(Baonghean) - Về Quế Sơn (Quế Phong), đổi thay nổi bật là con đường vào các xóm bản, đến tận hộ dân bây giờ toàn là đường bê tông trải dài. Bà con hồ hởi khoe: Đổi thay này cũng có công lớn nhờ... truyền thanh xã.
Tự nguyện hiến hơn 700m2 đất để mở đường trong phong trào làm đường giao thông nông thôn của xã, ông Phùng Văn Tứ, xóm 2, cho biết: “Qua Truyền thanh xã, người dân hiểu được nội dung, ý nghĩa của xây dựng NTM cũng như 19 tiêu chí NTM. Chuyện người dân hiến đất, góp tiền cũng được tuyên truyền tích cực, từ đó khơi dậy tinh thần, trách nhiệm của mỗi người dân.
Cũng như gia đình ông Tứ, hộ ông Nguyễn Công Ánh, xóm 2 đã tự nguyện tháo dỡ hơn 40m bờ rào xây. Ông cho rằng: Đối với nông dân lao động như chúng tôi thì việc nắm bắt thông tin chỉ “cậy” vào chiếc loa truyền thanh. Từ chuyện nhỏ, chuyện to đều thông qua những chiếc loa chuyển tải tới mọi người. Đặc biệt, trong xây dựng nông thôn mới, nó thực sự là công cụ tuyên truyền hiệu quả. Bởi việc biểu dương nhà này tự nguyện hiến đất cũng đồng thời có tác dụng tuyên truyền đối với những hộ chưa thật sự đồng thuận.
Tìm hiểu được biết, từ xác định xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, của lực lượng xã hội và người dân, xã Quế Sơn xác định công tác tuyên truyền phải đi đầu. Theo đó, sau khi đầu tư đồng bộ hệ thống truyền thanh, xã đã tích cực tuyên truyền bằng việc xây dựng chuyên mục về NTM phát vào mỗi trưa, ngoài ra, trong các chương trình khác cũng đan xen tin, bài về NTM với thời lượng từ 1 - 2 phút. Để nâng cao chất lượng, nội dung tuyên truyền, Đài chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, thời gian phát, kịp thời phản ánh những vấn đề mới phát sinh để tranh thủ ý kiến của nhân dân, biểu dương khen ngợi các cá nhân, tập thể có thành tích trong xây dựng NTM.
Theo ông Lương Tuấn Anh, cán bộ địa chính - nông nghiệp xã Quế Sơn: Việc hiến đất, phá dỡ hàng rào, cây cối trồng lâu năm... không phải ngay từ đầu đã nhận được sự đồng tình từ phía người dân. Bởi thực tế đối với bà con đó không chỉ là tài sản lớn mà còn là kỷ vật gắn bó bao đời nay không dễ gì chặt bỏ. Tuy nhiên, chính việc tuyên truyền, mà cụ thể hơn là thông qua các bài viết đăng trên báo Nghệ An, cán bộ truyền thanh xã đã cho bà con thấy đây là phong trào rộng khắp nhận được sự hưởng ứng của người dân tại nhiều địa phương. Từ đó bà con có sự so sánh, rồi tự nguyện làm theo. Cũng với ý này, ông Vũ Văn Thủy, Trưởng bản Ná Công, cho rằng: Vai trò của già làng trưởng bản trong tuyên truyền, vận động bà con là không thể phủ nhận. Nhưng có thêm kênh tuyên truyền từ hệ thống truyền thanh thì bà con hiểu, làm theo nhanh hơn, khách quan hơn...
Thực tế tại Quế Sơn cho thấy, đài truyền thanh cơ sở đã và đang từng bước khẳng định được tính ưu việt, trở thành cầu nối quan trọng giúp người dân hiểu hơn về phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Văn Chiến, Chủ tịch xã Quế Sơn, phấn khởi cho biết thêm: Nói làm nông thôn mới nhờ có truyền thanh thì hơi quá, nhưng không có truyền thanh thì quả là khó. Là xã miền núi còn nhiều khó khăn nhưng đến nay Quế Sơn đã hoàn thành 10/19 tiêu chí, trong đó có tiêu chí giao thông nông thôn, với hơn 15 km đường bê tông.
Bài, ảnh:Q.A