(Baonghean.vn) - Xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) xưa nay vẫn được biết đến là vùng muối xứ Nghệ. Theo các bậc cao niên trong vùng, nghề làm muối ở đây đã có từ hàng trăm năm nay.
Giữa tháng 5, khi cái nắng ở độ gay gắt nhất của mùa hè cũng là thời gian vào “đại mùa” làm muối. Rẽ từ Quốc lộ 1A ở ngã tư Cầu Giát, đi theo hướng Quốc lộ 48B về phía biển chừng hơn 4 cây số là đến vùng muối Quỳnh Thuận. Trong ngọn gió khô ráp là vị mặn mòi của biển quyện với hương vị từ những sạp hàng nước mắm, ruốc, cá khô,... kê sát đường phục vụ nhu cầu du khách phương xa về thăm.
Tuyến Quốc lộ 48B hiện nay đang được sửa sang, mở rộng hơn để phục vụ nhu cầu phát triển cao của nền kinh tế công nghiệp. Và nhiều hộ xưa làm muối nay cũng chuyển sang làm dịch vụ, buôn bán bởi lao động nghề muối quá vất vả trong khi giá trị kinh tế thu lại chẳng được bao nhiêu. Đồng muối vì thế mà cũng dần vắng những người quẩy gánh muối trắng về kho mỗi chiều muộn.
Chúng tôi tìm gặp bà Hồ Thị Lan, trú ở xóm 5 vì qua tìm hiểu được biết, bà Lan đã có tuổi nghề chạm mốc 50 năm. Bà cũng là một trong số những “lão diêm dân” đang bám trụ trên đồng muối vì nỗi lo sợ rằng nghề truyền thống sẽ bị từ bỏ trong nay mai. Và rồi chúng tôi bị cuốn vào câu chuyện của bà...
Rằng, thời Pháp thuộc, những diêm dân ở Quỳnh Thuận đã tiến hành nhiều cuộc đấu tranh đòi quyền lợi cho nhân dân. Ông nội bà Lan là một trong số những người tiên phong đưa ra yêu sách trong cuộc đấu tố diễn ra ở đình Tám Mái. “Dân ở vùng muối, cứ tầm 7 - 8 tuổi là đứa nào đứa nấy đều được đưa ra đồng muối, chúng giúp cha mẹ làm những việc vặt. Ngày đó, tôi thường được giao công việc vun muối lại thành đống vào mỗi buổi chiều. Hôm nào cũng thế, hễ thấy muối kết trắng sân là phải đi gom lại.
Về sau lớn dần lên, thay vì cào muối thì tôi dần được luyện cho các công việc khác. Từ cào đất ra phơi cho đến việc chở đất, gánh muối về kho. Cứ như vậy, vừa học hỏi vừa làm mà kinh nghiệm dần được đúc kết lại cho đến khi thành thục nghề” - bà Lan hào hứng kể: “Dùng đất làm muối là “gọi tắt” cho tiện, khi người ta dùng đất sét trong khâu lọc nước, quan trọng ở chạt lọc, nước muối có nồng độ cao sẽ được tách ra và gom vào ô chứa rồi mới đem lên sân phơi. Việc sử dụng đất khiến nồng độ muối trong nước thấp và lâu kết tinh hơn.
Bây giờ, thay vì dùng đất sét thì dùng bằng cát. Việc sử dụng cát biển tạo những mạch nhỏ dẫn nước biển vào sân phơi, đồng thời còn giúp cho nước thẩm thấu nhanh hơn, quá trình cô đặc muối từ nước biển hiệu quả hơn. Sau đó muối trong cát mới được lọc lại để đem lên sân. Phương pháp này có thể tạo ra diện tích lớn tối đa. Vì vậy thời kỳ “hoàng kim” của nghề muối được cho là bắt đầu từ khi chuyển sang phương pháp mới này; ước tính, sản lượng sản xuất mỗi năm đạt xấp xỉ hàng chục nghìn tấn, diện tích đồng muối Quỳnh Thuận được mở rộng đáng kể, có thời điểm đạt tới 130 - 140 ha; giá muối cũng đạt “đỉnh” 2.000 - 2.500 đồng/kg.
