(Baonghean) - Trong bảo tồn, phát huy di sản dân ca, ví, giặm, bên cạnh lời hát thì không gian và môi trường diễn xướng được xác định là 1 trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, để phục dựng lại một không gian, môi trường diễn xướng phù hợp cho ví, giặm đang là thách thức của các câu lạc bộ dân ca hiện nay.

Như đã biết, dân ca hò, ví, giặm hình thành trong lao động và gắn liền với nghề nghiệp lao động của người dân xứ Nghệ. Mỗi một nghề nghiệp lại có những câu hát, làn điệu riêng. Bởi vậy, không gian hò, ví, giặm  xứ Nghệ rất phong phú, như không gian rừng núi có ví trèo non, không gian đồng ruộng có ví phường cấy, ví đồng ruộng; không gian lao động sông nước lại có hò trên sông, ví đò đưa sông La, ví đò đưa sông Lam… Khi cùng với không gian, thời gian có những dấu hiệu đặc biệt, tạo thành điểm nhấn sự kiện, chúng ta lại có dặm cửa quyền, giặm Đức Sơn… Cái đặc sắc của hò, ví, giặm chính bởi sự gắn bó chặt chẽ với không gian, môi trường lao động của nhân dân, nhịp điệu của hò, ví, giặm cũng đa phần là nhịp điệu lao động (hò kéo gỗ, hò đầm đất đắp đê, hò trên sông…). Chính vì vậy mà đến với hò, ví, giặm xứ Nghệ, người nghe không chỉ cảm nhận cái hay của câu hát, giọng hát, mà còn thấy được trong đó cả một nền văn hóa lao động của cha ông. 
 
images1110744_zalo_635554020274539903.jpgBiểu diễn hát ví trên sông Lam.
 
Đa phần các làn điệu hò, ví, giặm có môi trường diễn xướng tương đối tự do, linh hoạt trong không gian và thời gian. Tuy nhiên, cũng có những  sinh hoạt mà không gian, thời gian bị quy định chặt chẽ như hát ví phường vải. Nghệ nhân Trần Văn Tư – Chủ nhiệm CLB hát ví phường vải Kim Liên, Nam Đàn cho biết: Trước đây, thời gian hát phường vải thường bắt đầu vào chập tối, khi các cô gái lên đèn, cùng ngồi quay xa, các chàng trai chơi hát dập dìu ngoài ngõ… và kết thúc vào lúc nửa đêm, gần sáng. Không gian cuộc hát cũng dần thay đổi theo thời gian: lúc đầu hai bên nam nữ có khoảng cách, người trong nhà, kẻ ngoài ngõ; về sau, khi cuộc hát đã đến hồi thân thiết, gắn bó, các chàng trai mới được mời vào trong sân, trong nhà. Không gian, thời gian ấy được tuân thủ theo từng bước trong thủ tục cuộc hát từ hát chào hỏi đến hát đối đáp và cuối cùng là hát tiễn. Tuy nhiên, ngày nay phường vải hay hò, ví, giặm chỉ được hát trên sân khấu. Và việc dựng lại không gian, môi trường diễn xướng gặp những khó khăn nhất định.
 
Nghệ nhân Bích Tuyển - Chủ nhiệm CLB dân ca phường Trung Đô – TP Vinh cho rằng: Để phục hồi lại không gian diễn xướng là cực kỳ khó khăn. Bởi môi trường diễn xướng của dân ca hò ví, giặm là môi trường của lao động; không gian của dân ca là không gian của vũ trụ bao la với sông, với đồng, với núi non, với biển cả… Không gian mà chúng ta đang bảo tồn dân ca hò, ví, giặm hiện nay là không gian nhân tạo, trên sân khấu, lễ hội… không đủ sức để tái tạo, phản ánh không gian ban đầu của dân ca. Như CLB dân ca phường Trung Đô, mỗi lần tham gia liên hoan dân ca hay tổ chức biểu diễn dân ca phục vụ nhân dân, khó khăn nhất vẫn là dựng lại khung cảnh xưa. Để tái hiện lại, CLB phải đi thuê trang phục, đạo cụ biểu diễn, những đạo cụ nào có thể tự làm thì huy động hội viên tự làm… nhưng nói chung chỉ tái hiện một phần nào đó khung cảnh mà thôi.
 
