Kết luận thanh tra một số vấn đề liên quan Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục và Đào tạo) của Thanh tra Bộ Giáo dục đầu năm học 2018-2019 chỉ ra nhiều sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015, 2016, 2017 do Cục này chủ trì tổ chức.
Trong Hội đồng ra đề thi có một số thành viên tham gia xây dựng đề, đồng thời lại bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển dự thi. Trong khi đó, nhiều môn chỉ có rất ít đề đề xuất như Ngữ văn 2, Tin học 3, tiếng Pháp 4. Việc thực hiện quy trình ra đề, bảo mật đề thi, theo đó được Thanh tra Bộ đánh giá là chưa đảm bảo, "tiềm ẩn khả năng lộ bí mật, thiếu khách quan".
Khâu chấm thi học sinh giỏi quốc gia các năm 2015 - 2017 cũng có nhiều sai sót. Trong phiếu thống nhất điểm chỉ có điểm thống nhất của giám khảo 1 và 2 mà không có điểm của từng cán bộ trên. Sự chênh lệch điểm số giữa hai giám khảo ở tất cả bài thi của 5 môn được kiểm tra đều không có.
"Điểm trên phiếu thống nhất không bằng với điểm được nhập vào máy tính; biên bản nhập điểm bài thi lý thuyết Hóa vào máy tính (thi ngày 5/1/2017) không có chữ ký xác nhận của thư ký Hội đồng chấm thi", kết luận thanh tra nêu.
Theo Quy chế thi học sinh giỏi quốc gia, các thành viên Hội đồng chấm thi của kỳ thi không được tham gia Hội đồng phúc khảo. Tuy nhiên, Hội đồng phúc khảo kỳ thi năm 2017 lại có thành viên là giám khảo chấm thi. Kiểm tra 4 bài thi có thay đổi điểm sau phúc khảo, Thanh tra Bộ không thấy biên bản mở, kiểm tra túi bài thi như quy định. Biên bản của tổ chấm ghi không đúng với thực tế tăng điểm bài thi.
"Bài thi mã phách 0436xxxx từ không có giải thành giải ba... trước là 11,5 điểm, sau phúc khảo là 12,5 điểm. Theo biên bản phúc khảo của tổ chấm thi, nguyên nhân là cộng nhầm điểm, nhưng kiểm tra điểm tại bài thi cho thấy không phải cộng nhầm mà giám khảo chấm phúc khảo cho thêm điểm thành phần ghi bằng mực tím", kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục viết. Bài thi của thí sinh khác được tăng điểm cũng có nguyên nhân và thực tế như vậy.
Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục dấy lên nghi ngại về tính khách quan, công bằng của kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Sáng 22/1, Cục Quản lý chất lượng (Bộ Giáo dục) đã ra văn bản trả lời. Cục thừa nhận hạn chế trong khâu bồi dưỡng, tập huấn đội tuyển, khi một số đơn vị mời giáo viên hoặc đưa học sinh trong đội tuyển về Hà Nội để ôn tập trước khi thi. Điều này gây tâm lý nghi ngại về tính khách quan, công bằng của tổ chức thi và kết quả thi.
Trong các năm, đặc biệt từ năm 2018, Cục Quản lý chất lượng đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục hạn chế. Cụ thể, Cục huy động cán bộ trẻ được đào tạo ở nước ngoài, nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các vùng miền... tham gia công tác chuyên môn của kỳ thi. Việc mời cán bộ, giáo viên, giảng viên đã nghỉ hưu giới thiệu đề đề xuất và tham gia Hội đồng ra đề thi, chấm thi được hạn chế tối đa.
Một nguyên tắc khi thành lập các hội đồng thi là không cử người dạy cho các đội tuyển dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia tham gia các hội đồng. Đề đề xuất được chính người ra đề niêm phong, gửi đi; Cục Quản lý chất lượng bảo quản theo chế độ mật tại các thùng sắt niêm phong và bàn giao nguyên vẹn cho Hội đồng ra đề thi tại khu vực cách lý.
"Đề đề xuất không tập trung vào một số cá nhân. Từ ý tưởng của đề đề xuất, Hội đồng ra đề thi biến đổi ít nhất 70% đề gốc để hình thành đề thi chính thức và dự bị cho kỳ thi. Đề thi chỉ trở thành chính thức và dự bị khi được thành viên của tổ soạn thảo xây dựng, phản biện độc lập, thống nhất ký vào biên bản trình lãnh đạo Hội đồng ra đề phê duyệt", văn bản của Cục Quản lý chất lượng viết.
Công tác coi thi, làm phách, chấm thi, nhập điểm... cũng được Cục này cho biết đã thực hiện nghiêm ngặt, đúng quy định, có sự giám sát của cán bộ Thanh tra và Bộ Công an (A83). Ngoài ra, toàn bộ quá trình chấm thi các môn đều được camera ghi lại, dữ liệu lưu trữ 12 tháng.
Tiếp thu ý kiến đóng góp về việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Cục Quản lý chất lượng cho biết sẽ tiếp tục xem xét toàn diện kỳ thi này để đổi mới công tác thi. Việc tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực và quốc tế từ sau năm 2020 cũng được cải tiến theo hướng tăng cường phân cấp và phát huy tự chủ của cơ sở giáo dục đào tạo.