(Baonghean) - Đồng bào dân tộc Thái chiếm số lượng lớn nhất trong cộng đồng dân tộc thiểu số đang sinh sống tại Nghệ An. Địa bàn cư trú của người Thái cũng như các dân tộc khác chủ yếu nằm ở các huyện miền núi phía Tây. Tuy nhiên, ở huyện Quỳnh Lưu, một huyện đồng bằng phía Đông - Bắc Nghệ An cũng có khoảng hơn 1000 người Thái, tập trung ở 5 bản: Nam Việt, Tân Tiến, Tân Thành, Bắc Thắng (xã Tân Thắng) và Trung Tiến (xã Quỳnh Thắng).

Xem Bài 6: Bản sắc của người Thổ ở Giai Xuân

Chạy xe dọc theo con đường tít tắp qua những đồi mía, sắn và dứa, tôi bắt đầu nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên của đồng bào dân tộc Thái ở xã Tân Thắng, Quỳnh Lưu. Ở nơi đây, đất rộng, người thưa, cứ cách vài quả đồi mới có dăm ba nóc nhà tụm lại với nhau. Người dân đắp những lối đi nhỏ, gồ ghề men theo chân đồi thoai thoải, và dọc bờ con đập chứa nước để đi đến nhà nọ nhà kia. Đi nhầm mấy lần, tôi mới tìm đúng nhà ông Hà Văn Chùm, trưởng bản Tân Tiến. Ông Chùm cho biết, nguồn gốc người Thái ở bản Tân Tiến cũng như các bản khác ở xã Tân Thắng và Quỳnh Thắng, đều từ Thanh Hóa di cư sang, tính đến nay là đời thứ 4. Ngày xưa, ông bà đi sang vùng đất này khai hoang, rồi ở lại, lập thành bản làng với tên gọi Ồ Ồ, Đá Bạc... Dần dần, họ sinh con đẻ cái, rồi tách ra làm 5 bản như bây giờ. Hiện ở Tân Tiến có 66 hộ và hơn 250 nhân khẩu, đều là người Thái. “Dân bản ở đây lấy chồng, lấy vợ là người Thái cả, bây giờ thanh niên mới lớn lên, đi học hành, ra ngoài nhiều thì mới cưới người dưới xuôi thôi. Nhưng bản của tôi cũng mới có 3 gia đình lấy về người dân tộc Kinh, nên gần như người Thái hoàn toàn. Đáng buồn, bản sắc người Thái ở nơi đây đang ngày một mai một, mất mát đi nhiều lắm”.

790616_small_91711.jpg

                                Ngôi nhà gỗ của gia đình ông Lữ Văn Thiêm.

Bà con vẫn giữ tiếng nói của dân tộc Thái và một số phong tục tập quán: Ngày cưới, cô dâu mặc váy Thái, rửa chân trước khi vào nhà chồng. Trẻ con sinh ra, sau 3 ngày sẽ được làm lễ cầu vía, vì theo quan niệm từ xưa của ông bà tổ tiên, trẻ con sinh ra vì quá sợ hãi, khóc mất hồn mất vía nên phải kêu về. Người chết, sau 1 năm hết khó, thì chỉ cúng giỗ 1 lần, gọi là lễ ma khô, vào năm nào cũng được nhưng làm rất to, mổ trâu, bò, lợn gà mời tất cả anh em họ hàng và dân làng đến ăn. Ngày Tết, những gia đình người Thái ở đây làm lễ cúng vào ngày mùng 1, gọi tổ tiên, ông bà ở trên trời trở về, mâm cơm có rượu, thịt nướng, cá nướng, bánh chưng, bánh tét, và bánh móm (cây chuối non thái nhỏ, băm với cá, gói lá chuối hấp lên)… Đấy là những thứ không thể thiếu. Tuy nhiên, các trò chơi dân gian ngày Tết, điệu hát, những ngôi nhà sàn, trang phục người Thái… dường như đã mất dấu trên mảnh đất này.

