(Baonghean) - Tuổi thơ của em thấm đẫm trong những khúc hát dân ca ngọt ngào, sâu lắng của bà, của mẹ. Tình yêu dân ca của em được bồi đắp từ chính sự hăng say, đam mê của các thành viên trong gia đình. Bởi thế, mới 12 tuổi, Đặng Tuấn Kiệt đã là thành viên tích cực của Câu lạc bộ dân ca xã Diễn Mỹ (Diễn Châu) và là nhân tố triển vọng, gặt hái được nhiều thành công trong các Hội diễn, liên hoan dân ca...
Đến thăm gia đình em Đặng Tuấn Kiệt vào buổi trưa. Ngay trước hiên nhà, bố con Kiệt đang ngồi đàn và hát dân ca. Tiếng hát ngân vang trong trẻo, dạt dào tình cảm của cậu học trò lớp 7 khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ: “Cánh cò, cánh vạc, dòng sông, nguyện trong lời mẹ … ơ … ơ … giấc nồng đưa nôi… Cánh diều chao liệng tuổi thơ … ngàn năm tiếng mẹ… à … ơi”. Em hồn nhiên chia sẻ: Em rất thích hát dân ca. Em hát mọi lúc mọi nơi: lúc ở trường hay khi làm việc nhà, giúp bố mẹ việc đồng áng, lúc đi chơi cùng đám bạn trong xóm. Bởi đam mê với những làn điệu dân ca mà em luôn học hát mỗi ngày, có thời gian rỗi, Kiệt lại nhờ bố dạy những làn điệu mới...
May mắn được sinh ra trong gia đình có truyền thống yêu ca hát, đặc biệt là hát dân ca. Bà nội em – cụ Trần Thị Hồng, ngày trước cũng là hạt nhân văn nghệ của xã Diễn Mỹ. Trong các cuộc hát vui, đối đáp trong những ngày lễ của làng không bao giờ thiếu giọng ca của cụ. Bố em, thầy giáo Đặng Thanh Hưng cũng có tình yêu đặc biệt với dân ca; hiện thầy là một trong những thành viên chủ chốt của Câu lạc bộ Dân ca xã Diễn Mỹ. Tình yêu dân ca được “truyền đời” trong gia đình giàu truyền thống văn nghệ ấy. Mỗi lần nghe bà, bố hát là Kiệt lại lẩm nhẩm hát theo. Cách lấy hơi, nhả chữ, luyến láy khó, em đều nhờ bố tập đi tập lại; uốn nắn sao cho đúng. Câu ví, điệu hò có sức hấp dẫn lạ thường với Kiệt, em chịu khó tìm tòi lời các làn điệu rồi ghi chép vào một cuốn sổ để tự tập hát; rảnh rỗi em lại mở đĩa dân ca của những nghệ sỹ nổi tiếng như cô Hồng Lựu, bác Tiến Dũng… ra nghe và hát theo.
Hỏi Kiệt điều gì ở dân ca ví, giặm khiến em yêu thích và say mê cho dù rất khó trong cách hát? Cậu bé hồn nhiên trả lời: Mỗi lần cất lên những làn điệu dân ca trong em ùa về bao hình ảnh gần gũi, thân thuộc, có bà, có mẹ tảo tần khuya sớm, có làng mạc, dòng sông, bến nước… bồi đắp thêm tình yêu quê hương trong em. Niềm đam mê dân ca của Kiệt được bồi đắp khi chương trình hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được đưa vào giảng dạy trong trường học. Biết đến dân ca, rồi tập hát lúc mới 10 tuổi, hơn một năm nay, Kiệt mới bắt đầu bén duyên với phong trào hát dân ca của địa phương. Đó là những lần theo bố tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ Dân ca xã Diễn Mỹ, hay tập luyện tham gia các hội thi, liên hoan… Dù bận học nhưng cậu không bỏ lỡ bất kỳ buổi tập luyện nào của câu lạc bộ dân ca xã.
Trong những buổi luyện tập ấy, cậu luôn miệt mài luyện hát theo các cụ, các ông bà… Em trở thành một trong những thành viên “nhí” của Câu lạc bộ Dân ca xã Diễn Mỹ. Niềm đam mê dân ca của Kiệt thực sự thuyết phục các thành viên lớn tuổi trong câu lạc bộ. Nghệ nhân dân gian Cao Thị Bích Lâm (Chủ nhiệm CLB Dân ca xã Diễn Mỹ) cho biết: “Kiệt có chất giọng dân ca trời phú, dù còn nhỏ tuổi nhưng Kiệt đã có thể hát được những quãng rộng, ngân dài; giọng hát vang, sáng. Đặc biệt là cháu rất chịu khó học hỏi, tập luyện, thường nhờ các bác trong câu lạc bộ chỉ dạy thêm nên đến nay cháu là một trong số những thành viên nhí có triển vọng; thế hệ trẻ kế tiếp truyền thống của phong trào hát dân ca của xã Diễn Mỹ chúng tôi”.
Tham gia biểu diễn phục vụ trong nhiều hoạt động văn hoá, văn nghệ tại địa phương, đến năm 2013 Đặng Tuấn Kiệt lần đầu tiên được lựa chọn tham dự Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Để có được tiết mục tổ khúc dân ca “Chuyện ngày hè” đầy ấn tượng tham gia liên hoan, gần cả tháng ròng, sau những giờ học ở trường, Kiệt lại có mặt tại nhà văn hoá xã để tập luyện. Chịu khó và nghiêm túc tập luyện với niềm đam mê vô bờ với dân ca, cậu bé Đặng Tuấn Kiệt đã thực sự chinh phục Ban Giám khảo Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2013; tiết mục của em đã nhận được giải A tại kỳ liên hoan ấy. Kiệt còn là “cây dân ca” của trường với nhiều giải thưởng trong các hội thi văn nghệ của trường và năm 2014 em giành được giải Nhất trong “Hội thi Tiếng hát Dân ca ví, giặm” cho học sinh trung học toàn huyện Diễn Châu và giải Ba toàn tỉnh.
Không chỉ hát hay và nhiệt huyết tham gia các hoạt động phong trào của trường, của lớp, Đặng Tuấn Kiệt còn là một học sinh giỏi toàn diện nhiều năm liền. Từ năm lớp 2 đến nay, Kiệt đều giành được các giải thưởng các cuộc thi giải Toán, tiếng Anh qua mạng. Có được kết quả đó là bởi cậu bé Kiệt luôn biết bố trí quỹ thời gian hợp lý để vừa học tập tốt vừa đam mê hát dân ca.
Chia tay Đặng Tuấn Kiệt trong tiếng hát trong vắt, ngân nga xa gần của cậu bé “Hè vui, vui khắp xóm làng… bướm ong bay lượn, nắng vàng trải hoa …ơ … ờ. Cánh diều lơ lửng gần xa, tuổi thơ vui với quê ta rộn ràng…”. Niềm vui như lan toả khi ở một vùng quê yêu dân ca như Diễn Mỹ, nhiều hạt nhân trẻ đang tiếp nối phong trào hát dân ca và ngày càng làm lan toả tình yêu dân ca trong cộng đồng. Không chỉ có Tuấn Kiệt mà có đến 7/30 thành viên Câu lạc bộ Dân ca xã Diễn Mỹ đang ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng sẽ là thế hệ tiếp nối để mạch nguồn dân ca chảy mãi…
Đinh Nguyệt