(Baonghean)- Ngày cuối tháng Giêng, tôi đến chơi nhà của một đồng nghiệp - thầy giáo Nguyễn Văn An ở thôn Tâm Hạ, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Trong hương vị đậm đà của ấm nước chè vùng gò đồi, thầy An cùng gia đình kể cho tôi nghe câu chuyện hết sức cảm động có liên quan đến người chị gái của thầy và liệt sỹ người Nghệ An tên là Nguyễn Văn Thân.
Kỷ vật thời chiến
Theo tài liệu lịch sử của địa phương, từ năm 1967 - 1969, xã Thái Thủy tiếp nhận hàng trăm cán bộ, chiến sỹ vào hoạt động ở đây, đồng thời đã làm nhiệm vụ trạm trung chuyển và nơi nghỉ lại cho nhiều cán bộ cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Gia đình của bà Hoàng Thị Nại và ông Nguyễn Văn Tiều - thân sinh của ông Nguyễn Văn An, đón bộ đội về ở cùng.
Tình quân dân cá nước trong thời kỳ này đã được nhiều người lính may mắn còn trở về sau chiến tranh kể lại hết sức cảm động. Nó trở thành những kỷ niệm không bao giờ phai nhạt, theo họ suốt cả cuộc đời. Về phía những người ở lại, tức những người dân như bà Hoàng Thị Nại, tình cảm đó, kỷ niệm đó vẫn còn đậm sâu trong tâm trí, dù năm nay bà đã gần bước sang tuổi 90.
Bà kể, hồi đó, bộ đội về ở trong làng rất đông. Nhà ông bà cũng có đến 12 người. Trong số đó, có một chiến sỹ tên là Nguyễn Văn Thân, quê ở Nghệ An, mà theo như trí nhớ của bà thì: “Dáng người dong dỏng không cao nhưng đẹp trai lắm và hình như là một bác sỹ quân y, cấp bậc Thượng hay Đại úy gì đó”.
Sở dĩ bà Nại và gia đình nhớ mãi vị bác sỹ quân y này là vì người này gắn một kỷ niệm sâu sắc, liên quan trực tiếp đến người con gái của bà Hoàng Thị Nại, chị Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1955. Bà Nại kể: “Hễ chú Thân đi mô, cháu Thủy nhà tui cũng bám theo sau. Hắn được chú Thân và các chú cưng chiều nên dạy cho hát, múa và cả học chữ nữa. Hắn mà hát thì ai cũng khen, vui lắm!”.
Cũng nhờ có bộ đội về làng, phong trào văn hóa, văn nghệ của thôn Tâm Duyệt Hạ lúc bấy giờ “có tiếng” trong xã, trong huyện. Chị Nguyễn Thị Thu Thủy là thành viên trong đội thiếu niên “Đàn chim Việt” của Liên đội La Văn Cầu, với phong trào hát phục vụ thương binh, bộ đội.
Sau đó, các đơn vị bộ đội dần dần tiến quân vào chiến trường B. Giờ phút chia tay, tình cảm của nhân dân với bộ đội lưu luyến. Ai cũng hẹn khi đất nước sạch bóng quân thù sẽ về thăm quê hương, làng xóm, thăm gia đình và người thân quen đã từng chia ngọt sẻ bùi. “Riêng chú Thân, chú đã “giao ước” với ông nhà tui rằng, giải phóng sẽ cưới con bé Thủy cho thằng con của chú ấy, tên là Hà Nam hay Nam Hà gì đó ở ngoài quê”.
Một ngày cuối tháng 6/1967, tai họa giáng xuống gia đình của bà Hoàng Thị Nại và nhiều gia đình khác trong làng, đó là máy bay Mỹ ném bom dữ dội xuống quê hương Thái Thủy, làm cháy hàng trăm ngôi nhà và cướp đi sinh mạng của hàng trăm người. Nhà bà Nại cũng trúng bom, Thủy cùng với 2 người em bị thương. Sau đó vài hôm, Thủy qua đời do mất quá nhiều máu và vết thương nhiễm trùng, đó là ngày 3/7/1967.
Một thời gian sau, tin Thủy mất đến với anh Nguyễn Văn Thân, lúc này đang chiến đấu ở mặt trận B5. Một ngày cuối tháng 6/1968, anh Nguyễn Văn Thân từ chiến trường ra thăm gia đình bà Hoàng Thị Nại. Đứng trước ngôi mộ nghi ngút khói hương, anh Thân xúc động, nghẹn ngào. Trong thời gian còn ở chiến trường, anh đã làm một tấm gương có lồng hình hai bông hoa tươi thắm kèm theo một lá thư viết cho người cháu yêu quý của mình, trong đó có đoạn: “Đế quốc Mỹ đã cướp đi của chú đứa cháu vô cùng thân yêu! Chú quyết tâm trả thù cho cháu! Trong lòng chú, trái tim chú mãi mãi ghi sâu hình ảnh thân yêu của cháu!”.
