(Baonghean) - 9 ý kiến, kiến nghị của 7 doanh nghiệp và Hội DN nhỏ & vừa, Hội DN tiêu biểu (tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp 2013 do UBND tỉnh tổ chức) phần lớn đề cập các vấn đề “nóng” hiện nay của các doanh nghiệp. Đó là: Lãi suất vay cao và khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng; công tác GPMB khó khăn; giá thuê đất chưa hợp lý; chậm trễ trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…
Lãi suất vay cao và khó tiếp cận được nguồn vốn của ngân hàng là vấn đề được các doanh nghiệp trong tỉnh rất quan tâm và có không ít đơn vị tỏ ra bức xúc trước thực trạng này. Bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quyết Thành phản ánh: “Cách đây hơn 1 năm, doanh nghiệp phải vay vốn hơn 10 tỷ đồng (vay trung hạn) từ Ngân hàng VPBank với lãi suất 15,5%/năm để đầu tư dự án khách sạn Quyết Thành tại đường Nguyễn Du – TP Vinh. Mặc dù ngành ngân hàng đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất cho vay nhưng đến nay doanh nghiệp vẫn phải trả theo lãi suất cũ và như vậy là quá cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp”.
Vấn đề doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao, đã được bà Nguyễn Thị Thu Thu – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An trả lời: “Từ năm 2012 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần giảm trần lãi suất huy động và đồng thời giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ mức 15%/năm từ năm 2012 xuống còn 9%/năm. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước còn đề nghị các ngân hàng thương mại giảm dần lãi suất đối với các khoản nợ cũ trên cơ sở khả năng tài chính của từng ngân hàng để chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp.
Đối với dự án đầu tư xây dựng khách sạn của doanh nghiệp Quyết Thành đang phải vay với lãi suất cao, Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu Ngân hàng VPBank xem xét, giải quyết kịp thời”. Và rất nhanh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An đã liên lạc với đại diện Ngân hàng VPBank và kết quả là đã thống nhất hạ lãi suất từ 15,5% xuống còn 13%/năm đối với dự án của doanh nghiệp Quyết Thành. Việc làm kịp thời này, đã được các đồng chí lãnh đạo tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Về vấn đề các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn của ngân hàng được Giám đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam – Chi nhánh Nghệ An giải thích: “Hiện nay tại các ngân hàng đang thừa vốn, nên các ngân hàng đang đẩy mạnh công tác tín dụng và tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn với lãi suất vay hợp lý, như Ngân hàng TMCP phát triển TP Hồ Chí Minh, Ngân hàng TMCP Á Châu, Ngân hàng TMCP Ngoại Thương, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Ngân hàng TMCP Công thương… Tuy nhiên khi cho vay, các ngân hàng phải tuân thủ đúng quy trình quản trị rủi ro, giảm áp lực xấu về sau, do đó chỉ các khách hàng có phương án sản xuất, kinh doanh, sử dụng vốn có khả thi… mới được vay vốn. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp nhận các ý kiến đóng góp của doanh nghiệp và phản ánh với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trong thời gian tới có những chủ trương, chính sách hỗ trợ tốt hơn đối với doanh nghiệp”.
Một vấn đề được doanh nghiệp quan tâm là công tác GPMB tại các dự án thực hiện rất chậm chạp, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án và nhất là làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ông Nguyễn Sỹ Văn – Giám đốc Công ty CP xăng dầu Nghệ An cho biết: “Hiện nay các cửa hàng kinh doanh xăng dầu của doanh nghiệp chỉ chiếm 10% tổng số cửa hàng trên địa bàn toàn tỉnh. Hiện nay, doanh nghiệp muốn phát triển thêm mạng lưới cửa hàng kinh doanh xăng dầu thì gặp rất nhiều khó khăn trong công tác GPMB.
