(Baonghean) - Một ngày làm việc tại Quỳnh Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường dành nhiều thời gian để kiểm tra hệ thống hạ tầng đê biển, kè chắn sóng, hệ thống neo đậu tàu thuyền; thăm mô hình ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất tảo xoắn, thăm khu nuôi tôm công nghiệp ở xã Quỳnh Bảng, thăm xưởng đóng tàu công suất lớn ở xã Quỳnh Nghĩa… Sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập Thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu vẫn hội tụ đầy đủ những yếu tố lợi thế để tiếp tục khẳng định vị thế huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh.

Theo chân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh vào thăm khu vực quy hoạch nuôi tôm công nghiệp thuộc xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), chúng tôi cảm nhận sự phấn khởi của bà con nơi đây. Vụ tôm năm nay, bà con tiếp tục bội thu nhờ kiểm soát được dịch bệnh, giá thu mua tôm tăng 1,5 lần.

Vào thăm hộ nuôi tôm Hoàng Xuân Tin, một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn thuộc xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường phấn khởi vì đây là hộ giáo dân làm kinh tế giỏi tiêu biểu của Quỳnh Lưu. Không những thế, ông Hoàng Xuân Tin còn là Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản Lộc Thủy gồm 45 hộ xã viên Giáo xứ Lộc Thủy, xã Quỳnh Bảng. Trên diện tích gần 10 ha, ông Tin quy hoạch hệ thống hồ đầm, bờ, sục nước, sục khí và mới đây ông còn đầu tư 1,5 tỷ đồng lắp đặt hơn 4.000m ống dẫn nước biển vào đầm tôm. Nhờ đó, khu vực trại nuôi tôm của ông và một số hộ xã viên HTX Lộc Thủy có thể chủ động được nguồn nước biển khi cần thay thế, hạn chế tối đa dịch bệnh do lây qua nguồn nước bị ô nhiễm.

Ông Hoàng Xuân Tin cho biết: Tổng diện tích nuôi tôm của HTX Lộc Thủy rộng hơn 80 ha, sản lượng tôm thương phẩm ước đạt 420 tấn, doanh thu khoảng 45 tỷ đồng. Riêng gia đình ông, vụ này sản lượng đạt khoảng 40 tấn, doanh thu hơn 4 tỷ đồng, lãi ròng 2,5 tỷ đồng. Theo ông Tin, nếu “xuôi chèo, mát mái” thì mỗi hộ nuôi tôm vùng Quỳnh Bảng mỗi năm lãi trên 1 tỷ đồng là chuyện bình thường. Lãi từ tiền nuôi tôm, bà con nông dân tái đầu tư vào ao đầm.

815840_small_105731.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường trao đổi với ông Hoàng Xuân Tin - giáo dân Giáo xứ Lộc Thủy - xã Quỳnh Bảng (Quỳnh Lưu), là người nuôi tôm giỏi, mỗi năm thu hàng tỷ đồng.

Kể từ vụ tôm 2011, HTX nuôi trồng thủy sản Lộc Thủy được thành lập, trên cương vị Chủ nhiệm HTX, ông Hoàng Xuân Tin đã thể hiện rất tốt vai trò trở thành cầu nối giữa các hộ xã viên nuôi tôm với các ngành chức năng trong tập huấn kỹ thuật, phòng, chống dịch bệnh, cung ứng thức ăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm…

Để chia sẻ khó khăn trong đầu tư hạ tầng cho vùng nuôi tôm, ngoài đầu tư 1 trạm điện riêng thì ông còn động viên hộ ông Hoàng Hường đầu tư 2 trạm điện và ông Hồ Tín đầu tư 1 trạm điện đủ lượng điện phục vụ nhu cầu sản xuất cho HTX. Với vai trò Chủ nhiệm HTX, để tăng nguồn lợi từ nuôi tôm, ông và một số hộ hội viên có điều kiện kinh tế tốt hơn chọn thí điểm thực hiện phương pháp “nuôi tôm qua đông” rồi nhân rộng cho toàn thể HTX. Điều ông Tin và các hộ giáo dân nuôi trồng thủy sản ở HTX Lộc Thủy trăn trở đó là hệ thống sông Mai Giang - hệ thống chính cung cấp nước cho vùng nuôi tôm đang bị bồi lắng, cạn hẹp, không đủ năng lực cấp nước cũng như tiêu nước cho vùng.

Chia tay vùng nuôi tôm công nghiệp Quỳnh Bảng, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục đi kiểm tra hệ thống đê biển kè chắn sóng các xã Quỳnh Long - Thọ - Thuận và các cửa lạch Thơi, Lạch Quèn. Qua tìm hiểu, chứng kiến thực tế, Chủ tịch UBND tỉnh vui mừng bởi các phương án phòng tránh trú bão đã được các ngư dân vùng ven biển tích cực chủ động thực hiện. Hệ thống kè neo đậu tránh trú bão lạch Quèn sau khi đã được đầu tư hạng mục kè số 5 đã đảm bảo trú ẩn ra vào cho 600 tàu thuyền công suất 200CV nhưng với thực tế năng lực đầu tư tàu thuyền công suất lớn trên 500CV vươn khơi bám biển của nhân dân thì việc đầu tư này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển tàu thuyền công suất lớn trong vùng.

