(Baonghean) - Thai nghén, vươn lên nơi đồng ruộng; vượt qua bao nắng nỏ, bão giông; hút lấy ánh sáng của trời, nước của đất, cây lúa tốt tươi rồi nghẹn đòng trổ bông, trĩu hạt. Thầy thuốc Nhân dân (TTND) Phạm Văn Thanh như cây lúa sống đời dung dị đó.
Thoát ly nông nghiệp từ lâu, song TTND Phạm Văn Thanh vẫn tự nhận là người nông dân chính hiệu. Trong tâm trí ông, bờ tre, gốc rạ, ao chuôm của vùng quê Nam Kim (Nam Đàn) luôn hiện hữu. Ký ức ngày thơ bé của vị thầy thuốc sinh năm Nhâm Thìn (1952) là những trận lụt to nước dâng đến nóc nhà; là những ngày cha thoát ly, cậu bé Thanh theo trâu ra đồng cày cấy giúp mẹ nuôi em… Nhà ông xưa anh em đông nên nghèo lắm, hành trang mỗi buổi đến trường là nắm khoai khô dính vài hạt cơm, cà dưa muối. Vậy mà, Thanh học rất giỏi. Ông cố học hành không chỉ vì truyền thống gia đình mà còn học để thoát nghèo, để giúp bà con quê mình bớt một nắng hai sương.
Từ vùng đất lũ, mang tâm thế ra đi học những kỹ thuật gieo trồng về giúp dân quê, Phạm Văn Thanh nhập Trường Đại học Nông nghiệp 2 ở Hà Bắc. Thanh nghĩ rằng: “Dẫu sống ở đất cằn hay ngập lụt, thì lúa vẫn phải mọc lên”. Không ngừng cố gắng học tập vươn lên, Phạm Văn Thanh nổi bật với kết quả học tập toàn điểm 4, điểm 5 và được bầu vào Ban cán sự lớp. Ham học là thế nhưng đến năm thứ 2, con đường trở thành kỹ sư nông nghiệp của Phạm Văn Thanh đành dang dở. Năm 1971, chiến trường miền Nam vào giai đoạn ác liệt nhất, Phạm Văn Thanh xếp bút nghiên hăng hái tòng quân. Đưa hòm sách về cho các em, Phạm Văn Thanh chỉ giữ cho mình cuốn từ điển tiếng Nga. Mẹ anh hỏi: “Con về rồi đi mô mà lạ rứa”? Phạm Văn Thanh trả lời: “Con đi thực tập mẹ ạ”! Anh sợ mẹ buồn lo - lúa nghẹn đòng mãi thương gốc rạ.
Vào chiến trường Tây Nguyên, người lính Phạm Văn Thanh đã có trận đánh lớn đầu tiên Đắc Tô – Tân Cảnh. Trận đánh đó lần đầu tiên ông bị thương, lần đầu tiên chứng kiến đồng đội mình và người lính bên kia chiến tuyến hy sinh ông thấy nhói lòng. Nỗi đau chiến tranh không hề làm ông chai sạn đi, mà ngược lại ông thấu hiểu thêm mất mát, vươn lên mạnh mẽ để sống, để yêu thương.
Năm 1974, nhờ thành tích chiến đấu, Phạm Văn Thanh được quân đội bố trí ra Bắc đào tạo về kỹ thuật quân sự, đưa sang học ở Liên Xô. Nhận lệnh nhưng chẳng hề vui, ông vẫn muốn ở lại chiến trường cùng đồng đội, muốn hòa bình trở về học tiếp, trở thành kỹ sư nông nghiệp. Song quân đội đã phân công thì người lính chấp hành… Do mối quan hệ hợp tác đào tạo có chút trục trặc, những người được cử đi học đợt đó phải dừng lại. Phạm Văn Thanh đứng giữa hai lựa chọn: Học kỹ thuật quân sự hoặc vào học viện quân y. Những ám ảnh về sự mất mát của chiến tranh và niềm day dứt về quyền được sống đã thúc giục ông theo nghề y, rồi trở thành sinh viên Học viện Quân y.
Đất nước chưa yên, sinh viên quân y Pham Văn Thanh còn có dịp quay lại chiến trường Tây Nam, phía Bắc không ít lần. Cái khác là ông không còn cầm súng mà cầm dao mổ, thuốc men cứu người. Từng đứng giữa lằn sinh tử, Phạm Văn Thanh càng yêu, gắn bó hơn với nghề y. Lúc này, ông đã thôi day dứt về cây, giống để chuyên tâm chuyên chú nghiệp cứu người, gieo mầm sống…Tốt nghiệp ra trường, Bác sỹ quân y Phạm Văn Thanh đã có 6 năm làm Chủ nhiệm Quân y Trung đoàn 825, Mặt trận Bắc Lào. Nơi rừng thiêng nước độc, tất cả điều kiện thiết bị y tế hết sức thiếu thốn nhưng người bác sỹ này luôn cố gắng cứu giúp chiến sỹ ta lẫn cả phỉ địch.
