(Baonghean.vn) -Ngày Xuân, các bản làng của huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) rộn rã tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí và tiếng chày khắc luống làm nên bản nhạc ngân vang khắp núi rừng. Nhưng đã 2 năm nay, bản hợp xướng của núi rừng Tương Dương đã vắng tiếng khèn của nghệ nhân Vi Đình Công, người từng được ví là “bảo tàng âm nhạc” của dân tộc Thái.
 
Nghệ nhân khèn bè của bản Chắn (xã Thạch Giám) đã ra đi, không biết do ngẫu nhiên hay sự sắp đặt của số phận mà ông lại ra đi vào giữa mùa Xuân, và sinh thời ông rất yêu thích mùa Xuân.
 
Một chiều mùa Xuân 5 năm về trước, khi đến đầu bản Chắn gặp một ông lão đứng thổi khèn, chung quanh là đám nam nữ thanh niên đang cổ vũ. Tiếng khèn bè lúc trầm lúc bổng, khi réo rắt khi khoan thai. Giai điệu tiếng khèn hòa cùng hương sắc, thanh âm của đất trời vào Xuân khiến cho những người khách miền xuôi dâng lên bao nỗi bồi hồi, xao xuyến. Khi tiếng khèn vừa dứt, chúng tôi theo chân ông lão về căn nhà nhỏ nằm giữa bản Chắn. Sau khi mời khách nhấp mấy chén rượu ngâm rễ cây rừng, người đàn ông thổi khèn bắt đầu mạch tâm sự về cuộc đời và cái duyên, cái tình với chiếc khèn bè.
 
Ông tên là Vi Đình Công. Từ khi còn rất nhỏ, cậu bé bản Chắn này đã ao ước có được một chiếc khèn bè, bà mẹ của cậu đã đổi 2 bế lúa nếp cho một cụ già trong bản để lấy chiếc khèn tốt nhất. Từ khi có khèn, cậu bé Công thường tìm đến nhà các cụ già thổi khèn giỏi để học. Thấy cậu bé đam mê với chiếc khèn, ai cũng hướng dẫn một cách chu đáo, tận tình. Nhờ đó, chẳng bao lâu sau, Vi Đình Công trở thành một trong những người chơi khèn bè hay nhất bản. Chiếc khèn theo cậu bé lên nương, lên rẫy và ra sông chài cá. Mỗi khi có phút giây ngơi nghỉ, chiếc khèn trở thành bầu bạn và nơi gửi gắm tâm tình với núi rừng, sông suối. Lớn lên, không chỉ thổi khèn hay, Vi Đình Công còn học cách chế tác khèn bè và một số loại nhạc cụ khác như sáo, pí của người Thái, người Mông, Khơ mú và Ơ đu.

Ngày ấy, tiếng khèn của Vi Đình Công khiến bao cô gái phải thổn thức, nhớ mong. Vào những đêm trăng, anh thanh niên bản Chắn thường ra bãi sông thổi khèn. Nghe tiếng khèn, trai gái các bản đều tìm đến chung vui. Đến tuổi trưởng thành, Vi Đình Công được gia nhập đội Tuyên truyền văn nghệ cách mạng. Bước chân ông đã đi khắp các bản làng miền Tây xứ Nghệ để cổ vũ đồng bào các dân tộc nơi đây tích cực tăng gia sản xuất, chi viện cho chiến trường. Trên hành trình rong ruổi khắp các bản làng để phục vụ kháng chiến, Vi Đình Công đã bén duyên với Lô Thị Khoành, cô gái Thái quê ở xã Nga My, người chuyên hát các làn điệu dân ca Thái của đoàn văn nghệ. Chiến tranh kết thúc, vợ chồng Vi Đình Công trở về bản sống cuộc đời bình dị và hạnh phúc.
 
Trở về với nương rẫy, suối khe, vợ chồng Vi Đình Công vẫn gắn bó thiết tha với tiếng khèn, câu lăm, điệu xuối. Người chồng hàng ngày vẫn miệt mài truyền dạy cách chế tác và sử dụng khèn bè cho lớp trẻ. Còn người vợ say sưa với câu khắp, câu nhuôn. Mái nhà gỗ đơn sơ nhưng không lúc nào vắng tiếng khèn, điệu hát. Ông bà được xem là những người lưu giữ “kho báu” âm nhạc dân tộc Thái. Vì thế, Nhà nước đã quyết định trao tặng ông danh hiệu Nghệ nhân dân gian.
 
Sau đó, mỗi lần có dịp lên Tương Dương, chúng tôi thường ghé thăm vợ chồng nghệ nhân Vi Đình Công để được đắm mình trong âm thanh mượt mà của chiếc khèn bè và giai điệu rộn ràng, sâu lắng của những khúc dân ca Thái. Cuối năm 2011, hay tin ông bị tai biến mạch máu não, chúng tôi lại vượt cầu treo bản Chắn sang thăm. Nhìn khách tới thăm, vẻ mặt ông lúc phấn khởi, lúc lại đăm chiêu. Con cháu ông bảo rằng, từ ngày bị tai biến, ông lúc nhớ lúc quên, có lẽ ông đã nhận ra người quen nhưng còn rất mơ hồ. Năm đó, ông ở vào độ tuổi 77. Hỏi về việc thổi khèn, ông với tay lên đầu giường lấy chiếc khèn bè rồi đưa lên thổi. Rướn hết sức bình sinh để chiếc khèn phát ra âm điệu nhưng nó chỉ phát ra vài tiếng “tu tu” rồi ngừng bặt. Người nghệ nhân già ấy đã sức tàn, lực kiệt...

Nhưng dường như không thể tin hoặc không chấp nhận sự thật ấy, ông cất lời phân bua: “Cái khèn này bị hư rồi, ta không thổi được!”. Bàn tay ông lại mân mê chiếc khèn như để lần tìm những tháng ngày xưa cũ...
 
Mùa Xuân năn 2012, chúng tôi nhận được tin nghệ nhân dân gian Vi Đình Công về với cõi Mường Trời, mang theo cả một kho tàng âm nhạc quý giá của dân tộc Thái. Bởi lẽ, thế hệ sau không còn ai thổi khèn điêu luyện và chế tác khèn tinh xảo như ông. Ngay cả anh Vi Đình Hải - con trai trưởng được ông chuyên tâm rèn giũa cũng chưa thể đáp ứng được lòng mong mỏi của người cha. Lúc này, ai cũng bồi hồi, luyến tiếc vì sự vắng mặt của nghệ nhân khèn bè nức tiếng một thời.
 
Xuân này lên Tương Dương, chúng tôi nhớ mãi lời ông Vang Văn Phùng (bản Phòng, xã Thạch Giám): “Mùa Xuân, vắng tiếng khèn của nghệ nhân Vi Đình Công, người dân nơi đây cảm thấy như thiếu vắng một phần tâm hồn mình”.


Công Kiên