghean) - Nằm trên tuyến biên giới Việt - Lào, xã Mường Típ, huyện Kỳ Sơn là điểm sáng trong công tác bảo vệ đường biên, cột mốc. Giữa trập trùng núi đồi, quân - dân vùng biên ải này đang ngày đêm canh giữ đường biên giới thiêng liêng của Tổ quốc, tô thắm tình hữu nghị giữa hai đất nước Việt - Lào anh em.

images1494291_bna_56fb9cc0f0504.jpgBộ đội Biên phòng Mường Típ (Kỳ Sơn) hỗ trợ áo ấm cho người dân địa phương. Ảnh: Thành Duy.
Từ thị trấn Mường Xén, vật lộn gần 2 giờ đồng hồ trên con đường xóc nảy, chênh vênh giữa một bên là núi, một bên là dòng Nậm Mộ, tôi mới đến mảnh đất vùng biên Mường Típ. Xã có 27 km đường biên giới với nước bạn Lào, trong đó 24 km đường sông, còn lại là đường bộ với 2 cột mốc biên giới 410 và 419. Thử hình dung trên bản đồ, đường biên giới chỉ là một nét vẽ nhỏ, thì những ngôi nhà ở đây nằm gần như tiệm cận với nét vẽ ấy.
 
Từ trụ sở UBND xã Mường Típ, phóng tầm mắt ra xa tầm 50m, bên kia sông đã là cương vực của nước bạn với những rừng cây vàng úa đang mùa thay lá. Địa hình đặc thù và đời sống kinh tế còn bộn bề khó khăn, nhưng công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị là nhiệm vụ thiêng liêng mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nơi đây luôn khắc ghi. 
 
Dẫn tôi đi dọc bờ sông Nậm Mộ, ông Lương Xuân Liệu – Bí thư Chi bộ bản Ta Đo, 1 trong 9 bản của Mường Típ - hóm hỉnh nói: “Việt – Lào là hai nước anh em nên dân bản Ta Đo với bản Na Mương, cụm bản Pha Vén (huyện Noọng Hét, Lào - phóng viên ghi chú) ở bên kia biên giới cũng xem nhau như anh em”.
Đồn Biên phòng Mường Típ (Kỳ Sơn) phối hợp với lực lượng biên phòng Lào tuần tra bảo vệ cột mốc. Ảnh: Thành Duy.
 
Đặc biệt, từ năm 2013, thực hiện chủ trương kết nghĩa bản – bản, tình hữu nghị giữa hai bên càng thêm sâu đậm. Cuộc sống dân cư hai bản còn nghèo, có thể chưa giúp đỡ nhau được nhiều về vật chất nhưng tinh thần thì luôn hữu hảo. Hễ vào dịp lễ, Tết, hai bên đều mời nhau cùng dự.
 
Thường ngày, bạn sang ta – ta sang bạn thăm thân, mua sắm, trao đổi thông tin đều được lực lượng chức năng hai nước tạo điều kiện thuận lợi. 
 
“Được bộ đội biên phòng và chính quyền xã tuyên truyền, dân bản ta đều hiểu rằng, công tác bảo vệ cột mốc, chấp hành pháp luật và xây dựng đường biên hữu nghị là nhiệm vụ của mỗi người dân nên dân bản ta đều chấp hành tốt” - Bí thư Chi bộ bản Ta Đo, (Mường Típ) Lương Xuân Liệu chia sẻ.
 
Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, công an cũng luôn được quan tâm củng cố, nâng cao chất lượng. Mỗi tháng một lần, lực lượng công an, quân sự, dân quân xã cùng phối hợp với bộ đội biên phòng đồn Mường Típ thực hiện tuần tra biên giới, cột mốc. Địa hình chia cắt lại phải di chuyển cả đường sông và đường bộ nên gặp nhiều khó khăn, nhưng các lực lượng địa phương đều hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Đồng chí Moong Phò Túc – Bí thư Đảng ủy xã Mường Típ cho biết: “Công tác bảo vệ an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo, tạo nền tảng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”. Bên cạnh đó, xã Mường Típ còn đẩy mạnh trao đổi thông tin song phương với cụm bản Pha Vén và cụm Thăm Thao, huyện Noọng Hét, Lào là những địa phương tiếp giáp đường biên với Mường Típ. Đặc biệt với cụm Thăm Thao, xã đã tổ chức kết nghĩa và có những hoạt động giao lưu giúp đỡ thiết thực như giống ngô, màn chống muỗi… cho nhân dân phía bạn.
Bộ đội biên phòng cùng nhân dân vùng biên tuần tra bảo vệ chủ quyền trên sông Nậm Mộ. Ảnh: Nhật Lệ.
Mặt khác, đứng chân trên địa bàn vùng biên, trên tinh thần “quân với dân như cá với nước”, bên cạnh công tác phối hợp với địa phương và lực lượng chức năng nước bạn để tuần tra đường biên, cột mốc đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới, cán bộ, chiến sỹ đồn biên phòng Mường Típ còn có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa giúp củng cố hệ thống chính trị và xóa đói, giảm nghèo ở địa phương, giúp đỡ nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian qua, đồn đã giúp nhân dân xây dựng mô hình trồng chanh leo và chăn nuôi bò, lợn, dê để phát triển kinh tế.
 
Thượng tá Trần Văn Tài – Chính trị viên đồn Biên phòng Mường Típ cho biết: “Giữa đơn vị và đảng ủy, chính quyền địa phương rất gắn bó, đoàn kết; nhân dân ủng hộ với tinh thần, trách nhiệm cao trong các hoạt động. Vì vậy, đường biên giới đoạn qua xã Mường Típ thực sự ổn định, hữu nghị, cột mốc chủ quyền được bảo vệ an toàn”.
 
Vượt qua bao thác ghềnh, dòng Nậm Mộ vẫn miệt mài chảy mãi như minh chứng cho tình cảm quân dân gắn bó trên vùng biên ải Mường Típ, tình hữu nghị son sắt Việt – Lào. Đường biên ấy, cột mốc ấy được giữ vững là từ những “cột mốc” của tình quân – dân như thế.
 
Nhật Lệ