Tăng thêm 70-110 nghìn đồng/tháng/sinh viên
Ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nhìn nhận “trong năm học mới nhiều trường sẽ tăng học phí. Các trường không tự chủ tăng theo mức mà Nghị định 86 năm 2015 của Chính phủ đã quy định, các trường tự chủ sẽ tăng theo quy định riêng".
Trước đó, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã thông báo, mức học phí trung bình mỗi tháng học của chương trình chính quy đại trà được thực hiện theo Quy định về học phí của Chính phủ. Học phí trung bình mỗi tháng học của chương trình tiên tiến, chất lượng cao được thực hiện theo Quyết định phê duyệt Đề án của Đại học Quốc gia TP.HCM.
Cụ thể, chương trình chính quy đại trà kể cả chương trình kỹ sư tài năng, chương trình kỹ sư chất lượng cao PFIEV có mức thu trong năm học 2018-2019 là là 960.000 đồng/ sinh viên / tháng. Tới năm học 2019-2020 mức thu học phí là 1.060.000 đồng/ tháng/sinh viên.
Đối với chương trình chính quy tiên tiến, chất lượng cao được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh học phí là 6 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Ngoài ra, trường này cũng đưa ra lưu ý, khi tự chủ, học phí sẽ được quy định theo đề án tự chủ được phê duyệt.
Ông Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM cho biết do trường chưa tự chủ nên trường sẽ thu theo Nghị định 86, học phí có tăng một chút.
Theo ông Sen dù học phí có tăng nhưng mức thu mới vẫn chưa đủ bù chi.
"Đối với trường chúng tôi hàng năm chi khoảng 270 tỷ đồng cho tất cả các hoạt động nhưng ngân sách nhà nước cấp bù chỉ khoảng 45 tỷ. Trường phải lo kinh phí chênh lệch này trong đó chỉ có khoản thu học phí"- ông Sen nói
Ông Sen cho rằng, mức thu này là "đủ để tồn tại".
"Nhưng trường không thể chi nhiều cho nghiên cứu khoa học, nâng cao việc giảng dạy, nâng cấp đời sống giảng viên hay cấp kinh phí cho giảng viên đi nước ngoài.Tôi nghĩ đây là bài toán nan giải mà các trường đang gặp phải hiện nay”.
Theo ông Sen, sắp tới trường sẽ tính tới phương án tự chủ từng phần, mà cụ thể là tự chủ ở những ngành có khả năng thu hút sinh viên.
"Đào tạo khoa học cơ bản thì không thể theo “kinh tế thị trường”. Có những ngành hiện nay trường đã miễn học phí cả bậc ĐH và sau đại học nhưng cũng chỉ có 3-5 người theo học, trong khi trường chúng tôi đa số là các ngành khoa học cơ bản".
Ông Sen cho rằng, dù thực hiện tự chủ cũng phải nghĩ tới số phận của khoa học cơ bản do nghiên cứu để bán sản phẩm bù kinh phí đào tạo là không thể.
Trường ĐH Vinh cũng áp dụng mức học phí với sinh viên chính quy và lộ trình tăng học phí cho từng năm theo quy định của Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
Năm học 2018-2019 các khối ngành Khoa học xã hội; Kinh tế; Luật; Nông, lâm, thủy sản sẽ tăng 70.000 đồng/tháng/sinh viên so với năm học 2017-2018 và lên mức 810.000 đồng/tháng. Dự kiến học phí các khối ngành này năm học 2019-2020 sẽ tăng lên mức 890.000 đồng và năm học 2020-2021 sẽ là 980.000 đồng/tháng.
Với khối ngành Khoa học tự nhiên; Kỹ thuật, Công nghệ; Thể dục thể thao, nghệ thuật; Khách sạn, du lịch, học phí năm học 2018-2019 sẽ là 960.000 đồng/tháng/sinh viên, tăng 90.000 đồng so với năm học 2017-2018. Học phí các khối ngành này sẽ tăng lên mức 1.060.000 đồng ở năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021 sẽ là 1.170.000 đồng/tháng.
