Từ khi còn là nhà yêu nước đến khi trở thành người chiến sỹ cộng sản, Bác Hồ của chúng ta rất quan tâm đến thế hệ trẻ, non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang được hay không chính là nhờ ở tuổi trẻ. Do vậy, khi đất nước ta đang trong vòng nô lệ, Nguyễn ái Quốc đã phải lặn lội đi tìm đường cứu nước, nhưng Người vẫn quan tâm đến việc thành lập các tổ chức thiếu niên.
Sau khi từ đất nước của Lê Nin trở về Trung Quốc, năm 1925 Người đã thành lập tổ chức "Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội", gồm những thanh niên Việt Nam yêu nước đầu tiên ở nước ngoài. Bên cạnh đó Người cũng tổ chức và đào tạo một lực lượng kế cận bổ sung cho tổ chức thanh niên này, đó là việc thành lập ra nhóm thiếu niên cộng sản Việt Nam đầu tiên tại Quảng Châu - Trung Quốc. Nhóm gồm những em từ 12 đến 15 tuổi, cha mẹ nhiều em đã bị bọn đế quốc thống trị bỏ tù hoặc bị giết chết, trong cuộc sống các em đã chịu nhiều đau khổ, có lòng căm thù thực dân Pháp và chấp nhận hy sinh như những nhà cách mạng đàn anh. Khi được giác ngộ, đào tạo các em sẽ sớm trở thành những người yêu nước, những nhà cách mạng. Thời kỳ đầu ở Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc mang biệt danh là Lý Thuỵ, vì vậy Người đã lấy họ Lý đặt họ chung cho những người trong nhóm. Theo tài liệu lưu trữ tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, tổ chức thiếu niên cộng sản Việt Nam đầu tiên gồm 8 người: Lý Tự Trọng (quê Hà Tĩnh); Lý Chí Thông (quê Nghệ An); Lý Văn Minh (tức Đinh Chương Long); Lý Thúc Chất (tức Vương Thúc Thoại, quê Nghệ An); Lý Anh Tự (tức Hoàng Tợ); Lý Nam Thanh (tức Hoàn Thanh); Lý Phương Đức (chị gái Lý Chí Thông, quê Nghệ An); Lý Phương Thuận (chị Hoàng Lê Ninh).
Sau khi tổ chức thiếu niên cộng sản Việt Nam đầu tiên được ra đời, đồng chí Nguyễn Ái Quốc rất chú ý chăm sóc và giành cho các em mối quan tâm đặc biệt. Người cấp tốc mở một lớp học nhằm đào tạo các em thành những người yêu nước, những chiến sỹ cộng sản tương lai. Người thường dạy các em về các môn Địa lý, Lịch sử Việt Nam và nói rõ cho các em hiểu vai trò của thiếu niên là lực lượng kế cận góp sức cho cách mạng Việt Nam về sau.
Dưới sự dìu dắt, giáo dục của Nguyễn Ái Quốc, nhờ vào sự nhanh nhạy, thông minh, tích cực của tuổi trẻ tham gia hoạt động, nhóm thiếu niên Việt Nam mang cùng họ Lý do Nguyễn ái Quốc thành lập đã sớm trở thành những người cộng sản của cách mạng Việt Nam. Khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, những người trong tổ chức thiếu niên này là những nhân tố tích cực cho Đảng. Họ đã xung phong trở về nước vào các nhà máy, công nông trường để tiến hành vô sản hoá, tuyên truyền và giác ngộ đường lối cách mạng cho giai cấp công nhân và quần chúng nhân dân lao động, phát động nhân dân đứng dậy làm cách mạng, góp phần tích cực cho thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Trong số 8 người nhóm thiếu niên đó có Lý Tự Trọng là người đoàn viên thanh niên cộng sản ưu tú nhất, sớm trở thành "hạt giống đỏ" của Đảng. Khi được tổ chức Đảng cử về nước trong hoàn cảnh khó khăn, anh đã mặt đối mặt với kẻ thù để bảo vệ tổ chức Đảng. Bị bắt, bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, anh không chịu khuất phục, vẫn ngẩng cao đầu và dõng dạc tuyên bố: "Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không có con đường nào khác". Anh đã chiến đấu kiên cường cho đến hơi thở cuối cùng.
Cũng trong thời gian đào tạo lớp thiếu niên, để các em có điều kiện tiếp thụ với các tổ chức thiếu nhi quốc tế và một nền giáo dục cộng sản tốt đẹp, Nguyễn Ái Quốc đã tuyển chọn trong tổ chức đó, đưa một số em sang học tại Trường Quốc tế Cộng sản Liên Xô. Để giới thiệu các em, Người đã viết thư gửi Uỷ ban Trung ương đội Thiếu niên Matxcơva nói rõ: "Nguyện vọng tha thiết của các em Thiếu nhi Việt Nam là được đến nước các bạn, sống với các bạn, để học với các bạn và để sớm trở thành những học trò nhỏ chân chính của Lê Nin". Người đã nhiều lần viết thư nhờ các tổ chức quốc tế thanh niên cộng sản ủng hộ và can thiệp giải quyết ngay các thủ tục cần thiết để ý định của Người sớm được thực hiện. Nhưng rất tiếc, lúc đó do điều kiện đi lại, liên lạc khó khăn và cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 sắp bùng nổ, dự định của Người mãi về sau mới thực hiện được. Năm 1941, phát xít Đức tấn công Liên Xô. Để bảo vệ thành trì của Chủ nghĩa xã hội, 3 trong số 8 đoàn viên thiếu niên cộng sản đầu tiên là Lý Nam Thanh, Lý Thúc Chất, Lý Anh Tự cùng các đồng chí Việt Nam khác đang học tập và làm việc tại Liên Xô lúc đó, đã tình nguyện tham gia vào Sư đoàn quốc tế. Cả 3 đồng chí đã hy sinh trên phòng tuyến phía Nam Mátxcơva. Ngày 12-12-1986, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô -Viết tối cao Liên Xô truy tặng những chiến sỹ ấy Huân chương vệ quốc cao quý.
Cuộc đời và tên tuổi của 8 đoàn viên thiếu niên đầu tiên mang tên họ Lý đều trở thành những chiến sỹ cách mạng xuất sắc và mãi mãi là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập. Người đầu tiên có công chăm lo, dìu dắt, đào tạo họ trở thành những chiến sỹ cộng sản là Bác Hồ kính yêu !
--------------------
([) Những sự kiện LSĐCS Việt Nam -
Ban NCLSĐTƯ,Tập 1, Tr.115