Cụ thể, sau hơn 2 năm vẫn không thể giải phóng xong mặt bằng tại cửa hàng xăng dầu Bến Thủy – TP Vinh và tại Cửa hàng xăng dầu Diễn An – Diễn Châu cũng đang bế tắc vì GPMB chậm. Hiện nay công ty cũng đang khó khăn trong việc phát triển cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại miền núi”. Vấn đề này được ông Nguyễn Tài Dũng - Phó Giám đốc Sở Công Thương trả lời: “Các cửa hàng kinh doanh khó khăn trong việc GPMB cần phối hợp với các cấp, ngành liên quan để cùng giải quyết dứt điểm tình trạng này và hiện nay đã có quy hoạch mạng lưới phát triển hệ thống cửa hàng, doanh nghiệp muốn đầu tư phát triển thêm cửa hàng xăng dầu cần dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt, những dự án chưa nằm trong quy hoạch phải xem xét, đề nghị bổ sung đưa vào quy hoạch. Vướng mắc về GPMB của doanh nghiệp đầu tư xây dựng của hàng kinh doanh xăng dầu sẽ được ngành xem xét giải quyết kịp thời”.
Bức xúc trước việc tiền thuê đất của doanh nghiệp tăng gấp nhiều lần và đã liên tục kiến nghị với các cấp, ngành chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết, ông Nguyễn Tâm Thảo – Giám đốc Công ty CP sản xuất phân bón Việt – Mỹ tại Cụm công nghiệp nhỏ Nghi Phú nói rằng: “Hiện nay, tại Cụm công nghiệp nhỏ Nghi Phú có 18 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh ổn định đã hơn 5 năm và Công ty CP phân bón Việt – Mỹ thuê 4.168 m2 và với giá thuê ổn định chỉ gần 17 triệu đồng/năm, nhưng cuối năm 2012 giá tiền thuê đất lên đến hơn 100 triệu đồng/năm. Mặc dù Thông tư 16 của Bộ Tài chính (ngày 8/2/2013 hướng dẫn về việc giảm 50% giá thuê đất cho doanh nghiệp và chúng tôi đã làm hồ sơ xin giảm thuế nộp từ ngày 16/5/2013 tại ngành Thuế, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời cụ thể.
Đã vậy, mới đây doanh nghiệp lại nhận được thông báo nộp tiền thuế đất theo giá mới”. Công ty CP Quyết Thành hiện cũng đang phải chịu mức tiền thuế đất tăng gấp 10 lần so với giá cũ… Vấn đề này đã được lãnh đạo Sở Tài chính và Cục Thuế Nghệ An giải thích việc điều chỉnh tăng giá tiền thuê đất là đúng theo quy định của Nhà nước và theo đúng thực tế của từng đơn vị sử dụng đất. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp chưa được giảm 50% tiền thuê đất là do chưa đầy đủ hồ sơ, hoặc hồ sơ chưa đến đúng địa chỉ… Vì vậy, ngành Tài chính và Thuế sẽ kiểm tra, xử lý kịp thời vấn đề này.
Liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chậm, bà Hồ Thị Tâm – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Quyết Thành phản ánh: “Doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ gửi Sở Tài nguyên - Môi trường từ tháng 3/2013, nhưng mãi đến nay mới nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc làm chậm trễ này gây ảnh hưởng đến việc giao dịch, kinh doanh của doanh nghiệp”. Được biết, hiện nay tại một số dự án công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng đang gặp rất nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ kịp thời.
Những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp tại cuộc đối thoại doanh nghiệp năm 2013, đều được lãnh đạo các sở, ngành liên quan giải trình cụ thể. Tuy nhiên, việc trả lời của lãnh đạo một số sở, ngành chưa thực sự sâu sát, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và nếu không có những giải pháp quyết liệt để giải quyết kịp thời những vấn đề “nóng” của doanh nghiệp, chắc chắn trong kỳ đối thoại tới, sẽ có không ít doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục phản ánh lại những vấn đề đã nêu.
Mong muốn chính quyền luôn đồng hành, lắng nghe và cùng hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển, là không khí của hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2013 do UBND tỉnh tổ chức diễn ra rất thẳng thắn và cởi mở.
Nhiều vấn đề “nóng” đặt ra!
Hoàng Vĩnh