Theo Nghị định 86/2015 của Chính phủ, mức trần học phí năm 2018-2019 đối với các chương trình đào tạo đại trà, trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng đối với ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật, nông, lâm, thủy sản là 810.000 đồng/ tháng/ sinh viên. Như vậy mức thu này sẽ tăng thêm 70.000 đồng/ tháng/ sinh viên so với năm học trước.
Khối ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 960.000 đồng/ tháng/ sinh viên. Mức thu, này tăng thêm 90.000 đồng/ sinh viên/ tháng.
Còn ngành Y dược là 1.180.000 đồng/ tháng/ sinh viên. Mức thu này tăng thêm 110.000 đồng/ sinh viên/ tháng.
Trường tự chủ tăng theo lộ trình
Cũng theo Nghị định 86, mức trần học phí năm học 2018-2019 đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư áp dụng theo các khối ngành, chuyên ngành đào tạo các ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản là 1,85 triệu đồng/ tháng/ sinh viên.
Ngành Khoa học tự nhiên; kỹ thuật, công nghệ; thể dục thể thao, nghệ thuật; khách sạn, du lịch là 2,2 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Ngành Y dược 4,6 triệu đồng/ tháng/ sinh viên.
"Dù là trường tự chủ, thu theo lộ trình nhưng mức học phí này cũng không bù đủ kinh phí đào tạo hiện nay" - ông Dũng nói.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có mức học phí đối với sinh viên đại học chính quy khóa mới nhập học năm 2018 (khóa 63) về cơ bản giữ ổn định so với khóa trước, ngoại trừ học phí của một số ngành được điều chỉnh tăng nhưng đảm bảo mức học phí bình quân thấp hơn mức bình quân tối đa được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg.
Học phí đào tạo đại học đại trà nằm trong khoảng 15-20 triệu đồng/năm học 2018-2019 tùy theo ngành đào tạo.
Học phí của các chương trình tiên tiến bằng 1,3-1,5 lần mức học phí đại học đại trà cùng ngành. Học phí của các Chương trình đào tạo quốc tế do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cấp bằng trong khoảng 40-50 triệu đồng/năm học 2018-2019 tùy theo chương trình.
Từ năm học 2020-2021 trở đi, mức học phí không tăng quá 10% so với mức học phí trong năm học liền trước đó.
Hiện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch vẫn đang chờ sự phê duyệt đề án tự chủ toán phần từ UBND TP.HCM. Nếu được phê duyệt mức học phí của trường sẽ cao nhất là 4,4 đồng/ tháng/ sinh viên.
Mức thu này sẽ tùy theo ngành, trong đó ngành Y đa khoa (chính quy); Răng hàm mặt (chính quy); Dược sĩ Đại học; Cử nhân khúc xạ chính quy phí cao nhất 4,4 triệu đồng/tháng/ sinh viên.
Ba ngành Cử nhân điều dưỡng (chính quy); Cử nhân điều dưỡng (VHVL); Cử nhân Kỹ thuật y học (chính quy) là 3 triệu/ tháng/ sinh viên. Ngành cử nhân xét nghiệm Y học (chính quy) dự kiến 3.6 triệu đồng/ tháng/ sinh viên; Riêng ngành Cử nhân Y tế công cộng (chính quy) là 2.5 triệu đồng/ tháng/ sinh viên. Một lãnh đạo nhà trường cho biết, nhà trường vẫn trong tình trạng "chờ đợi" nên không thể khẳng định.
Còn Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, cho biết học phí của trường năm nay vẫn ở mức từ 17 đến 19 triệu đồng/ năm/ sinh viên tùy theo ngành nghề. Sinh viên sẽ đóng theo tín chỉ và được chia làm hai loại là tín chỉ lý thuyết và thực hành nên các ngành ít thực hành sẽ có học phí ít hơn. Mức học phí này cũng cố định trong suốt khóa học.
