(Baonghean) - Tuần qua, bài viết “Bàn cho đúng, luận cho ngay” của CTV Duy Hương đăng trên Nhật báo ngày 26/7 nhận được số phiếu bình chọn cao thứ Ba. Bài viết bàn về những ý kiến xung quanh bản dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo hiện đang lấy ý kiến trước khi trình ra Quốc hội; qua đó, nhắn nhủ những người cầm bút rằng “Đã bàn thì phải bàn cho đúng và đã luận thì phải luận cho ngay. Đừng bẻ cong ngòi bút vì bất cứ thứ lợi lộc nào…”.

Bản dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế soạn thảo hiện đang lấy ý kiến trước khi trình ra Quốc hội. Trong đó có việc cấm bán rượu từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau. Khi thông tin này được đưa ra, tạo nên những luồng dư luận trái chiều. Phần lớn các ý kiến đều cho là không có tính khả thi, cho rằng đó là “một quy định trên trời”. Theo tác giả thì, điều này “Không mới nhưng thấy hơi lạ. Là vì, hầu như ai cũng hiểu và nhìn thấy rõ tác hại của rượu bia, nhưng khi nói chuyện cấm thì lại không mấy người ủng hộ mà viện dẫn ra đủ mọi lý lẽ để phản bác theo kiểu “băn khoăn về tính khả thi”.
Đồng thời phân tích nguyên nhân khiến dư luận phản đối quy định này: Thứ nhất, Nếu dự thảo thành luật và được ban hành, người ta lo ngại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến ngành rượu, bia. Thứ hai,  dự thảo luật cấm các đối tượng “Người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, người bị bệnh lý, người tham gia giao thông…” không được sử dụng rượu bia. Người ta đặt câu hỏi là kiểm soát những người đó như thế nào? Và quan trọng nhất là cơ quan nào, đối tượng nào được quyền kiểm tra như thế? Việc kiểm tra đó có vi phạm quyền công dân? Có tạo ra sự cửa quyền, nhũng nhiễu công dân? Thứ ba, người ta lo ngại là việc cấm “bán rượu bia từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau” sẽ khiến các tụ điểm du lịch, vui chơi giải trí như vũ trường, nhà hàng thất thu vì vào thời điểm đó chỉ có những nơi đó còn mở cửa phục vụ khách. Thứ tư, Dự thảo Luật quy định “tất cả người từ 60 tuổi trở lên uống hơn 2 đơn vị rượu/ngày; với người dưới 60 tuổi là hơn 3 đơn vị rượu/ngày đều được coi là lạm dụng rượu bia”. Chả lẽ cơ quan chức năng thuê người đứng cạnh bàn tiệc ở các nhà hàng, quán bar,… để kiểm soát mỗi cá nhân chỉ được uống 2-3 lon bia hay 2-3 chén rượu? 
 
Soi xét một cách kỹ lưỡng và chu đáo để thấy, những lý do nêu trên chỉ là sự viện dẫn, biện minh cho những vụ lợi mờ ám. Cho nên, không nên mất thời gian bàn luận theo kiểu trên vì chẳng ích nước, lợi dân gì. Mà nên thấy Dự thảo Luật này là đúng đắn, phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như giữ sự ổn định xã hội. Cho nên việc cần bàn là bàn cách làm thế nào để dự thảo luật trở thành luật rồi đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả. Phải luận ra những ích lợi từ việc nghiêm cấm này. Chứ không được luận  cong qoeo, lung tung cuối cùng là lộ ra mục đích bảo vệ “lợi ích nhóm” rượu bia hay nhà hàng, vũ trường của một số “bồi bút” chuyên kiếm ăn bằng kiểu này. Tham gia bàn luận thì phải tỉnh táo đừng vô tình tiếp tay cho lợi ích nhóm.
 
 Nhà báo dùng ngòi bút là một công cụ để bày tỏ những quan điểm, ý kiến riêng của mình về những vấn đề, sự việc diễn ra hàng ngày trong đời sống xã hội. Sức mạnh báo chí đến từ cái tâm của người cầm bút, đến từ nội dung chân thật, từ ý tưởng chân thành mà người cầm bút tạo nên.  Trách nhiệm của chúng ta là làm cho xã hội này tiến bộ hơn, làm cho con người sống tốt đẹp hơn... Ở việc luận bàn về Dự thảo Luật phòng chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế này cũng vậy, trách nhiệm của người cầm bút là “bàn cho đúng, luận cho ngay”, tìm tiếng nói chung để dự thảo Luật sớm đi vào cuộc sống, xây dựng lối sống lành mạnh, tốt đẹp hơn... Vậy nên, xin dừng bẻ cong ngòi bút, đừng làm “miệng lưỡi cú diều”, càng không nên trở thành “bồi bút”.
 
Người xây dựng