Gia cảnh khốn khó
Gặp Vũ tại nhà vào ngày nghỉ học, em đang làm việc để phụ giúp gia đình. Cậu học trò bé nhỏ từng đạt "cú đúp” trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh hồi tháng 3, gây ấn tượng với người xung quanh ngoài sự khiêm tốn, lễ độ là lối nói chuyện thông minh, dí dỏm. Vũ chia sẻ: “Thành tích của bản thân hôm nay là nguồn động lực để em cố gắng hơn trong chặng đường trước mắt, nhất là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm tới”.
Vũ là con đầu trong một gia đình nông dân có 3 anh em, ở xóm Mới, xã Thanh Nho, huyện Thanh Chương. Hoàn cảnh gia đình thuộc diện khó khăn, bố em - ông Trần Đình Ngọ (52 tuổi) là một người tàn tật, từng 2 lần gặp nạn.
Năm 2004, khi đang đi làm thợ xây ở miền Nam, ông bị rơi từ trên giàn giáo xuống gãy xương sống, phải chạy chữa cả năm mới khỏi. 7 năm sau, trong 1 vụ tai nạn giao thông, ông lại bị gãy chân. Mặc dù vết thương đã lành nhưng việc đi lại của ông cũng vô cùng khó khăn, mỗi khi di chuyển phải dùng xe lăn, nạng gỗ. Từ ngày ông Ngọ gặp nạn, công việc nặng nhọc trong nhà đều đổ lên vai bà Nguyễn Thị Hòa - mẹ Vũ. Cuộc sống gia đình vốn đã chật vật lại càng khó khăn thêm.
Không còn ra Bắc vào Nam mưu sinh được như xưa, ông Ngọ đành mở một quán nhỏ sửa đồ điện trước nhà “gọi là nhúc nhắc cho khuây và để kiếm thêm thu nhập”, mong góp phần giúp vợ, đỡ con. Tuy nhiên, do sức khỏe yếu, những đồng tiền ít ỏi kiếm được cũng chỉ đủ lo chuyện thuốc thang, chữa bệnh cho ông những lúc trái gió trở trời. Chuyện trang trải chi tiêu sinh hoạt gia đình, cho đến việc học hành của con cái đều trông chờ vào mùa vụ từ mấy sào ruộng và việc chăn nuôi của bà Hòa.
Hiểu rõ điều kiện nhà mình, thương bố mẹ phải tần tảo mưu sinh, nên anh em Vũ luôn cố gắng trong học tập cũng như lao động. Là con lớn trong nhà, Vũ luôn ý thức được trách nhiệm của mình, nên tích cực chia sẻ với mẹ những công việc nặng nhọc, dẫu có lúc bà Hòa cũng không muốn thế, vì lo “ảnh hưởng đến học tập của con”. Mùa hè vừa qua, Vũ còn theo người anh em trong họ đi làm thợ mộc mấy tháng liền.
Vũ thành thật: “Số tiền kiếm được từ việc làm thêm, đủ để em mua sách vở, tài liệu học tập và trả tiền học phí năm học lớp 11. Bố mẹ cũng đỡ được một khoản tiền”.
Ở trường, Vũ là một học sinh hiền lành, ít nói, siêng năng và được bạn bè gọi vui là “Vũ tộc trưởng”. Cái biệt danh này xuất phát từ việc Vũ thường phải nghỉ học để lo công việc của dòng họ. Em tuy ít tuổi, nhưng đứng đầu họ tộc nên phải “sắm nhiều vai”, phải thay bố trong một số nghi lễ cúng tế ở gia đường.
Nói về phương pháp học tập, Vũ chia sẻ, do điều kiện kinh tế gia đình eo hẹp, nên ngoài những giờ học ở trường, em không đi ôn luyện ở lò mà chỉ mua tài liệu về nhà tự học. Cái máy tính cũ do một người cô trong họ tặng là "bảo bối" học tập quan trọng của Vũ, nhờ đó mà em có thể tìm hiểu thêm những kiến thức bổ ích liên quan đến các môn học mà bản thân yêu thích, kể cả học thêm tiếng Anh trên mạng.
Quan điểm học tập của Vũ đối với các môn thi khối A là coi trọng kiến thức cơ bản, nắm chắc lý thuyết, hiểu rõ bản chất của vấn đề, làm bài tập nhiều… “Em cũng chẳng có bí quyết gì cả, ngoài sự siêng năng, chăm chỉ và phát huy cao độ tinh thần tự học” – Vũ khẳng định.
Nói về người học trò chăm chỉ, thầy giáo Trịnh Văn Thạch – giáo viên Chủ nhiệm lớp 11D cho biết: “Vũ là một học sinh ngoan, hiền, thông minh, biết vượt lên hoàn cảnh đặc biệt của gia đình để học tập tốt. Hi vọng sự nỗ lực của em, chắc chắn sẽ còn đem lại nhiều thành tích mới cho bản thân và nhà trường”.
Nuôi ước mơ trở thành chiến sĩ công an, cậu học trò hàng ngày đi trên chiếc xe đạp cà tàng tới lớp, vẫn luôn tin tưởng mình sẽ làm được một điều gì đó, để đáp lại sự trông mong của nhiều người.