Đây là những ý kiến được đưa ra tại Hội nghị tổng kết năm học được UBND tỉnh tổ chức sáng ngày 9/8/2019.

bna_383a72272763788_982019.jpgHội nghị Tổng kết năm học 2018 - 2019 được tổ chức theo hình thức trực tuyến nối đầu cầu với 21 huyện, thành thị trong toàn tỉnh. Ảnh: Đức Anh
Cụ thể, theo ông Vũ Tuấn Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai trong 5 năm vừa qua, toàn thị xã đã đầu tư xây dựng được 297 phòng học với tổng kinh phí đầu tư hơn 260 tỷ đồng (chiếm 31% tổng thu ngân sách trên địa bàn thị xã) nhưng đến nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.
Điều nay là do dân số cơ học tăng nhanh, nhu cầu trẻ đến lớp tăng cao. Hiện, toàn thị xã vẫn còn 91 phòng học tạm và mượn, 21 phòng thuê. Trường THPT Hoàng Mai 2 hiện vẫn đang phải đi mượn địa điểm dạy và học.
Tại huyện Diễn Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Sánh cho biết: Thời điểm này, 100% các trường mầm non, tiểu học, THCS đã thực hiện tốt công tác tự đánh  giá và đánh giá ngoài để kiểm định chất lượng và công nhận trường chuẩn quốc gia.
Học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Xuân (thị xã Hoàng Mai). Ảnh: Mỹ Hà
Nhưng, nếu theo các tiêu chí đã ban hành, thì nhiều trường nguy cơ mất chuẩn: Trên địa bàn chúng tôi nhiều đơn vị tiểu học đã có số lớp vượt quá 30 lớp. Những đơn vị này trước đây đã được công nhận chuẩn quốc gia và nếu thực hiện kiểm tra công nhận lại thì những đơn vị này sẽ không đạt chuẩn.
Đại diện huyện Diễn Châu cũng cho biết: Trong thời gian tới, huyện sẽ tiến hành lộ trình sáp nhập xã. Song song với đó, các trường cũng sẽ tiến hành sáp nhập. Như vậy, quy mô lớp của các trường sẽ tăng lên và các trường này sẽ không đạt chuẩn.
Hay, như với bậc học mầm non, theo quy định trường đạt chuẩn không qua 20 nhóm, lớp/trường. Nhưng, thực tế hiện nay do địa bàn rộng, dân cư đông nhưng các trường lại không được tách trường. Thế nên nhiều trường mầm non ở các xã Diễn Thịnh, Diễn Yên, Diễn Hồng, Diễn Kỷ sẽ không thể đạt được chuẩn quốc gia mức độ 2.
Trên cả tỉnh, kết thúc năm học 2018 – 2019, toàn tỉnh đã có 1104 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 72,67%, vượt chỉ tiêu đại hội đã đề ra. Trong đó 2 địa phương có tỷ lệ cao nhất là thị xã Cửa Lò (100%) và thị xã Thái Hòa (93,75%).
Tuy vậy, bên cạnh đó, ở nhiều địa phương nhiều trường cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần được đầu tư nâng cấp, sửa chữa. Qua thống kê, năm học 2019 - 2020, Nghệ An đang còn 1.255 phòng học tạm, mượn. Từ nay đến năm 2020, trung bình mỗi năm có khoảng 1.000 phòng học cần phải được đầu tư kiên cố hóa.