Song, rất khó giữ được nghề truyền thống khi thị trường mở rộng và sự cạnh tranh khiến giá muối rớt thê thảm. Và hạt muối một thời giúp những người diêm dân có cuộc sống khấm khá nay lại rơi vào tình cảnh mất giá, một bát phở đổi được tạ muối. Và những năm gần đây, câu chuyện buồn làng muối vẫn chưa được chấm dứt. Vì vậy, không ít diêm dân đã chấp nhận việc bỏ nghề để chuyển sang công việc có thu nhập tốt hơn. Số hộ sản xuất muối còn lại hiện đều nằm ngoài nhóm tuổi lao động (người già và trẻ con) làm tranh thủ ngày nắng kiếm đồng tiền mua rau vì không thể tìm được công việc thay thế. Gia đình bà Hồ Thị Lan cũng là một trong những trường hợp đó.
“Nhà tôi có 3 đứa con đều đi làm công nhân ở trong nhà máy. Thu nhập vừa đủ cho chúng nó trang trải cuộc sống riêng. Ở nhà còn mỗi mình tôi và đứa cháu. Vì không đi làm được các công việc khác nên tôi vẫn phải tranh thủ ra đồng gắng gượng kiếm thêm đồng mua gạo. Mười năm nay tôi bị bệnh tiểu đường, lại bị nghễnh ngãng nên sức cũng giảm đi nhiều. Đợt vừa rồi bệnh nặng nên mãi hôm nay đỡ hơn, tôi mới ra đồng dọn sân để phơi” - bà Lan cho hay.
Ở Quỳnh Thuận nhiều hộ dân có hoàn cảnh tương tự gia đình bà Lan. Họ đều là những người không tìm kiếm được việc làm thay thế. Đơn cử như nhà bà Hồ Thị Ân (62 tuổi, trú tại xóm 5 Quỳnh Thuận). Nhà bà Ân có 2 đứa con thì đứa đầu đi làm ăn xa, còn người con thứ hai bị bệnh vôi cột sống từ lúc 17 tuổi. Một thân bà phải bươn chải chăm con. Đợt vừa rồi, bệnh gan của bà chuyển biến xấu nên sân phơi vẫn chưa có ai làm. Rồi nhà chị Nguyễn Thị Loan (sn 1973), vốn là dân ở nơi khác chuyển về cư trú, vì không có đất sản xuất nên chị Loan phải đi mua sân phơi muối. Cũng vì thời gian dài chị đi gánh muối thuê, nên giờ cột sống lưng chị bị thoái hoá trong khi đứa con lại đau bệnh suốt,...
Nghề làm muối bị thu hẹp về diện tích, nên sản lượng ngày nay cũng chỉ còn lại chừng 1/3 so với thời kỳ hoàng kim của hạt muối Quỳnh Thuận. Cũng vì thế dịch vụ nghề muối cũng teo tóp dần, những hộ chuyên thu mua muối cho bà con diêm dân cũng phải chuyển sang nghề khác. Ông Đào Đức Chuyển, trú tại xóm 4 là một trong số đó. “Ngày trước, trung bình một vụ muối, tôi thu mua được 700 - 800 tấn nhưng đến vụ muối năm 2016, tôi chỉ mua được 400 tấn. Còn vụ hiện tại, lượng thu mua ước chỉ đạt 200 tấn. Do đó, để có thể duy trì cuộc sống, tôi đã chuyển sang kinh doanh vật liệu xây dựng...”.
Theo thống kê chưa đầy đủ, diện tích sản xuất muối hiện tại của xã Quỳnh Thuận đã giảm chỉ còn khoảng 50% so với trước đây, nếu tính về sản lượng thì chỉ đạt 40 % so với thời điểm của khoảng 10 năm về trước. Tuy nhiên, giá muối đang không ngừng giảm sút theo từng năm khiến diêm dân đã thấy hạt muối “nhạt” lắm rồi. Hiện tại đã vào đại mùa nhưng giá muối chỉ dao động từ 1.000 - 1.200 đồng/kg. Điều đó càng khiến cho người như bà Lan, bà Ân hay những diêm dân cuối cùng trên đồng muối có lý do để từ bỏ nghề có truyền thống lâu đời này./.
Như Sương