Với chương trình chất lượng cao, chuẩn quốc tế học phí từ 28 đến 35 triệu/ năm/ sinh viên và cố định trong suốt khóa học. Ngoài ra trường triển khai chương trình đào tạo cao đẳng cam kết 100% việc làm Nhật Bản với mức học phí dự kiến là 18 triệu/năm.
Trước đó, Trường ĐH Tôn Đức Thắng mới chỉ được phê duyệt đề án tự chủ giài đoạn 2015-2017. Theo đại diện nhà trường năm học mới học phí sẽ tăng nhẹ theo Nghị định 86, tuy nhiên đây là tăng theo mức trần bởi có nhiều ngành sẽ thấp hơn do phụ thuộc vào tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo.
Đối với chương trình chất lượng cao dao động khoảng 35 – 36 triệu/năm học riêng các ngành quản trị kinh doanh (CN Quản trị Marketing), quản trị kinh doanh (CN Quản trị Nhà hàng – Khách sạn), Kinh doanh quốc tế khoảng 44 – 45 triệu/năm học.
TS Lê Việt Thủy, Phó trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay, về học phí hệ chính quy chương trình đại trà của nhà trường năm học 2018-2019, thấp nhất là 13,5 triệu đồng/năm và cao nhất là 18,5 triệu đồng/năm tùy từng ngành học.
Lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm sẽ được thực hiện theo Nghị định số 86/2015/NĐ- CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ.
“Những ngành học phí thấp nhất là những ngành mà chúng tôi đang muốn ưu tiên để tuyển sinh vào và nhu cầu xã hội đang rất cần là Công nghệ thông tin, Kinh tế học,… Những ngành có nhu cầu học và vào cao như Tài chính, Kế toán, Marketing, Kinh doanh quốc tế ở mức cao nhất.
Thí sinh cần lưu ý, đối với các chương trình đào tạo/học bằng tiếng Anh (các ngành POHE, EBBA, EPMP, BBAE,…); chương trình đào tạo tiên tiến, chất lượng cao thì học phí sẽ cao hơn. Vì vậy, các thí sinh dự kiến đăng ký vào những chương trình này cần chú ý, tránh trường hợp đáng tiếc sau khi trúng tuyển mới nhận ra học phí quá khả năng kinh tế của gia đình nhưng không còn cơ hội để xét tuyển vào các ngành khác hoặc trường khác nữa”- ông Thủy cho biết.
Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng thực hiện cơ chế thu, quản lý học phí theo quy định tại Nghị định 86 ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Mức thu học phí bình quân tối đa năm học 2018-2019 chương trình đại trà trình độ đại học chính quy của trường tăng 2 triệu đồng so với năm ngoái.
Mức thu học phí bình quân tối đa của năm học 2018 - 2019 là 16 triệu đồng/sinh viên/năm học. Dự kiến, năm học 2019 - 2020 là 17,5 triệu đồng/sinh viên/năm học.
Trường ĐH Công nghiệp cho biết sẽ thực hiện tính toán và công khai mức thu học phí cụ thể cho từng nhóm ngành, chuyên ngành, chương trình đào tạo trước khi tuyển sinh, bảo đảm mức thu học phí bình quân (của các chương trình đại trà) không vượt quá mức thu học phí bình quân tối đa của trường theo quy định.
Trường cũng quyết định mức trần học phí đối với trình độ đào tạo tiến sĩ bằng 2,5 lần; thạc sĩ bằng 1,5 lần; cao đẳng bằng 0,8 lần mức học phí bình quân tối đa trên. Học phí đào tạo theo phương thức giáo dục thường xuyên không vượt quá 1,5 lần mức học phí chính quy cùng cấp học và cùng nhóm ngành nghề đào tạo.
Đối với các đối tượng đã nhập học trước thời điểm 4/7/2017, nhà trường thu học phí không vượt quá 20% mức trần học phí quy định đối với các chương trình đào tạo đại trà trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục công lập chưa bảo đảm kinh phí chi thường xuyên và chi đầu tư theo quy định. Mức tăng tối đa năm sau không quá 30% của năm trước liền kề kể từ 4/7/2017.