(Baonghean) -Chiều thành Vinh, nắng vàng nhẹ len vào từng góc phố. Một đôi vợ chồng phương Tây vào tuổi thất thập chậm rãi thả bộ qua các tuyến phố xung quanh những dãy nhà chung cư cao tầng Quang Trung. Chốc chốc, cụ ông dừng lại, khuôn mặt trầm mặc ngắm nhìn những khối nhà cũ kỹ, ố màu thời gian. Mấy ai biết được, ông là một trong những người đầu tiên bắt tay xây dựng lại Thành phố Đỏ từ gạch vụn cách đây non gần 40 năm...
Người đàn ông đó là Michael Grapentin - 1 trong 25 chuyên gia đầu tiên của CHDC Đức (cũ) sang giúp xây dựng lại Thành phố Vinh theo “Hiệp định tái thiết Thành phố Vinh sau chiến tranh” được Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Thủ tướng CHDC Đức ký kết tại Berlin ngày 22/10/1973. Sau gần nửa thế kỷ, ông cùng vợ - bà Karin Grapentin âm thầm thực hiện hành trình từ Berlin xa xôi tìm lại TP. Vinh. Hành trang của họ là những bức ảnh đen trắng được ông chụp lại trong khoảng thời gian sang làm chuyên gia ở Việt Nam, năm 1974. Đó là hình ảnh những tòa chung cư kiêu hãnh vươn lên trời cao, xung quanh vẫn còn chi chít hố bom. Bức hình chụp đội chuyên gia của ông và các bạn Việt Nam trong đội phiên dịch tiếng Đức, trong đó có ông Ngô Văn Yên - Tổ trưởng Tổ phiên dịch, người có vốn tiếng Đức lưu loát của mình đã nhiệt tình giúp chúng tôi trao đổi cùng ông bà Grapentin. “Đã từ lâu, tôi muốn quay lại TP. Vinh để chứng kiến sự đổi mới, thay đổi của các bạn. Tôi còn muốn tìm lại những người bạn Việt Nam đã từng trợ giúp cho chúng tôi hoàn thành công tác mà Đảng và Nhà nước CHDC Đức giao phó”, ông Michael chia sẻ.
Ông Grapentin Michael (bên phải) giới thiệu với phóng viên
Báo Nghệ An những tư liệu về TP. Vinh.
Quay lại những năm 60, 70 của thế kỷ trước, TP. Vinh bị hàng trăm máy bay phản lực của Hoa Kỳ đánh phá dữ dội. Suốt 8 năm (1964 -1972), TP. Vinh ngập chìm dưới bom đạn. Trong gần 3000 ngày đêm, 2.700 lượt máy bay trút xuống thành phố 225.500 tấn bom đạn, bình quân mỗi km2 phải hứng chịu 424 tấn chất nổ. Hầu hết các công trình kinh tế, xã hội, hạ tầng đô thị xây dựng trong suốt 10 năm trước đó đã bị phá hoại hoàn toàn. Đầu năm 1973, Hiệp định Paris được các bên ký kết, Hoa Kỳ chấp nhận rút quân, chấm dứt can thiệp vào Việt Nam. Đây cũng là thời gian, TP Vinh bắt đầu công cuộc tái thiết với sự giúp đỡ chí tình của CHDC Đức. Công cuộc xây dựng này cũng đã mở ra trang sử mới về tình hữu nghị Việt - Đức. Michael Grapentin đến Vinh đúng vào những ngày đầu tiên đó và đã được chứng kiến tất cả sự khốc liệt mà chiến tranh gây nên với đất và người Nghệ An. “Cả thành phố là một đống gạch vụn. Nhà cửa, xí nghiệp, trường học đã bị bom san phẳng thành bình địa. Vậy mà, nhân dân hết sức lạc quan, vui tươi. Tôi cảm nhận được ở họ tinh thần bất khuất, không chịu khuất phục trước sức mạnh của bom đạn, luôn cố gắng xây dựng, tái thiết lại thành phố. Đặc biệt, nhân dân TP. Vinh rất yêu quý anh em cán bộ chuyện gia”, ông Michael chia sẻ ấn tượng của mình cách đây gần 40 năm.