Nhớ về đứa con gái xấu số, thương người chiến sỹ mà bà coi như em ruột chưa trọn lời “giao ước” đã vội hy sinh, bà Nại chỉ biết cất giữ những kỷ vật của chú Thân tặng cho con gái mình như một báu vật. Mãi cho tới ngày hôm nay, lần theo những thông tin có được từ những người đồng chí của liệt sỹ Thân cùng với sự giúp đỡ của nhiều người, chúng tôi mới tìm lại được quê quán, gia đình của liệt sỹ Nguyễn Văn Thân và biết thêm nhiều điều hết sức quý giá.
Nhấp ngụm chè xanh còn nóng ấm, bà Hoàng Thị Nại tiếp câu chuyện: “Khoảng năm 1972, 1973 chi đó, có người trong đơn vị của chú Thân ra, đi ngang nhà và báo với gia đình là chú ấy đã hy sinh. Gia đình, xóm làng, ai cũng tiếc thương chú ấy! Cả làng ai cũng quý chú ấy bởi chú rất giỏi và lại quan tâm đến mọi người. Ai đau ốm, chú ấy đều khám, chữa tận tình, chăm sóc như người trong gia đình mình vậy!”.
Câu chuyện cảm động
Trăn trở mãi với câu chuyện cảm động trên, tôi và thầy Nguyễn Văn An quyết định đi tìm thông tin của liệt sỹ Nguyễn Văn Thân. Chúng tôi đã hỏi nhiều nơi, đến nhiều nghĩa trang ở Quảng Trị nhưng vẫn không có thông tin gì về người cần tìm. Giữa lúc tưởng chừng như tuyệt vọng thì chúng tôi may mắn có được điện thoại của cựu chiến binh Thiều Quang Tường, hiện ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp, nguyên Chủ nhiệm Hóa học của Trung đoàn 3 (còn gọi là Trung đoàn Cửu Long), bạn thân với Liệt sỹ Nguyễn Văn Thân - lúc đó là Chủ nhiệm Quân y của Trung đoàn.
Ông Thiều Quang Tường cho biết, liệt sỹ Nguyễn Văn Thân quê ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Đơn vị công tác khi hy sinh là E3, F324, Quân khu IV, mặt trận B5. Trước thông tin khá đầy đủ này, chúng tôi tìm cách liên lạc với UBND xã Diễn Bích. Thật may mắn gặp được ngay anh Nguyễn Văn Liên, là con trai út của liệt sỹ Nguyễn Văn Thân - Hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã.
Những thông tin mà bà Hoàng Thị Nại và gia đình cung cấp, chúng tôi đều kiểm chứng lại qua anh Nguyễn Văn Liên. Liệt sỹ Nguyễn Văn Thân là Đại úy - Bác sỹ Quân y thuộc đơn vị E3, F324, Quân khu IV, mặt trận B5. Ông sinh năm 1932 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Thân sinh của ông là cụ Nguyễn Văn Nhân, sinh năm 1909, đảng viên thời 1930 - 1931, là thành viên đồng sáng lập nên chi bộ đầu tiên của xã Diễn Bích - Diễn Châu.
Anh Nguyễn Văn Liên cho biết, liệt sỹ Nguyễn Văn Thân (bố của anh) tham gia cách mạng từ rất sớm. Năm 1948, khi mới 16 tuổi đã vào thiếu sinh quân và đến năm 1950 nhập ngũ, từng tham gia chiến đấu và làm Trung đội trưởng ở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Khoảng từ 1958 - 1962, ông được đi học Đại học Y và trở thành bác sỹ Quân y, tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho đến lúc hy sinh.
Thời điểm ở trong nhà bà Hoàng Thị Nại, liệt sỹ Nguyễn Văn Thân đã có vợ là bà Nguyễn Thị Thu, sinh 1939 và hai con một gái, một trai Nguyễn Thị Bích Hằng và Nguyễn Văn Nam. Vào các năm 1970 và 1972, bà Nguyễn Thị Thu sinh thêm cho ông 2 đứa con trai nữa là anh Nguyễn Văn Bắc và Nguyễn Văn Liên. Riêng anh Liên chào đời sau khi bố mất đúng 7 ngày. Không lâu sau khi chồng hy sinh, năm 1974, bà Nguyễn Thị Thu cũng qua đời vì ốm nặng, để lại 4 đứa con cho ông bà nội nuôi dưỡng trong sự đùm bọc của bà con chòm xóm, sự quan tâm các cấp chính quyền, đoàn thể.
Tìm tư liệu và bắt tay vào viết bài này, là thể theo ước nguyện cuối đời của bà Hoàng Thị Nại cùng gia đình đó là tìm thông tin về Liệt sỹ Nguyễn Văn Thân để trao lại kỷ vật mà gia đình bà đang lưu giữ bấy lâu cho gia đình. Đó là nhân chứng hùng hồn đầy cảm động về tình cảm quân dân trong những năm kháng chiến gian khổ mà hào hùng, mất mát mà vinh quang của dân tộc.
Đỗ Đức Thuần
(Trường THCS Dương Thủy - Lệ Thủy - Quảng Bình)