Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi và Muôi đúc tượng voi đều được phát hiện qua các đợt khảo cổ học công phu và lưu giữ, bảo quản ở Bảo tàng Nghệ An hàng chục năm nay.
Chị Hoàng Thị Minh - Trưởng phòng Kiểm kê, bảo quản đích thân dẫn chúng tôi vào kho cất giữ bảo vật. Trước khi di chuyển bảo vật đầu tiên - Hộp xá lị Tháp Nhạn, chị Minh nghiêm cẩn thắp nén hương thơm, khấn nôm về mục đích của chuyến viếng thăm. Trong gian phòng kho chỉ rộng khoảng 20m2, khói hương vấn vít, chị Minh thận trọng đưa Hộp đựng xá lị ra khỏi nơi lưu giữ. Hộp chứa đựng một phần tinh cốt của Đức Phật sau khi thiêu xong để lại cho hậu thế, được tìm thấy trong đợt khai quật di chỉ Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn, do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh khai quật năm 1985 - 1986. Hộ chiếu hiện vật ghi rõ: hộp dài 7,3 cm, rộng 4,5 cm, cao 6 cm, làm bằng chất liệu đồng và vàng. Theo quan sát, hộp đựng xá lị có hình chữ nhật, được chia làm 2 phần: nắp hộp và thân hộp. Nắp hộp có 4 rìa cạnh hơi lõm xuống, nom tựa rìa mái nhà, trên đỉnh nắp có băng trang trí hoa văn hoa cúc tròn 6 cánh nhỏ. Thân hộp có các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao, xung quanh được trang trí hoa sen cách điệu. Ghi chép của các nhà khảo cổ học cho thấy, hộp đựng xá lị được chôn trong một thân cây rỗng lòng, với cách thức chôn đứng. Phía trong lòng cây gỗ là than tro lẫn đất. Do vậy, thời điểm tìm thấy hộp đựng xá lị, mở ra bên trong lòng hộp có khoảng 1/3 là than tro, trên bề mặt lớp than tro này có hai nửa hình tròn màu trắng đục, trong và mỏng như vỏ trứng gà, đó chính là xá lị. Nhiều nghiên cứu phân tích, theo sách “Pháp uyển châu lâm” do pháp sư Đạo Thế tự Huyền Uẩn soạn vào đời Đường (Trung Quốc), xá lị chia thành các loại: xá lị xương có màu trắng, xá lị thịt có màu đỏ, xá lị tóc có màu đen. Nếu theo cách phân biệt này thì hai viên xá lị trong Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn thuộc loại xá lị xương.
Ngoài Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, 2 bảo vật còn lại cũng đều là hiện vật gốc độc bản. Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi có chiều dài 12,3 cm, rộng 3,5 cm, thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn) trong đợt khai quật lần I năm 1973. Đây là chiếc dao găm duy nhất có cán hình tượng rắn ngậm chân voi, được khai quật từ trong lòng đất thuộc thời kỳ văn hóa Đông Sơn, cách nay 2.000 - 2.500 năm. Dao găm gồm 2 phần: lưỡi và chuôi. Phần lưỡi dao mỏng, gần giống hình tam giác, mũi dao nhọn, hai đầu chắn tay cán dao có hình râu bướm; phần chuôi dao có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau, một con có mào và một con không có mào, hai con rắn há miệng đỡ lấy cặp chân trước, sau của một con voi. Theo đánh giá của một số chuyên gia khảo cổ học, dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi không chỉ là vũ khí của cư dân Việt cổ, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo trong sưu tập vũ khí bằng đồng, phản ánh kỹ thuật đúc đồng điêu luyện và nghệ thuật tạo tượng trên đồ vật đạt đến đỉnh cao, khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng thế giới. Đặc biệt, chiếc dao găm này có nhiều khả năng mang ý nghĩa tâm linh tôn giáo, có chức năng lễ nghi hơn là thực dụng, phần nào phản ánh tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng phồn thực của cư dân Việt cổ.
Tương tự, bảo vật Muôi đúc tượng voi thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc trong đợt khai quật lần thứ II năm 1981. Đến nay, ở nước ta chưa phát hiện nơi nào có chiếc muôi gắn tượng voi đẹp, độc đáo như muôi Làng Vạc này. Bằng trí tưởng tượng phong phú, người thợ Đông Sơn đã tạo ra khối tượng voi có ý nghĩa tô điểm cho muôi, biến một đồ dùng sinh hoạt bình thường trong đời sống trở nên đẹp mắt, có giá trị như một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Tượng voi trên cán muôi có đủ 4 chân, đuôi, vòi, trên thân voi có hoa văn; riêng phần vòi, lưng, đuôi được đúc nhập lại thành đường cong lượn mềm mại. Muôi đồng gắn tượng voi giúp chúng ta hiểu hơn về trình độ đúc đồng, tạo tượng của cư dân Làng Vạc xưa đã phát triển tới đỉnh cao; qua đó cho thấy cuộc sống phong phú của người Nghệ An trong thời đại các Vua Hùng.