Cách xa Hà Nội hơn 300 cây số, nhưng lòng tự hào về một Thủ đô 1000 năm văn hiến vẫn luôn tràn đầy trong mỗi người con Nghệ An. Tình yêu đó được một nhà sưu tầm ở Thành phố Vinh gửi gắm và sẽ giới thiệu tại Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Nhìn bề ngoài, ngôi nhà ba tầng của nhà sưu tập Nguyễn Quyết Thắng cũng giống như nhiều ngôi nhà khác trong thành phố. Vậy nhưng, chỉ cần bước chân lên cầu thang, một không gian khác đã xuất hiện với rất nhiều những chiếc ấm, chiếc bát, chiếc đĩa sần sùi có niên đại hàng trăm năm được bày biện khắp trong nhà. Cùng với đó, những bộ gỗ lũa mô tả đủ các hình dáng cũng được chủ nhân bày từ chân cầu thang lên đến toàn bộ phòng khách. Nhìn người mới đến ngạc nhiên, anh Thắng cười cười: "Đó là niềm đam mê hơn 40 năm qua của tôi đấy!".

763371_small_58215.jpgBộ sưu tập đồ nung cổ, những chú rùa hoá thạch và bộ gỗ lũa hình con rùa tham dự 1000 năm Thăng Long-Hà Nội

Thú sưu tầm của anh Thắng có từ những ngày còn nhỏ, bắt đầu từ những viên đá, viên sỏi có hình thù đặc biệt. Lớn hơn một tý, mỗi lần thấy có người qua nhà mang theo những chiếc chai, chiếc lọ hoặc những chiếc bình đặc biệt anh lại "xui" bà của mình mua dù đôi khi không biết mua về để làm gì.

Tích lũy qua nhiều năm, anh đã có trong tay một bộ sưu tập đồ cổ khá phong phú, trong đó có những đồ có niên đại hàng nghìn năm. Anh cũng nổi tiếng trong giới chơi đồ cổ, biệt danh Thắng "thần kinh thép". Khi đã yêu một món đồ nào thì dù có mặc cả đến đâu anh cũng nhất định không bán. Hơn chục năm trở lại đây bên cạnh đồ cổ, anh có thêm một thú chơi khác, đó là chơi "gỗ lũa". Với môn nghệ thuật đặc biệt này anh có một niềm đam mê kì lạ và chính điều đó đưa anh đến với đại lễ 1000 năm Hà Nội.

"Đến với cuộc triển lãm ở Hà Nội, đó là một điều may mắn cho tôi" - anh Thắng thú nhận. Vốn là hội viên Hội Sinh vật cảnh Nghệ An đã nhiều năm nay và cũng đã cùng với hội đi dự triển lãm nhiều nơi, anh vẫn không nghĩ những sản phẩm của hội lại được tỉnh chọn đi để tham gia gian hàng triển lãm của Nghệ An dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Chuẩn bị cho sự kiện trọng đại đó, suốt một năm nay các anh cất công "lên rừng xuống biển" nhiều lần để hoàn thiện các bộ gỗ lũa nghệ thuật. Với riêng anh, trong triển lãm lần này anh có tham gia bốn bộ trong đó có những bộ rất đặc biệt như bộ "Năm cánh hoa" - mô phỏng Sao Vàng năm cánh, bộ "Con rùa", gợi nhớ đến cụ Rùa hàng trăm năm tuổi ở Hồ Gươm.

Đưa chúng tôi xuống khoảng sân đang bày la liệt các bộ gỗ lũa để chờ ngày mai chở ra Hà Nội triển lãm, anh Thắng nói thêm: "Tất cả đều làm bằng gỗ nu đấy, một loại gỗ quý hiếm..."!

Bốn bộ gỗ lũa nghệ thuật để tham gia triển lãm ở Mỹ Đình (Hà Nội) chưa phải là tất cả. Anh còn ấp ủ một ước mơ lớn hơn, là đem giới thiệu bộ sưu tập 100 con rùa hóa thạch đến Hà Nội giới thiệu với đông đảo công chúng cả nước từ đó sẽ tổ chức một buổi từ thiện bán đấu giá, và dành một phần tiền bán được cho Quỹ Vì người nghèo tỉnh nhà.

Bộ sưu tập 100 con rùa hóa thạch có thể xem là cực kì quý hiếm hiện nay. Về xác định niên đại, một số nhà chuyên môn cho rằng nó có tuổi đời hàng triệu năm và không hiểu vì một biến cố nào những chú rùa này mới vừa mới sinh ra đã bị hóa thạch.

Không những thế, trong ổ rùa đã hóa thạch này còn có hai trứng rùa nguyên vẹn, trên đó còn có hai chú rùa con vừa mới hé đang chờ ra đời. Nói về nguồn gốc của những chú rùa, anh chia sẻ: "Tôi bất ngờ mua được nó từ một người dân tộc. Khi họ đem đến giới thiệu tôi không tin vào mắt mình, hàng mấy tháng sau mỗi khi nghĩ đến bộ rùa hóa thạch, tôi vẫn còn run...".

Với anh sưu tầm cổ vật là một niềm đam mê, một cái nợ và cũng là niềm vui bởi ở đó, anh tìm lại được hồn quê của mình, giá trị của dân tộc mình !
Mỹ Hà - Khánh Ly