(Baonghean.vn) - 3 bảo vật Quốc gia ở Nghệ An là Hộp đựng xá lị Tháp Nhạn, Dao găm chuôi hình rắn ngậm chân voi, Muôi có cán hình tượng voi có giá trị to lớn về mặt lịch sử - văn hoá. Đây đều là những hiện vật gốc độc bản, hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An.
» Nghệ An: 3 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia
Hộp xá lị Tháp Nhạn thu được trong đợt khai quật di chỉ Tháp Nhạn ở xã Hồng Long, huyện Nam Đàn do Viện Khảo cổ học kết hợp với Bảo tàng Nghệ Tĩnh khai quật năm 1985 - 1986. Báo cáo khai quật ghi rõ: "Có lẽ đây là lần đầu tiên tìm thấy ở Việt Nam một dạng hộp như vậy. Hộp bằng vàng ròng được người thợ kim hoàn chế tạo từ phương pháp tán dập nguội, kiểu hộp này rất gần gũi với hộp đựng xá lị bằng sơn mài tìm thấy ở Miến Điện, có niên đại khoảng thế kỷ 8 - 9 sau Công nguyên". Ảnh: Phước Anh Hộp đựng xá lị được chia làm 2 phần: nắp hộp và thân hộp. Nắp hộp hình chữ nhật, ở bốn rìa cạnh của nắp hơi hõm xuống, nhìn tựa như rìa mái nhà, trên đỉnh nắp có băng trang trí hoa văn hoa cúc tròn có 6 cánh nhỏ. Ảnh: Phước Anh Phần thân hộp hình chữ nhật, ở các mép cạnh được gò với kỹ thuật cao. Xung quanh thân hộp trang trí bằng dải băng hoa văn hoa sen cách điệu. Ảnh: Phước Anh Xá lị là một khái niệm của Phật giáo để chỉ một phần tinh cốt còn lại của Đức Phật sau khi thiêu xong lưu truyền cho hậu thế. Việc phát hiện hộp đựng xá lị - bảo vật Quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hoá và nghệ thuật, giúp các nhà khoa học có thêm cứ liệu để nghiên cứu cách thức mai táng hoàn chỉnh của Phật giáo ở Việt Nam. Ảnh: Phước Anh Bảo vật Quốc gia thứ 2 đang được lưu giữ tại Bảo tàng Nghệ An là Dao găm cán tượng rắn ngậm chân voi. Bảo vật có chiều dài 12,3cm, chiều rộng 3,5cm, thu được tại di chỉ khảo cổ học Làng Vạc (thị xã Thái Hoà) trong đợt khai quật lần thứ I, năm 1973. Ảnh: Phước Anh Đây là hiện vật gốc độc bản, là chiếc dao găm duy nhất có cán tượng rắn ngậm chân voi, được khai quật từ trong lòng đất thuộc thời kỳ văn hoá Đông Sơn. Theo đánh giá của các chuyên gia nghiên cứu, đây không chỉ là vũ khí của người Việt cổ mà còn là tác phẩm nghệ thuật độc đáo, khẳng định Việt Nam là một trong những cái nôi của nền văn hoá Đông Sơn nổi tiếng thế giới. Ảnh: Phước Anh Cận cảnh phần chuôi dao. Chuôi dao có hình hai con rắn thân tròn xoắn lấy nhau, một con có mào và một con không có mào. Hai con rắn đang há miệng đỡ lấy cặp chân sau và cặp chân trước của một con voi. Bảo vật này góp phần phản ánh tín ngưỡng vật tổ, tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ - cư dân nông nghiệp xem rắn là loài vật tâm linh. Đồng thời, hình ảnh rắn đực và rắn cái thể hiện âm dương giao hoà, mong cho muôn loài sinh sôi nảy nở, mùa màng bội thu. Ảnh: Phước Anh Muôi đúc tượng voi - bảo vật Quốc gia thứ 3 ở Nghệ An. Muôi có chiều dài 18,5 cm, trọng lượng 200 gram, được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ học làng Vạc trong đợt khai quật thứ II, năm 1981. Ảnh: Phước Anh Bảo vật này tiêu biểu cho nghệ thuật tạo tượng trang trí trên đồ vật. Đến nay, ở nước ta chưa phát hiện được ở nơi nào có chiếc muôi gắn tượng voi đẹp, độc đáo như muôi làng Vạc. Ảnh: Phước Anh Phần sau của chiếc muôi đồng gắn tượng voi. Chiếc muôi có những đường cong lượn mềm mại, tinh xảo, cho thấy trình độ đúc đồng, tạo tượng của cư dân làng Vạc đã phát triển đến đỉnh cao. Ảnh: Phước Anh Trong lòng chiếc muôi đồng có dấu vết thủng được người xưa hàn đồng lại. Niên đại của bảo vật này thuộc nền văn hoá Đông Sơn, cách đây 2.000 - 2.500 năm. Ảnh: Phước Anh Phước Anh