(Baonghean) - Văn bia Ma nhai - “Áng hùng văn trên núi đá” thuộc xã Chi Khê, huyện Con Cuông đã được Bộ VHTT&DL công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên đến nay, công tác bảo tồn di tích vẫn có những hạn chế và bất cập.
Từ những vấn đề lịch sử
Sử ghi, Ma Nhai kỷ công bi văn là tấm văn bia của Hoàng giáp Nguyễn Trung Ngạn phụng mệnh Thượng hoàng Trần Minh Tông soạn và khắc lên núi đá để kỷ niệm chiến thắng quân Ai Lao năm Ất Hợi (1335), niên hiệu Khai Hựu thứ 7 tại chân núi Thành Nam thuộc địa phận xã Chi Khê, huyện Con Cuông. Đây được đánh giá là một trong những tấm văn bia độc đáo bậc nhất cả nước về nhiều phương diện, đặc biệt là về mặt lịch sử khi nhiều nghiên cứu đã chỉ ra đây là văn bia Ma Nhai cổ nhất tại Việt Nam tính đến thời điểm này.
Từ tháng 7/2011, di tích Văn bia Ma Nhai được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia và được Sở VHTT&DL Nghệ An cũng như UBND huyện Con Cuông đầu tư gìn giữ và bảo tồn, nhằm phát huy các giá trị lịch sử và văn hóa mà văn bia mang theo. Nằm cách Quốc lộ 7A khoảng 120m, so với trước khi được phát hiện, di tích Ma Nhai kỷ công bi văn nay đã khang trang hơn, đường vào văn bia cũng đã thông thoáng. Trên đoạn Quốc lộ 7A, chỗ đi qua di tích Ma Nhai kỷ công bi văn, UBND huyện Con Cuông đã dựng một biển giới thiệu và chỉ dẫn đường đi vào di tích. Tuy nhiên, trên tấm biển chỉ dẫn chỉ đề dòng chữ “Bia Ma Nhai - Di tích lịch sử cấp quốc gia....”. Điều đáng bàn ở đây là tên gọi của “Ma Nhai kỷ công bi văn” đã được rút gọn chỉ còn “Bia Ma Nhai”?
Văn bia Ma Nhai – Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Trao đổi với ông Đào Tam Tỉnh, Giám đốc Thư viện tỉnh, ông nói: “Văn bia Ma Nhai đã được rất nhiều sử sách ghi lại. Cuốn sách “Tìm hiểu kho sách Hán Nôm” (Nxb Khoa học xã hội, 2003) đã ghi rất rõ, văn bia này vốn không có đầu đề nhưng nó được người đời sau đặt tên là Ma Nhai kỷ công bi văn. Và từ trước đến nay, trong các tài liệu nghiên cứu liên quan đều gọi tên di tích này là Ma Nhai kỷ công bi văn. Như vậy, ở tấm bảng giới thiệu chỉ đề “Bia Ma Nhai” là chưa đầy đủ. Ông Đào Tam Tỉnh cũng đã đưa ra một số lập luận khác là tên gọi “Bia Ma Nhai” chỉ là tên gọi chung cho một loại bia được mài trên núi đá (ma: mài; nhai: núi); ở nước ta cũng có rất nhiều bia ma nhai khác nhau ở các tỉnh thành, vì thế, Bia Ma Nhai không thể là tên gọi chỉ một địa danh cụ thể như Ma Nhai kỷ công bi văn được!
Ngoài vấn đề về tên gọi thì ở phần dẫn tích về Ma Nhai kỷ công bi văn được đặt ngay tại di tích cũng có một số sai sót về mặt lịch sử. Ở câu đầu tiên trong phần dẫn tích viết: “Bia Ma Nhai được Nguyễn Trung Ngạn đục đá núi ghi công vào tháng 12 năm Ất Dậu 1335 tại núi Thành Nam...”, trong khi rất nhiều nghiên cứu lịch sử về Ma Nhai kỷ công bi văn đều chỉ ra rằng văn bia này được viết vào năm Ất Hợi (1335) chứ không phải là năm Ất Dậu như trong phần dẫn tích đã viết.
Đến những khó khăn trong công tác bảo tồn
Ngay tại di tích Ma Nhai kỷ công bi văn, chúng tôi chứng kiến không ít những bất cập trong công tác bảo tồn di tích. Đầu tiên là việc di tích vẫn chưa có một quy hoạch cụ thể về diện tích cũng như quy mô, vì thế đã xảy ra tình trạng vật nuôi của dân xung quanh thả rông đi vào khu di tích làm mất mỹ quan và có nguy cơ di tích bị tàn phá. Tại khu di tích cũng không thấy người làm nhiệm vụ bảo vệ!?
Tiếp đến là tình trạng những người dân thắp hương, thờ cúng ở khu di tích. Theo anh Võ Xuân Khánh, ở xã Chi Khê thì từ ngày được chứng nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, một số người dân địa phương và các vùng lân cận thường xuyên đến thắp hương và thờ cúng, hầu như ngày nào hương khói cũng nghi ngút tại khu di tích. Việc thắp hương của người dân cũng dễ dẫn đến tình trạng cháy rừng bởi di tích nằm ngay dưới chân núi Thành Nam.
Những vật nuôi của người dân địa phương “xâm chiếm” khu di tích.
Ông Nguyễn Huy Chương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Con Cuông, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý di tích cho biết: “UBND huyện cũng đã nhận được một số phản ánh của người dân cũng như du khách về những bất cập thời gian qua tại khu di tích Ma Nhai kỷ công bi văn. Những sai sót và nhầm lẫn trong tên gọi cũng như các mốc thời gian thì chúng tôi xin tiếp thu và sẽ khắc phục trong thời gian tới. Ngày 4/3 vừa qua, phòng VHTT đã làm tờ trình gửi UBND huyện Con Cuông về việc xin chủ trương lập quy hoạch, xây dựng Di tích lịch sử Ma Nhai kỷ công bi văn” . Cũng theo ông Chương, trước mắt phòng VHTT huyện sẽ triển khai những việc làm cụ thể như đề xuất nhân sự quản lý, thành lập đội bảo vệ di tích và sau khi xin được chủ trương quy hoạch, xây dựng và tôn tạo di tich, phòng VHTT sẽ phối hợp với các phòng ban chức năng đầu tư xây hệ thống bờ rào, nhà bảo vệ, nhà đón du khách và đưa hệ thống điện nước vào khu di tích...
Đề nghị UBND huyện Con Cuông và các cấp quản lý liên quan sẽ sớm có biện pháp để hạn chế những bất cập, nhằm trả lại cho di tích Ma nhai kỷ công bi văn những giá trị vốn có và trở thành một điểm đến hấp dẫn du khách.