Lên Nậm Cắn tìm đào đá
Xé màn sương dày đặc bao phủ núi rừng trong cái giá lạnh gần 00C chúng tôi lên Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn. Những năm trước, khi vượt qua dốc Noọng Dẻ sau rằm tháng Chạp, màu đào đá rợp phủ con đường QL 7. Năm nay chỉ lác đác, thi thoảng có vài ba hộ người các bản Mông Trường Sơn, Tiền Tiêu có đào dựng cửa để bán. Cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn ngày cuối năm sôi động bởi người xe xuất nhập cảnh, phục mãi gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới thấy 3 xe chở đào tiến về từ phía cửa khẩu Bạn. Trong vai người buôn đào, tôi tiếp cận ngay với các chủ xe thì được biết đây là xe của các ông Hoàng Văn Giàu (Yên Thành) và Nguyễn Minh Đức (TP. Vinh) là những chủ tổ hợp làm mộc, xây dựng từ Thị xã Pônxavẳn (Xiêng Khoảng - Lào) về quê ăn tết đem theo mấy cành về làm quà chứ không bán. Ông Đức cho biết: năm ngoái cũng đưa về chừng này nhưng khi xuống Mường Xén thấy đào được giá, bên Noọng Hét lại có sẵn liền cho xe quay lại chở mấy chuyến, cũng kiếm được kha khá. Còn năm nay thì bên Lào đào cũng rất hiếm, lại không có cành đẹp. Mấy cành này cũng phải đặt hàng bà con khá lâu ở tận núi cao vùng rẫy xa mới có được.
Vẫn trong vai một lái đào đá tôi lần xuống bản Mông Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn để tiếp cận với một số tay bán đào thổ địa. Nhà Hờ Dua Chày nằm sát cạnh đường cái có mấy cành đào đá vừa mới chặt về nhựa còn bám vàng một lớp phía dưới. Thấy có khách mua đào, Dua Chày mừng lắm chạy ra đon đả nói tiếng Việt lơ lớ: " Anh muốn mua đào ạ! Đào ta vừa mới chặt trên rẫy về đó! Mỗi cành 30 ngàn đồng. Ta bây giờ mới chỉ có 4 cành thôi, muốn mua nhiều phải chờ 2 ngày nữa mà phải đặt cọc trước một nửa đó...". Theo Dua Chày thì đào đá chỗ gần đường không còn nữa mà phải lên tận rẫy cao, phải đi bộ 3 tiếng đồng hồ mới đến được. Đào đẹp thì phải sang tận bản Phà Viên, Long Quảng (Noọng Hét - Lào) mới có được, còn ở Kỳ Sơn thì không thể tìm ra. Năm ngoái Dua Chày bán được chừng 20 cành, nhiều nhất bản là Hò Lênh Chư bán được 40 cành. Vài năm trước, bản Tiền Tiêu có hơn 70 hộ thì gần nửa cứ dịp Tết lại vào rẫy chặt đào về bán, năm nay, đào chưa lên kịp thấy khách đến hỏi mà tiếc, lại tựa cửa nhìn lên đồi.
"Ông Đà đào đá"
Trong lúc đào đá (đào Lào hay đào Mông) đang bị triệt hạ một cách vô tội vạ bán thương phẩm vào dịp Tết, thì tại bản Trường Sơn (Nậm Cắn) vẫn còn nguyên vẹn một vườn đào đá đang rộ nở hoa. Trên diện tích 2 ha, ông Lỳ Phá Đà trồng đến 700 gốc bố trí theo hàng đồng mức từ phía mép đường QL7 ngược lên phía trên. Theo sự hướng dẫn của ông Đà, tôi ngược lên thăm vườn. Từ lâu tôi đã biết đến đào đá, nhưng để ngắm cả vườn đào với nhiều chủng loại đang trong thời điểm hoa nở rộ thì đây là lần đầu. Những cành đào rêu phong sần sùi uốn lượn kỳ quái qua bàn tay chăm sóc, tạo hình của ông Đà. Cành cây sần sùi già cỗi chắt chiu ngậm tròn những nụ theo hình chiếu thuỷ đang chờ bật nở khi mùa Xuân về. Ông Đà cho biết, vườn đào được ông lấy giống từ Noọng Hét, bắt đầu trồng từ năm 1975 sau khi ông chuyển từ bản Pục Sản ra sống ngoài này. Sau hơn 30 năm, vườn đào của ông có 3 loại chủ yếu chiết ghép từ đào Lào: đào sừng bò, đào dẻo và đào hoa chim, trong đó đào sừng bò là loại đẹp nhất. Ông Đà cho biết, trước đây ông trồng đào là để ăn quả nhưng rồi do nhu cầu khách chiêm ngưỡng nên đã cắt tỉa một số cành bán hoa. Tết năm ngoái ông bán 100 cành, thu về 4 triệu. Có thêm kinh phí ông lại chiết ghép trồng thêm 450 gốc cây mới. Theo ông, để cây đào không bị ảnh hưởng ở những mùa sau thì lúc cắt tỉa phải chọn cành, không cắt ẩu, cắt xong phải chăm sóc uốn lượn để tạo thế cho những cành mới. Ông rất lo về tình trạng chặt phá như hiện nay thì chẳng mấy chốc đào đá bản Mông sẽ biến mất.
Sẽ chỉ còn chuyện kể
Sau khi đào Nhật Tân với mọi kiểu dáng không còn là sở thích của các gia đình trong dịp Tết cổ truyền thì đào đá với sự cổ kính, huyền bí đã chiếm lĩnh ngôi vị số 1. Chính nét đẹp bản sắc, và giá trị thương phẩm mà đào đá đã trở thành mục tiêu săn lùng của các thương lái, cũng như người dân địa phương. Tại địa bàn Kỳ Sơn, đào đá về xuôi không chỉ qua Nậm Cắn mà còn từ Tây Sơn, Mường Lống, Huồi Tụ, rồi từ Na Ngoi, Nậm Càn theo đường khe Kiền đi xuống... Và hành trình của cành đào từ ngược về xuôi được cõng trên mọi phương tiện từ xe tải, xe khách, xe tẹc... đến xe máy, xe con... cả xe chở hàng lậu?. Không thể thống kê nổi vào mỗi dịp tết có bao nhiêu phương tiện chở đào và chở bao nhiêu cành mà chỉ biết rằng đào đá ngày càng cạn kiệt, mà theo tâm sự của một số người dân Thị trấn Mường Xén năm nay mua được cành đào đá đẹp để ăn tết rất khó? Đào đá đang đứng trước thảm hoạ bị phá hoại nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh tồn của một loại cây tự nhiên trong hệ thống các loại cây rừng phòng hộ. Đào đá sẽ vẫn còn là vốn quý nếu đồng bào Mông ngày càng nhiều người như ông Lỳ Phá Đà - hiểu được giá trị tinh thần bản sắc để gìn giữ bảo vệ nó.