Bà Lữ Thị Khiền, vợ ông Chùm, ngồi giở cho tôi xem những cái gối, chăn, túi, và váy áo… do tự mình thêu và khâu lấy, rồi bảo: “Đây là làm cho con gái về nhà chồng đấy, mình có 2 đứa con gái, nhưng chúng nó không biết thêu nữa, mẹ phải làm cho. Những thứ này giờ đi mua cũng có, đẹp thì đẹp thật, nhưng vải mỏng và cứng lắm. Tự tay mình thêu, thế mới quý, đem tặng mới có ý nghĩa".



                             Những sản phẩm tự thêu của bà Lữ Thị Khiền.

Bà Khiền nhớ lại, ngày xưa thời còn con gái trước khi về nhà chồng, mình phải tự trồng bông, rồi kéo sợi, dệt thành vải và may đầy đủ trang phục, chăn, gối, túi… cho mình và làm quà cho anh em, họ hàng hai bên nhà trai, nhà gái. Ngoài thời gian đi làm trên rãy, cứ vào buổi trưa và ban đêm là ngồi thêu, mẹ cũng thêu cho một ít và nếu có chị dâu nữa thì chị sẽ giúp, nhưng chủ yếu vẫn là mình.

Nhưng bây giờ, ở đây, những người còn chịu khó thêu tay như bà Khiền rất ít: “Không còn mấy ai biết tự làm như thế này nữa đâu, khung cửi cũng không còn nữa, người già thì yếu, mà bọn trẻ thì không học. Con gái mình bảo với mình là học chữ mới khó, chứ thêu thì dễ không à, nhưng đến khi đưa sợi cho làm thì không biết làm”, bà Khiền phàn nàn vậy.

Cách đây vài năm, vẫn còn một số ít những ngôi nhà sàn, giờ thì dân bản đã dỡ hết để làm nhà gạch. Tôi tìm đến nhà ông Lữ Văn Thêm, một ngôi nhà gỗ hiếm hoi còn lại ở thôn Tân Tiến. Ông Thêm nói: “Thời ông bà vào đây đều dựng nhà sàn cả, thời gian lâu quá rồi, nhà cũng bị hư hỏng,  nên dân bản dỡ hết đi để xây nhà bê tông. Nhà tôi đang khó khăn, vài năm nữa có tiền tôi cũng xây nhà bê tông để ở”. Rót bát nước chè, ông trầm ngâm nói về nét độc đáo của dân tộc mình: “Bản sắc người Thái chúng tôi ở đây chẳng còn mấy nữa. Chúng tôi nói tiếng Thái, nhưng lại không hát được những bài hát bằng tiếng Thái. Các trò chơi ném còn, đánh đu, nhảy sạp giờ cũng không có mấy người chơi. Rượu cần không ai ủ, lâu lâu Tết đến cũng có nhà đưa về, nhưng uống chúc nhau, chứ không ai biết uống theo luật cả”.

Cả bản Tân Tiến, giờ chỉ còn lại mỗi một cái cồng của nhà bà Chinh, nhưng tiếng nó vang lên không đúng nữa, nên không treo lên. Lớp người già thì vẫn nhớ, vẫn biết đánh cồng, còn lớp trẻ lớn lên ít người biết lắm.

Dân bản giờ ai cũng chỉ lo làm ăn thôi, lo cây mía, cây sắn, quả dứa trên đồi sao kịp bán cho nhà máy. Cuộc sống bớt đi khó khăn, no ấm hơn nhiều đời ông cha ngày xưa bổ những nhát cuốc đầu tiên khai hoang mảnh đất này. Rồi những ngôi nhà bê tông mái ngói đỏ được xây lên, dân bản mừng vì khỏi lo mưa gió, nhưng mỗi mùa Xuân qua đi, họ lại thảng thốt, chạnh lòng tiếc và nhớ cái bản sắc của mình ngày một bị lãng quên, không biết làm thế nào để níu giữ lại...


Hồ Lài