Rời Bắc Lào, ông về Học viện Quân y học lớp sau đại học chuyên ngành Da liễu. Thầy thuốc nhân dân (TTND) Phạm Văn Thanh kể: Học xong, đơn vị cũ xin về Điện Biên nhưng tôi lại muốn được về gần nhà vì bản thân biền biệt 16 năm trời chưa ngày báo hiếu. Song về đến Quân khu 4 thì tôi chẳng được toại nguyện khi được bố trí vào công tác ở Thừa Thiên Huế. Vậy là xin được chuyển ngành… Chuyển về công tác ở Bệnh viện TP. Vinh vào năm 1987. Khi đó điều kiện công tác ở bệnh viện khó khăn đủ bề nhưng với ý thức tránh nhiệm cứu giúp người bệnh, ông nhanh chóng lao vào đợt phòng, chống dịch tả, dịch sốt xuất huyết đang hoành hành lúc đó.
Làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, tận tâm với người bệnh, từ khoa Truyền nhiễm, khoa Nhi, rồi đến phòng khám da liễu, Bác sỹ Phạm Văn Thanh được đánh giá cao và bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện, rồi Phó và Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Vinh… Dấu ấn lớn nhất của bác sỹ Phạm Văn Thanh trong thời kỳ này được đồng nghiệp, các cấp ngành, địa phương và nhân dân ghi nhận là: Làm tốt công tác quản lý bệnh viện, quản lý thu chi, giúp đời sống y bác sỹ nâng lên cũng như giúp họ học tập nâng cao trình độ; về phía bệnh viện thì mua thêm máy móc, trang thiết bị. Quan tâm đến hệ dự phòng, y tế cơ sở, chính bác sỹ Phạm Văn Thanh là người đầu tiên đề nghị Thành ủy Vinh ra nghị quyết mỗi năm trích 1% ngân sách xây dựng 1- 2 trạm y tế phường, xã (cách làm này sau đó đã được tỉnh, Trung ương về học tập và nhân rộng).
Nhờ những đóng góp xuất sắc, năm 2004, bác sỹ Phạm Văn Thanh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Sở Y tế; năm 2009 là Giám đốc Sở Y tế và năm 2012 được phong tặng danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân. Trong thời gian giữ cương vị lãnh đạo ngành Y, bác sỹ Phạm Văn Thanh đã xây dựng được bộ máy ngành đoàn kết nội bộ; tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết chế độ cho hơn 10.000 cán bộ y tế cơ sở được hưởng chính sách hưu; tham mưu cho tỉnh cho mở giường bệnh tại các trung tâm y tế; Đề nghị UBND tỉnh thành lập các bệnh viện chuyên khoa sâu như Bệnh viện Ung Bướu, Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Sản Nhi... Nói về người tiền nhiệm của mình, bác sỹ Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế cho rằng: Bác sỹ Phạm Văn Thanh là con người giản dị, mẫu mực, luôn tâm huyết với nghề y, đã có nhiều đóng góp cho ngành Y tế Nghệ An phát triển. Ngành Y tế Nghệ An có được những thành quả như hôm nay, vai trò của TTND Phạm Văn Thanh là rất lớn. Ông là 1 trong 2 người ở tỉnh Nghệ An được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý nhất của nghề y - Thầy thuốc Nhân dân.
Nghỉ hưu nhưng TTND Phạm Văn Thanh vẫn tích cực công tác ở Hội Y học tỉnh Nghệ An, Liên hiệp các Hội khoa học, UBMTTQ tỉnh. Trò chuyện cùng ông, vẫn thấy đó những nỗi niềm trăn trở. Khi vị trí, sự đầu tư giữa hệ điều trị và hệ dự phòng hiện chưa cân xứng. Dự phòng cần đi trước một bước nhưng ở Việt Nam công tác dự phòng vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Dự phòng yếu nên việc tuyên truyền nâng cao nhận thức chưa tốt; ý thức phòng chống bệnh cho người dân còn hạn chế. Bệnh nhẹ trở thành bệnh nặng lức nào không hay. Muốn cây lúa tốt tươi không ô nhiễm thì cần cung cấp cho nó nguồn nước sạch, đất sạch, phân bón đủ liều lượng… TTND Phạm Văn Thanh đã sống, làm việc trọng sự tôn trọng của mọi người, đúng theo tinh thần Lời thề Hippocrates, 12 điều y đức thiêng liêng. Ngạn ngữ Hy Lạp có câu mang đại ý "Bông lúa càng nhiều hạt càng trĩu xuống" – TTND Phạm Văn Thanh như bông lúa đó!
Thanh Sơn