(Baonghean) - Gần 2 tháng nay, dư luận cả nước rộ lên trước việc một số người dân làng Quang Lang (xã Thụy Hải, Thái Thụy, Thái Bình) xây bờ tường trước cổng Nhà máy Bột cá Thụy Hải vì ô nhiễm môi trường. Nhà máy buộc phải đóng cửa, mỗi ngày thiệt hại kinh tế gần 1 tỷ đồng. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy: "Có ô nhiễm môi trường nhưng chưa đến mức độ nghiêm trọng", "Nhà máy đã có hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa đồng bộ và lạc hậu, chưa đạt yêu cầu"....
 
Từ bài học đắt giá này, chúng ta phải nhìn nhận lại những vụ sai phạm về môi trường tương tự tại Nghệ An để quyết tâm quy hoạch đồng bộ, thực hiện phương châm áp dụng công nghệ sạch - điều mà doanh nghiệp vẫn còn thơ ơ gây bức xúc cho nhân dân.
 
Bài học điển hình nhất là năm 2006, Nhà máy gỗ Việt Trung bị 200 người dân xã Nghĩa Quang (Nghĩa Đàn) kéo đến đòi ngừng sản xuất, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Căng thẳng đến mức nhà máy phải dời địa điểm, tốn kém tiền tỷ. Tiếp đó là hai nhà máy bột sắn Yên Thành và Thanh Chương,  vì làm ô nhiễm cả một vùng dân cư và làm cá ở sông Lam chết, đã phải tạm ngừng sản xuất, xây dựng hệ thống nước thải. Hai nhà máy ngừng hoạt động chịu thiệt hại hàng tỷ đồng, mấy nghìn tấn sắn đã thu hoạch bị thối. Những tưởng sau các sự cố đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh công nghiệp đã rút ra bài học kinh nghiệm. Nào ngờ, thời gian gần đây tình hình càng nghiêm trọng hơn.

769139_small_66976.jpg

Cơ sở chế biến sắt vụn gây ô nhiễm môi trường ở Diễn Hồng (Diễn Châu).
Ảnh: Châu Lan

Tháng 1/2010, một số người dân Nghĩa Đàn đào đường không cho xe vào Nhà máy sắn mini Hải Hòa, buộc nhà máy này phải đóng cửa. Tiếp đó là vụ người dân xã Đại Sơn (Đô Lương) bức xúc kéo đến cơ sở chăn nuôi Thái Dương đập phá máy móc, nhà xưởng, vì ô nhiễm môi trường.
 
Chưa hết, hai nhà máy lớn nhất tỉnh: Nhà máy bia Sài Gòn - Sông Lam và Nhà máy bao bì Sabeco cũng bị nhân dân phản đối, phải bồi thường thiệt hại vì gây  ô nhiễm môi trường. Nhà máy bia chịu phạt 72,5 triệu đồng và truy thu trên 1 tỷ đồng phí bảo vệ môi trường nhưng nhân dân hai phường Trường Thi và Hưng Dũng đến nay vẫn còn  viết đơn kiến nghị. Đối với Nhà máy Sabeco tình hình có "dịu hơn", bởi  nhà máy thừa nhận nước thải của đơn vị chưa được xử lý.
 
Gần đây nhất (tháng 4/2011), Công ty cổ phần Nhựa Hoàng Linh (tại Khu công nghiệp Hưng Lộc, Thành phố Vinh) bị cán bộ xã và hàng chục người dân địa phương xông vào nhà máy quay phim, chụp ảnh, yêu cầu đình chỉ sản xuất, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Chưa hết, trong kỳ họp Hội đồng nhân dân Thành phố Vinh vừa qua, người dân phản ánh: nước sông (đoạn Hưng Tây, Hưng Đông) bị ô nhiễm do Công ty TNHH Phúc Thịnh và Công ty Tấm lợp Việt Nhật thải nước ra.
 
Trong năm 2010, đã có 14 đơn vị bị phạt hành chính do vi phạm các mức độ khác nhau do vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, trong đó có cả những đơn vị lâu nay tưởng "yên ổn", ít bị dân phản ánh như: Công ty CP Mía đường Sông Lam, Công ty Phát triển khoáng sản 4, Công ty CP Thực phẩm Nghệ An, Nhà máy Chế biến nước dứa cô đặc, Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản, Nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh Cửa Hội, Công ty CP giấy Sông Lam, Nhà máy Chế biến thịt xuất khẩu, Nhà máy Gạch Hoàng Mai, Công ty Intimex, Dự án môi trường tôm công nghiệp, Công ty CP Thủy sản Nghệ An... Những vi phạm mà các đơn vị trên mắc phải là: Chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng đăng ký; chưa thu gom nước thải sinh hoạt, chưa có giấy phép xả thải; việc quản lý chất thải nguy hại chưa đúng theo quy định...
 
Nguyên nhân chung gây ra ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp sản xuất là do thái độ coi thường vấn đề ô nhiễm và không chịu đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải.
 
Một nguyên nhân khác là trong quy hoạch chung vẫn thiếu đồng bộ. Ngay cả Khu công nghiệp Bắc Vinh hoạt động trên 10 năm, thu hút 29 dự án lấp đầy cả 60 ha đất vẫn chưa có nơi xử lý nước thải tập trung; Khu công nghiệp Nam Cấm cũng vậy, sau 5 năm hoạt động vẫn chưa xây dựng xong quy hoạch khu vực tập kết rác thải rắn và khu xử lý nước thải tập trung. Các khu công nghiệp nhỏ càng thiếu những yêu cầu bắt buộc trong qui hoạch này.
 
Mặt khác, hầu hết các cơ sở sản xuất ở tỉnh ta do ít vốn, chưa tiếp cận được những thông tin, công nghệ mới nên dây chuyền sản xuất, thiết bị và nguyên liệu, phương pháp sử dụng hóa chất... nhìn chung vẫn còn lạc hậu. Chẳng hạn cả nước đã bỏ công nghệ sản xuất xi măng lò đứng khói bụi từ lâu, để chuyển sang công nghệ "lò quay" và máy xử lý bụi hiện đại, thì ta vẫn cứ áp dụng công nghệ lò đứng. Đó là gánh nặng mà Nhà máy Xi măng 12/9 Anh Sơn và Nhà máy Xi măng Cầu Đước phải khắc phục tốn kém, lâu dài.
 
Ngày nay, đi đôi với quy hoạch đồng bộ, đầu tư hệ thống xử lý rác thải, nước thải hiện đại thì vấn đề ứng dụng tiến bộ công nghệ sạch đang được áp dụng. Đối với tỉnh ta, trước tình trạng ô nhiễm môi trường đang xảy ra phổ biến và nghiêm trọng, thì phải chú trọng  cả hai.


Hoàng Chỉnh