Nhọc nhằn trên đồng muối trong ngày nắng đỉnh điểm
(Baonghean.vn) - Đất trời xứ Nghệ đang ở giữa những đợt nắng gắt. Có thể với nhiều người thì nắng nóng quả là khắc nghiệt, nhưng với bà con diêm dân thì đó thực sự là những ngày vui. Niềm vui bay lên từ những nhọc nhằn trĩu nặng. Chúng tôi đã thực hiện bộ ảnh này trên cánh đồng muối Diễn Kim (Diễn Châu) trong ngày nắng đỉnh điểm vừa qua.
18/05/2018 - 19:40
Diễn Kim là 1 trong 3 vùng làm muối lớn ở huyện Diễn Châu với khoảng hơn 40 ha và chừng 700 lao động làm nghề muối. Khi chúng tôi đến gặp chiều nắng rát bỏng, ngoài trời đo được 38 độ C. Vậy mà bất chấp cái nắng, diêm dân vẫn phơi mình trên những ô ruộng trắng lóa. Ảnh: Lê Thắng Và đây là một cặp vợ chồng già chúng tôi gặp trên đồng muối Diễn Kim, ông là Hồ Xuân Quý sinh năm 1940, bà là Nguyễn Thị Ba sinh năm 1938. Ảnh: Lê Thắng Ông Quý từng là bộ đội chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và miền Nam trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước và nhận được nhiều huân, huy chương. Sau khi giải phóng miền Nam, ông trở về quê hương cùng vợ tiếp tục với nghề làm muối, đến tận bây giờ dù tuổi đã cao nhưng hai ông bà vẫn còn mưu sinh với nghề. Ảnh: Lê Thắng Quy trình làm muối khá nhiều công đoạn. Trong ảnh, sau khi múc nước mặn từ kênh dẫn đổ vào bể lọc, ông Quý đang kiểm tra việc nước ngấm qua đất nền chảy vào bể chứa nhỏ. Ảnh: Lê Thắng Từ bể chứa nước nhỏ này, ông Quý dùng một thiết bị tự chế để đo độ mặn, nhạt. Ảnh: Lê Thắng Thỉnh thoảng ông lại múc nước từ kênh rải vào đất nền, mục đích sẽ làm cho đất nền đỡ khô, tăng độ thấm lọc cho nước muối. Ảnh: Lê Thắng Bà Ba tuy yếu ớt nhưng vẫn cố gắng hỗ trợ chồng trong công việc. Ảnh: Lê Thắng Cái bóng gầy, còng của bà đổ liêu xiêu trên ruộng muối loang loáng ướt. Ảnh: Lê Thắng Làm một lát thì ông Quý lại giục vợ mình nghỉ tay. Điều đặc biệt tôi nhận ra ở tất cả những diêm dân nơi này, dù thân thể họ gầy gò thì đôi bàn tay vẫn to và chai sạn lạ thường. Công việc dùng tay đẩy trang, múc nước, xúc muối... bao năm đã in hằn trên đôi tay ấy. Ảnh: Lê Thắng Vị mặn của mồ hôi của diêm dân trên đồng muối đã bao lâu nay được ví von là "mặn hơn muối". Ông Quý cho hay, mình là một trong những người đầu tiên của Đoàn Thanh niên xã xung phong đi xây dựng những đồng muối Diễn Bích, Diễn Kim đầu những năm 1960 của thế kỷ trước. Ảnh: Lê Thắng Phút nghỉ tay bên mái lán của 2 ông bà. Hàng ngày, họ trở dậy từ sớm để ra đồng muối, mang theo cả suất cơm đạm bạc, chai nước cùng với trang, xẻng, gáo múc, xe cút kít... Ảnh: Lê Thắng Việc đầu tiên khi ra đồng là làm đất nền, tưới nước mặn từ bể vào sân phơi. Buổi chiều lúc 3-4h muối bắt đầu lên hạt thì đó là lúc thu hoạch muối. Phải chọn những ngày nắng nóng để sản xuất, nắng càng nóng thì chất lượng muối càng tốt. Ông Quý cho biết, hiện tại giá muối là 15 ngàn đồng/yến, ông bà già yếu nên một ngày chỉ làm được từ 6-7 yến khoảng 100 ngàn đồng, người khỏe thì ngày được 10 yến cho thu nhập khoảng 150 ngàn đồng/ngày. Ảnh: Lê Thắng Cả một đời gắn với hạt muối mặn, cuộc sống của ông bà vẫn còn nguyên vất vả, nhọc nhằn. Sau một ngày nắng nóng, niềm vui theo cùng tiếng xe cút kít chênh vênh đi trên lối mòn đẩy xe muối trĩu nặng vào kho. Ảnh: Lê Thắng