Cùng chúng tôi, ông đã đi thăm lại TP. Vinh trong cảm xúc bồi hồi khó tả. Vẫn còn đó, cảnh cũ người xưa đã từng gắn bó với ông. Đó là những khu chung cư cao tầng Quang Trung - từng là niềm tự hào của nhân dân thành phố với 2.480 căn hộ trên tổng diện tích ở 65.800m2, tạo chỗ ở cho 15.600 người sau khi sơ tán quay trở về, cùng hàng chục nhà máy, các cơ sở đào tạo nghề xây dựng, các công trình phúc lợi xã hội… Bất ngờ hơn nữa, ông còn nhớ như in vị trí xưa là Khách sạn Giao tế 2 (nay là Tỉnh ủy), nơi trước kia là chỗ ở của hàng trăm chuyên gia Đức trong thời gian từ 1973 đến 1980. Trải qua bao biến thiên thời cuộc nhưng tình cảm của Michael vẫn vẹn nguyên. Bởi như ông nói: “Lúc nhận nhiệm vụ sang Việt Nam, biết trước cuộc sống của đất nước các bạn còn khó khăn, chiến tranh vẫn chưa kết thúc nhưng tôi xác định đến là để giúp đỡ các bạn chứ không phải hưởng thụ. Thời kỳ đó ở Đông Đức, phòng trào quyên góp, ủng hộ nhân dân Việt Nam diễn ra rất sôi nổi vì cuộc chiến đấu thống nhất đất nước của các bạn là chính nghĩa. Việt Nam ở trong trái tim chúng tôi. Hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã truyền cảm hứng cho chúng tôi để sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, vất vả nhất”.
Chúng tôi được chứng kiến cuộc hội ngộ cảm động của ông Michael và những người bạn từng là phiên dịch viên cho Đoàn chuyên gia Đức. Hội ngộ, rồi chia ly khi mái đầu còn xanh và giờ gặp lại người nào người nấy cũng là lên chức ông, chức cụ, người còn sống, người đã mất. Câu chuyện tái ngộ của ông Michael cũng xem như là cái duyên của ông với đất và người Nghệ An. Hôm đầu tiên đến Vinh, ông có đưa bức ảnh chụp chung cùng những người bạn Việt Nam cho nhân viên khách sạn Sài Gòn - Kim Liên xem và hỏi về họ. 40 năm qua, hy vọng gặp lại là rất nhỏ. May mắn thay, có một kiến trúc sư cũng ở khách sạn vào thời điểm đó nhận ra những người trong bức ảnh. Vậy là sợi dây kết giao bạn bè chia cách lập tức được kết nối. Gặp lại bạn cũ, sau những cái ôm, bàn tay siết chặt thắm thiết, ánh mắt Michael đỏ hoe, ngấn lệ. Michael bồi hồi nhớ và đọc được hết tên tiếng Việt của từng người. “Anh em phiên dịch đã rất gần gũi, sống rất chân thành với chúng tôi”, Michael chia sẻ.
Nói, ông bà Grapentin có cơ duyên với đất và người Nghệ An cũng chẳng sai? Bởi trong cuộc hội ngộ với bạn cũ, bất ngờ ông được gặp đồng chí Chủ tịch tỉnh Hồ Đức Phớc được Chủ tịch UBND tỉnh tạo điều kiện hơn để ông bà gặp lại nhiều người bạn cũ, và được chứng kiến sự trăn trở của lãnh đạo tỉnh về yêu cầu xây dựng thành phố hiện đại, văn minh. Chủ tịch UBND tỉnh rất đồng tình với quan điểm của ông Michael về việc xây dựng thành phố hiện đại, văn minh, phát triển bền vững phải dựa trên lối sống, không gian văn hoá. Nghe câu chuyện của ông Michael, tận mục những kỷ vật quý giá, đồng chí Hồ Đức Phớc rất trân trọng tình cảm, sự đóng góp mà ông bà dành cho Nghệ An, cho TP. Vinh. Những tấm ảnh về TP. Vinh năm 1974 được đồng chí Chủ tịch tỉnh đích thân mượn và sao lại thành nhiều bản sau đó tặng cho lãnh đạo TP. Vinh, những thành viên trong đoàn phiên dịch viên ngay trong bữa cơm thân mật sau đó. Chia sẻ cùng chúng tôi, ông Michael không dấu được xúc động, ấn tượng sâu sắc về tình cảm hiếu khách, trọn nghĩa vẹn tình của người dân và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An. Đặc biệt ông rất cảm động trước sự cầu thị, trăn trở của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An. Ông tin tưởng rằng TP. Vinh với sự trăn trở, năng động, trách nhiệm cao của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
Cuộc hội ngộ với đất và người Nghệ An sau 40 năm của ông Michael có lẽ quá ngắn ngủi và để lại nhiều luyến tiếc bởi ông bà đã đặt sẵn kế hoạch cho hành trình xuyên Việt theo tuyến đường sắt Bắc Nam thăm quan cố đô Huế, đô thị cổ Hội An, TP. Hồ Chí Minh trước khi vượt hàng ngàn cây số quay trở về thành phố quê hương Berlin. Tạm biệt chúng tôi, ông nhắn nhủ rằng, nếu có cơ hội, ông sẽ còn trở lại TP. Vinh. Hy vọng lúc đó thành phố vẫn sẽ giữ được nhịp độ phát triển mạnh mẽ. Không gian quy hoạch, kiến trúc đô thị hiện đại sẽ gắn liền với không gian văn hóa Việt và đậm nét xứ Nghệ, để mỗi du khách khi đến TP. Vinh, Nghệ An cảm nhận toàn vẹn nhất đặc trưng xứ Nghệ địa linh, nhân kiệt.