Thăm cơ sở đóng tàu thuyền của ông Hồ Văn Huyền, xóm Nghĩa Phú (Quỳnh Nghĩa), nghe chủ cơ sở trao đổi sự lớn mạnh về quy mô, công suất của cơ sở sau hơn 10 năm lập xưởng. Từ chỗ chỉ đóng những thuyền công suất nhỏ 60-70CV thì nay đã vươn lên đóng được tàu lớn từ 500- 600CV với giá trị mỗi chiếc từ 2-3 tỷ đồng, mỗi năm cho xuất xưởng gần 10 chiếc, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 18 lao động tại chỗ. Điều mừng là các đơn đặt hàng đều từ các hộ ngư dân trong xã, bà con đã thực sự yên tâm bởi chất lượng, uy tín của cơ sở và mở hướng phát triển nghề này cho các cơ sở khác trong xã Quỳnh Nghĩa.

Trong thời gian đi cơ sở, Chủ tịch UBND tỉnh đặc biệt lưu ý đến kết quả khởi đầu đã cho sản phẩm mới trong ứng dụng công nghệ mới của Công ty TNHH công nghệ phục vụ đời sống sản xuất dịch vụ thương mại Thanh Mai, xã Quỳnh Lương. Nói là công nghệ mới, sản phẩm mới bởi ứng dụng tiến bộ trong nuôi trồng thủy sản để nuôi tảo xoắn Spirulina và cả nước mới chỉ có 3 cơ sở áp dụng nuôi thành công (khu vực miền Trung thì đây là cơ sở đầu tiên). Sự gặp nhau từ ý tưởng có một sản phẩm chức năng đặc trưng cho người nghèo giữa GS- TS Dương Đức Tiến, chuyên gia chủng tảo và doanh nhân Trần Thị Thao, sau 2 năm đã thành hiện thực với lần lượt đã cho ra đời 2 dòng sản phẩm “made in” Quỳnh Lương: sản phẩm viên nén tảo xoắn Spirulina và dòng sản phẩm Nattô kynađa (đỗ tương lên men) và hiện tại đang thử nghiệm sản phẩm “Đông trùng hạ thảo”.

Sự tâm huyết chuyển giao công nghệ của nhà khoa học và khát vọng có một sản phẩm mới triển vọng của nữ doanh nhân nên chỉ sau 2 năm được cấp đất, trên diện tích gần 5 ha, Công ty Thanh Mai đã đầu tư hơn 8 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể nuôi cấy, nhà thí nghiệm bảo quản, khu sản xuất theo quy chuẩn. Ghi nhận sự nỗ lực và sẻ chia khó khăn của doanh nghiệp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lập tức chỉ đạo Sở Công Thương khảo sát và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng đường điện riêng phục vụ sản xuất; huyện Quỳnh Lưu, xã Quỳnh Lương và các ngành chức năng hoàn tất thủ tục thuê đất để doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng dự án.

Khảo sát thực tế tại 4 xã vũng Bãi ngang, thăm các mô hình sản xuất, kinh tế từ nuôi trồng thủy sản, mô hình sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp… đều cho hiệu quả kinh tế cao thì dường như những trăn trở băn khoăn của đoàn công tác của tỉnh về Quỳnh Lưu bây giờ đã được giải tỏa. Sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập Thị xã Hoàng Mai, dẫu rằng tỷ trọng kinh tế CN-XD chỉ còn chiếm 28,91% cơ cấu nền kinh tế; nông - lâm - ngư nghiệp từ tỷ trọng 29% lên 42,38% nhưng Quỳnh Lưu vẫn có thể giàu lên, mạnh thêm bằng tiềm năng lợi thế nguồn lực đất đai, bằng chính sự táo bạo, bứt phá của những người dân rất năng động, sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Một lợi thế so sánh nữa của Quỳnh Lưu là với hơn 33 km chiều dài bờ biển và hiện đang sở hữu lượng tàu thuyền hùng hậu gần 1.200 chiếc, trong đó có gần 600 chiếc công suất lớn đánh bắt xa bờ (chiếm hơn 50% tổng số tàu đánh bắt xa bờ của cả tỉnh) thì việc vươn khơi bám biển làm giàu từ khai thác nguồn lợi hải sản là một hướng cần khai thác triệt để.

Trong buổi làm việc với lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các ngành cấp tỉnh đã chỉ rõ, với những gì còn lại, huyện Quỳnh Lưu vẫn là huyện lớn, phải đóng góp xứng tầm trong bản đồ kinh tế - xã hội của tỉnh, phải có trách nhiệm chia sẻ với các huyện miền Tây khó khăn. Muốn vậy, Quỳnh Lưu phải “yên dân” để phát triển. Dường như sau khi chia tách địa giới hành chính để thành lập Thị xã Hoàng Mai thì những lợi thế về kinh tế công nghiệp không còn nhưng lãnh đạo huyện Quỳnh Lưu đã thực sự trăn trở để Quỳnh Lưu tiếp tục phát triển trên cơ sở những tiềm năng, lợi thế của mình.

Những kiến nghị, đề xuất cho những định hướng lớn của huyện trong phát triển kinh tế đã nói lên điều đó và đã được Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý về chủ trương, đó là lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng vùng sản xuất rau an toàn gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn ứng dụng công nghệ cao tại xã Quỳnh Lương, Quỳnh Minh; lập dự án xây dựng hệ thống cung cấp nước biển phục vụ nuôi tôm công nghiệp theo quy chuẩn VietGAP tại xã Quỳnh Bảng; lập dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã Quỳnh Thọ (xã bãi ngang đặc biệt khó khăn)…

Có thể nói, với 1 ngày đi thăm Quỳnh Lưu, chứng kiến sự sáng tạo, vượt khó của bà con và chính quyền huyện, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi mở ra một số hướng đi, đồng thời gỡ khó cho huyện bằng một số dự án để phát huy sức vươn mạnh mẽ của vùng biển, vùng bãi ngang có nhiều lợi thế để Quỳnh Lưu tiếp tục khẳng định vị thế huyện trọng điểm kinh tế của tỉnh cả hiện tại và trong tương lai.


Hữu Nghĩa