Để khôi phục lại không gian, môi trường diễn xướng của dân ca hò, ví, giặm xứ Nghệ, trong tất cả các cuộc liên hoan dân ca được tổ chức thường niên hàng năm, Ban tổ chức quy định: mỗi chương trình tham dự đòi hỏi phải đảm bảo cho được 70% yếu tố nguyên gốc ở các môi trường, không gian, hình thức diễn xướng kể cả trang phục, đạo cụ, nhạc cụ. Tuy nhiên, theo chị Võ Thị Vân - Chủ nhiệm CLB dân ca xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương thì khó khăn nhất của CLB lúc này vẫn là xây dựng không gian, đạo cụ và hạt nhân dân ca. Giờ đây, hát dân ca được lưu truyền, phát triển nhưng để gắn với môi trường, không gian diễn xướng như xưa thì khó có thể làm được. Hơn nữa, các nghệ nhân gạo cội còn lại rất ít, đòi hỏi các CLB dân ca ở cơ sở phải công phu trong tìm hiểu, sưu tầm đạo cụ của dân ca cổ để diễn xuất đúng với bản sắc vùng miền.
 
Thời gian qua, để bảo tồn, phát huy di sản dân ca xứ Nghệ, bên cạnh đưa dân ca vào trường học, tỉnh ta đã tiến hành thành lập được hơn 80 CLB dân ca ở các địa phương. Thực tế, các CLB dân ca ra đời đã góp phần tích cực nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn dân ca ví giặm mà cha ông để lại. Bản chất sinh hoạt dân ca là gắn bó với loại hình diễn xướng, không gian diễn xướng, trang phục, đạo cụ bình dị của quần chúng nhân dân. Chính vì vậy, trả lại không gian diễn xướng, loại hình diễn xướng, diễn viên thể hiện về với cộng đồng dân cư là phù hợp với mục tiêu bảo tồn dân ca - đúng như tiêu chí mà UNESCO đặt ra cho dân ca ví, giặm sau khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
Tuy nhiên, nói khó không có nghĩa là chúng ta không làm được, bởi dù trong điều kiện nào thì yếu tố quyết định vẫn là con người. Vì vậy, chúng ta không thể để quá trình bảo tồn diễn ra một cách tự nhiên, mà cần có những động thái tích cực để thúc đẩy phát huy phù hợp với không gian, môi trường thời đại hôm nay. Nghệ nhân Cao Xuân Thưởng – Chủ nhiệm CLB dân ca Diễn Hoa (Diễn Châu) thì cho rằng: Những lời hát dân ca hôm nay đã mang dáng dấp, hơi thở của cuộc sống hiện đại, đó là những lời hát ca ngợi nông thôn mới, phản ánh thói hư tật xấu trong xã hội, rồi dân ca được chúng tôi sáng tác gắn với tuyên truyền tệ nạn xã hội, sinh đẻ có kế hoạch… thì bắt buộc không gian, môi trường diễn xướng phải là những khung cảnh của hôm nay, của cuộc sống hiện tại. Có như thế dân ca mới phát huy, mới thu hút được nhiều quần chúng nhân dân tham gia chứ không bó hẹp trong một thực thể nhất định nào.
 
Ông Phạm Tiến Dũng – Phó Giám đốc Sở VHTT và DL cho biết: Sự tồn tại, phát triển lên tầm cao mới của dân ca hò, ví, giặm trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân xứ Nghệ hôm nay là minh chứng sinh động cho sức sống trường tồn của dân ca trong lòng nhân dân. Để bảo tồn, khôi phục không gian, môi trường diễn xướng phù hợp nhằm tái hiện lại cuộc sống sinh hoạt, lao động của ông cha ta ngày xưa có thể bằng nhiều biện pháp: xây dựng những đề án khôi phục không gian và hình thức sinh hoạt qua các chương trình du lịch, giới thiệu và quảng bá về văn hóa địa phương; đưa dân ca vào những nghi lễ, lễ hội. Ở các CLB tổ chức sinh hoạt dân ca tại sân đình làng. Và kể cả khi dân ca được trình diễn trên sân khấu trong các cuộc liên hoan thì việc dựng lại những cảnh vật xưa, không gian xưa … là yếu tố bắt buộc, không thể thiếu của mỗi chương trình… Đó cũng là những cách để chúng ta bảo tồn, gìn giữ môi trường, không gian diễn xướng cho dân ca. Bởi dù nói gì thì nói, lời hát ấy, câu hát ấy phải được gắn với không gian ấy.
 
 Thanh Thủy