(Baonghean) - Có thể gọi bản Tặng Phăn (Na Ngoi - Kỳ Sơn) là sự kết hợp hài hòa giữa những nếp nhà sàn với đá, nước và màu xanh.
Màu xanh, nước và đá
Tặng Phăn là bản Người Thái duy nhất của xã Na Ngoi và cũng phải tính trong vòng hàng chục cây số nữa mới có những bản người Thái khác tận ngoài xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương. Một quần cư người Thái khác cách đó gần hơn 10 km. Cả bản Pủng lẫn Tặng Phăn đều đặc biệt ở chỗ đều là những bản người Thái ít ỏi, đơn độc giữa các cộng đồng Mông, Khơ mú, một điều hiếm gặp, ở những địa bàn thấp hơn thường thì người Thái chiếm đa số.
Bản Tặng Phăn có địa thế khác đặc biệt. Đây là một trong những bản ở thấp nhất xã Na Ngoi, trong khi người Mông quen ở trên cao, một số bản tại xã Na Ngoi cũng làm lúa nước từ khoảng vài chục năm nay. Dù sống cạnh những người Mông nhưng cư dân Thái ở bản Tặng Phăn vẫn giữ truyền thống sinh sống gần suối và canh tác lúa nước.
Vào những ngày đầu thu khi tôi ghé thăm, lúa trên những thửa bậc thang ở đây sắp trổ bông. Người miền xuôi gọi là lúa thì con gái. Một màu xanh non bao phủ ven lối mòn. Dưới thung sâu, những nếp nhà sàn hiện lên như những cái nấm rừng. Nhìn từ trên cao, bản làng được bao bọc bởi màu xanh của lúa nước và rừng núi, toát lên vẻ thơ mộng
Cạnh bản có một dòng suối khá lớn, nước chảy xiết như một con thác. Bầy trẻ nhỏ trong vóc dáng khá mảnh mai nhưng khỏe khoắn, thoăn thoắt như đàn cá suối băng mình dưới làn nước. Những nếp nhà sàn bày ra trên triền dốc, dưới chân đồi, vươn ra ven suối. Kiểu kiến trúc nhà sàn cổ gầm thấp xưa kia vẫn còn hiện hữu tại bản xa này.
Những người sống trăm tuổi
Cụ Vi Văn Hường có vẻ còn khỏe hơn nhiều so với cái tuổi 96 mà cụ bảo với chúng tôi. Con trai cụ là ông Vi Văn Hương, đồng thời là Trưởng bản Tặng Phăn cho biết thêm, cụ sinh năm 1919, là thế hệ thứ 3 sống ở bản nhỏ này. Tuy vậy nom cụ Hường vẫn còn nhanh nhẹn, tóc chỉ mới điểm bạc, tai, mắt vẫn tinh anh, còn có thể lội suối, băng rừng khá nhanh nhẹn.
Theo cụ Hường trong bản từng có nhiều cụ ông, cụ bà sống trên trăm tuổi. Hiện ở bản không còn ai sống đến độ tuổi ấy, nhưng với tình hình sức khỏe bản thân như hiện nay, cụ Hường tin chắc sẽ sống qua tuổi bách niên. Câu chuyện của tôi với cụ Hường đang tiếp diễn thì dưới gầm sàn cách đó mươi bước chân chợt xuất hiện một ông lão “tiều phu” sức vóc còn lực lưỡng như ở tuổi tứ tuần. Những khúc gỗ lớn vỡ tan dưới lưỡi rìu của ông lão mà theo cụ Hường thì năm nay ông đã ngoài 80 tuổi. Ông là Lương Văn Việt (SN 1933), tuy đã ở tuổi 82 nhưng còn khỏe mạnh, mái tóc đen bóng không một sợi bạc.
Ông Việt cho biết: Ở đây ngoài tuổi 80 người ta vẫn làm rẫy bình thường. Sức khỏe vẫn dẻo dai. Sau buổi làm rẫy ông lại mang chài xuống suối Huồi Phăn cạnh bản đánh cá. Đó cũng là cuộc sống của mọi đàn ông trong nếp bản chỉ toàn bóng dáng nhà sàn này. Ông Việt cho biết, hiện trong bản có gần chục cụ già xấp xỉ tuổi 90 nhưng vẫn còn khỏe mạnh. Trong suốt những năm sống ở bản Tặng Phăn, ông Việt cho biết từng chứng kiến hàng chục người sống qua tuổi 100.
