Mưa xuân lất phất. Không gian làng quê như bị xáo động bởi những bước chân rộn ràng của bà con đi sắm tết. Theo chân mọi người chúng ta sẽ đến với một chợ quê nằm kề con sông Lam bốn mùa ăm ắp nước - đó chính là chợ Rộ.
Chợ được nằm trên mảnh đất xưa kia vốn thuộc tổng Võ Liệt, một địa danh đã được ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử, nay thuộc xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Không phải ngẫu nhiên mà từ ngày xưa người ta đã chọn mảnh đất này làm nơi trao đổi mua bán các mặt hàng truyền thống mà chính bởi nó có sự thuận lợi về mặt giao thông cả đường sông lẫn đường bộ, địa hình bằng bằng phẳng lại nằm gần bến sông , đồng thời đó cũng chính là tâm điểm của các vùng lân cận.
Thường thì ở các xã đều có chợ nhưng quy mô nhỏ hơn và một tháng cũng chỉ họp được vài phiên và vào những ngày nhất định. Riêng với chợ Rộ thì họp cả 30 ngày trong tháng và cứ cách 5 ngày, tức là vào những ngày 5,10,15 .. hàng tháng lại có một phiên chính. Vào khoảng tháng Chạp, từ độ 25,26 trở đi dường như ngày nào chợ cũng rất đông, từ tờ mờ sáng cho đến tận quá trưa, khắp các ngả đường dẫn đến chợ, người người, nhà nhà nô nức gồng gánh rộn ràng như đi trẩy hội. Người từ trong tổng đổ về, người từ mạn dưới đổ lên, thậm chí bà con phía hữu ngạn sông Lam cũng vất vả chen lấn nhau trên những chiếc đò ngang chật căng người để sang chợ Rộ sắm tết. Họ đổ về đây để mua, để bán và cũng có không ít người đi chợ chỉ để tham quan, tìm hiểu...
Mặc dù diện tích của chợ không lớn nhưng cũng có gần 40 cái chòi được dựng lên từ tranh tre có bày bán đầy đủ các sản phẩm từ chính làng quê. Vẫn là hàng quần áo, hàng thịt, hàng cá, hàng bánh kẹo, hàng nón lá... nhưng vào những ngày áp tết thì hàng hoá từ khắp nơi đổ về nhiều vô kể. Ngay từ phía cổng chính là màu xanh ngan ngát từ hai hàng lá dong đều tăm tắp được bày trên những quang gánh trĩu nặng, đi sâu vào nữa là hàng lúa gạo, lúa nếp. Các bà, các o vừa đon đả mời chào vừa dẻo tay sàng sảy từng mớ gạo, cân nếp theo đúng yêu cầu của khách khiến cho không khí chợ có một nét gì đó rất riêng, rất vui nhộn. Kề hàng gạo là hàng hoa quả với những chiếc mủng chứa đầy chuối, cam, quýt, ổi, hồng xiêm.. những sản vật của mỗi nhà, mỗi khu vườn được để dành trên cây cho đến tận hôm nay mới được các bà, các mẹ đưa ra chợ bán. Màu xanh của rau lá, màu đỏ, màu vàng của cây trái... được hoà quện cùng mùi thơm từ hàng hương trầm gần đó tràn sang càng khiến cho lòng người đi chợ rộn ràng hơn bởi hương vị tết gần kề.
Nếu đi vào hàng tranh... quả thật chúng ta sẽ bất ngờ khi được nhìn ngắm hình ảnh của những chú cá chép trông trăng, những con công sặc sỡ cùng đủ các loại câu đối thắm đượm những lời chúc tốt lành đang đung đưa dưới các lán hiên đã làm sáng hẳn một góc chợ. Sản phẩm tranh ở đây chủ yếu được làm từ giấy, từ các loại mành... giản dị và dân dã nhưng lại phù hợp với sở thích của nhiều người dân nơi đây. Đi chợ tết có lẽ không ai vô tư và thoải mái như bọn trẻ con chúng tôi, được cầm trên tay những quả bóng đủ sắc màu, được ăn đủ thứ như kẹo dồi, mứt gừng, bánh ong... được len lỏi nhìn ngắm các loại hàng hoá ngon lành và đẹp mắt, được rón rén lại gần háng pháo nấp sau lưng người lớn để có thể xem, nghe tiếng nổ lẹt đẹt, đì đùng từ những băng pháo xanh đỏ đẹp mắt. Có lúc lại chạy tới, chạy lui để nghịch những bó hoa giấy rực rỡ cắm xen kẽ các loại bóng bay đang tung tẩy trên các bó chổi đót bó chặt, rồi những cành mận, cành đào tuy xù xì, khắc khổ nhưng lại kiêu kỳ khoe những búp, những chồi lộc sặc sỡ và xanh mướt dưới những ánh mắt rạng ngời của người bán.
Nét đặc biệt của phiên chợ Tết nơi đây là ở một góc nhỏ của chợ còn có cả những gánh cỏ non nặng trĩu. Có lần vì tò mò, tôi đã hỏi mẹ "Ngày tết người ta bán cỏ để làm gì hả mẹ"? Mẹ cốc đầu tôi và bảo: "Mình ăn tết cũng không được quên các con vật nuôi trong nhà vì đối với con người tết là được ăn bánh chưng, bánh kẹo nhưng đối với trâu bò thì cỏ luôn là món ngon nhất đó con".
Đến sáng ngày 30, chợ vẫn họp nhưng người đi chợ đã vãn hơn hẳn bởi lúc này chỉ còn lại những người đi sắm tết muộn vì bận việc gì đó, hoặc là những người đi xa về còn cố gắng tạt qua chợ mua một ít món quà cho gia đình, còn tất cả đang tất bật với những mâm cỗ cúng gia tiên ở nhà trước khi bước vào thời khắc quan trọng của một năm mới với những niềm vui và hy vọng mới.
Chợ Rộ bây giờ vẫn giữ lối họp như ngày xưa, vẫn giữ nguyên diện tích cũ nhưng hàng hoá thì phong phú và đa dạng hơn. Chiếc cầu mới được bắc qua sông đã tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho bà con bờ hữu ngạn sang mua sắm.Và có lẽ trong thời gian tới chợ sẽ được di chuyển đến một địa điểm mới rộng hơn song các cấp chính quyên, đặc biệt những người đã từng sống, từng gắn bó và hiểu về chợ Rộ đang lo liệu có làm thay đổi đi giá trị truyền thống của nó không? Bởi lúc này đây chợ Rộ vẫn luôn là tâm điểm thu hút nhiều người tới, là "trung tâm" buôn bán của cả vùng tả ngạn, đặc biệt là những ngày áp tết. Phải chăng đây là một điểm riêng, một nét duyên mà chợ Rộ đã góp phần đóng góp một chút vào bản sắc văn hoá quê hương, giống như một món ăn đã từng nổi tiếng một thời:
Quê ta ngọt mía Nam Đàn
Ngoan khoai chợ Rộ, thơm cam Xã Đoài.