Hỏi về bí quyết ăn uống, sinh hoạt làm sao cho sống thọ, cụ Vi Văn Hường chia sẻ: Thực sự thì chẳng có một bí quyết nào cả. Ở đây người ta ăn lúa nếp, uống nước suối Huồi Phăn. Sáng ra lên rừng làm rẫy, làm ruộng cho đến trưa mới về nghỉ. Công việc lại bắt đầu vào buổi chiều. Thức ăn thì gần như hoàn toàn tự túc. Gà, lợn đều do người bản tự nuôi và mổ phục vụ nhu cầu của cộng đồng. Có lẽ vì môi trường trong lành, khí hậu ôn hòa, thức ăn, nước uống đều thuần khiết nên bản người Thái giữa đại ngàn này có nhiều người sống lâu trăm tuổi.
Tên gọi nghìn năm
Nói về lịch sử của bản, cụ Hường nhớ lại: “Bản thân tôi sinh ra ở bản này, cho đến lúc già cũng ở đây. Ngày nhỏ có nghe ông nội kể lại dòng họ trước kia vốn ở bên Lào. Chạy giặc, ông nội dắt bố tôi cũng với người trong bản qua đây.” Như vậy, tính ra người ở bản Tặng Phăn đã cư trú tại đây ít ra cũng đã hơn trăm năm. Thế nhưng, tên bản lại Tặng Phăn khiến người ta nghĩ đến con số nghìn, bởi “phăn” trong tiếng Lào có nghĩa là “nghìn” (nưng phăn = 1000). Có lẽ đó cũng là nguyện ước của người xưa về sự trường cửu ngàn năm của bản làng.
Trước kia bản Tặng Phăn có chưa đầy chục nóc nhà của các dòng họ Vi, Lương, Lô. Nay cả bản đã có 96 hộ. Cụ Hường nhớ lại hồi còn niên thiếu cả vùng rừng núi này chỉ có bản Tặng Phăn và bản Pủng nằm cách nhau cả nửa ngày đường đi bộ. Sau đó người Mông mới chuyển đến lập bản và cho đến bây giờ bản Mông ở toàn xã Na Ngoi đã lên đến 11 bản.
Anh Vi Văn Lương cho biết, trong bản hiện vẫn còn nhiều người trẻ tuổi biết thổi khèn bè. Trong số này anh Lương Văn Hòa là người đam mê nhất. Anh Hòa là người có thể chơi được một số nhạc cụ như khèn bè, sáo, khắp của người Thái… Những thanh niên trong bản ít nhiều cũng có thể chơi một nhạc cụ nào đó. Ngày Tết Nguyên đán hay các lễ, hội như cúng rẫy, mừng cơm mới, đám cưới, mừng nhà mới bản lại mở hội rượu cần.
Đặc biệt hàng năm vào ngày 29/5 âm lịch, bản Tặng Phăn lại mở hội cầu mùa. Đó được coi là ngày hội riêng của bản, mỗi năm chỉ làm một lần để bắt đầu mùa gieo hạt mới. Vào ngày hội này người ta góp tiền mua một con lợn để cúng cầu mùa vụ tốt tươi. Cũng như người Khơ mú, trong ngày hội này không thể thiếu rượu cần.
Trong bản có một ngôi đền nằm cạnh dòng suốt Huồi Phăn quanh năm suốt tháng rì rầm chảy. Ông Lương Văn Việt cho biết, dù ở gần mép nước như vậy từ khi người ta đến lập bản nhưng chưa bao giờ bị lũ quét làm hư hại. Bởi vì kết cấu ngôi đền đều được làm bằng gỗ nên cứ sau dăm ba năm dân bản lại phải tu sửa ngôi đền.
Cũng như bao ngôi đền khác, đền bản Tặng Phăn được làm rất đơn giản. Bên trong chỉ có một kệ để bày mâm lễ trong ngày cúng đền. Trước kệ là nơi bày rượu cần. Cạnh ngôi đền là cây gạo cổ thụ, tương truyền đã hàng trăm năm tuổi. Đây là nơi những đàn ong vò vẽ cứ hàng năm lại về xây tổ.
Bản Tặng Phăn là một điểm đến thú vị cho những người thích khám phá. Con người nơi đây cởi mở trong lối sống và tỏ ra hào hứng với sự xuất hiện của những vị khách lạ. Tuy vậy, cuộc sống nơi đây vẫn còn khó khăn về cơ sở vật chất, nơi ăn chốn ở có thể chưa phù hợp với những người miền xuôi. Nếu ai có ý tưởng qua đêm tại đây phải liên hệ nơi ăn, chốn ở trước.
Hữu Vi